Từ tự nguyện đến... “tự sát”

Di chuyển các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra xa khu dân cư là một chủ trương đúng đắn trong việc xây dựng nông thôn mới. Thế nhưng ở xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, Hà Nội có một cơ sở sản xuất dệt nhuộm, may đã tự nguyện bỏ vốn nhiều tỷ đồng để tự di chuyển cơ sở sản xuất cũ ra địa điểm đã được quy hoạch, nhưng chính quyền lại không giúp tháo gỡ khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng (GPMB), khiến cơ sở này đang trên bờ vực phá sản.

Do chậm được GPMB để xây dựng cơ sở mới nên máy móc nhập ngoại của cơ sở dệt nhuộm, may Canh Thanh đang phải nằm phủ bạt tại sân trụ sở UBND xã Tam Hiệp

Tìm hiểu thực tế tại địa phương, chúng tôi được biết: Theo chủ trương của UBND xã Tam Hiệp và chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 41/NQ-TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH giai đoạn 2005-2010 và những năm tiếp theo, năm 2005 cơ sở dệt nhuộm, may Canh Thanh, đóng tại xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ có diện tích hơn 9.000 m2 tiềm ẩn việc gây ô nhiễm môi trường trong diện phải di dời. Trước tình hình trên, tháng 8/2008, cơ sở Canh Thanh đã tự nguyện di dời cơ sở sản xuất của mình, làm đơn thuê gần 10.000 m2 đất tại khu làng nghề tập trung tại xã Tam Hiệp để mở rộng, nằm ngoài khu dân cư.

Được biết, dự án này được triển khai theo đúng trình tự, quy định của pháp luật, thủ tục đền bù GPMB khi Nhà nước thu hồi đất được thực hiện đền bù theo phương án của thành phố Hà Nội ban hành. UBND thành phố Hà Nội đã có Quyết định 1750/QĐ-UBND về việc thu hồi 9.925 m2 đất nông nghiệp của xã Tam Hiệp, để chuyển đổi thành đất phi nông nghiệp phục vụ di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư ra địa điểm đã quy hoạch. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số hộ chưa nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng cho chính quyền, nên dự án đang bị “dậm chân tại chỗ”, cho dù UBND huyện Phúc Thọ đã đưa ra cả hai phương án án đền bù. Một là đền bù bằng tiền theo quy định, hai là đền bù bằng đất có cùng mục đích sử dụng. Về phía chủ đầu tư sẵn sàng hỗ trợ tiền cho các hộ nhận đền bù bằng đất do chính quyền giao đất mới ở vị trí khác có cùng mục đích sử dụng. Nhưng đến nay, đã 6 năm triển khai dự án, chính quyền vẫn chưa bàn giao được mặt bằng sạch cho chủ đầu tư thực hiện dự án do còn một số hộ dân bị thu hồi đất nông nghiệp vẫn cố tình chống đối không nhận tiền đền bù và giao mặt bằng.

Anh Trần Huy Canh, chủ cơ sở dệt nhuộm, may Canh Thanh bức xúc: “Chấp hành nghiêm Nghị quyết của Trung ương và định hướng của chính quyền địa phương, 4 năm trước gia đình tôi đã bỏ vốn đầu tư, di chuyển mở rộng cơ sở ra khỏi khu dân cư. Thế nhưng, thay vì nhanh chóng đi vào hoạt động để sớm nhân rộng mô hình điểm của xã thì dự án của tôi lại “treo” suốt từ đó tới nay vì ách tắc GPMB”.

Hiện cơ sở dệt nhuộm, may Canh Thanh - nhà đầu tư dự án di dời đầu tiên của Phúc Thọ - đang đứng bên bờ vực phá sản, bởi cơ sở cũ trong làng đã bị đình chỉ sản xuất từ năm 2008 để di dời, trong khi mặt bằng “dự án điểm” chờ mãi không được bàn giao. Đã vậy, do phải trả một phần vốn vay ngân hàng đầu tư vào dây chuyền máy móc, chuẩn bị cho mở rộng quy mô sản xuất nên gia đình anh Canh đã phải bán thửa đất là nơi sản xuất cũ trước đây. Khi người chủ mới tới đòi đất, họ đã tự ý tháo dỡ các thiết bị vứt ra khỏi xưởng. Toàn bộ dây chuyền sản xuất của cơ sở Canh Thanh bị cắt rời thành từng mảnh nhỏ, bị đem nhiều nơi, kể cả sân trụ sở UBND xã Tam Hiệp. Anh Canh làm đơn kêu cứu đến chính quyền giúp đỡ thì được chính quyền trả lời “Đất đã bán người ta làm vậy chúng tôi cũng chịu”. Tương tự như vậy, kinh phí đền bù GPMB theo quy định của luật, chủ dự án đã nộp đủ vào kho bạc nhà nước đã nhiều năm nhưng lại không nhận được mặt bằng như quyết định đã ban hành để thực hiện dự án.

Có mặt tại trụ sở UBND xã Tam Hiệp, chúng tôi chứng kiến một đống máy móc của cơ sở Canh Thanh đã gỉ sét do phơi mưa, phơi nắng nằm “ăn vạ” ở sân. “Với tôi tự nguyện di dời là… tự sát. Cả đống máy móc trị giá nhiều tỷ đồng bây giờ không để đâu, khi đất dự án chưa được GPMB. Của đống tiền đã và đang trở thành sắt vụn hết rồi...”, anh Canh chua xót than.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phùng Anh Tuấn, Chánh Văn phòng UBND huyện Phúc Thọ cho biết: "Dự án Canh Thanh mở cơ sở nhuộm hấp vải sợi, đến nay không GPMB xong, nhưng sắp tới UBND huyện sẽ họp bàn với UBND xã Tam Hiệp tìm cách tháo gỡ, để bàn giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án". Vậy thời gian tới sẽ là ngày, tháng nào thì đến nay câu hỏi này vẫn còn bỏ ngỏ?

Còn theo ông Hoàng Văn Kha, Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp thì: “Tiền GPMB cơ sở Canh Thanh đã nộp về huyện, nên bây giờ thẩm quyền là thuộc về huyện”. Nếu xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ không kiên quyết GPMB cho cơ sở Canh Thanh, e rằng một chủ trương đúng đắn của Trung ương bị xem nhẹ và nguy cơ bị phá sản của một cơ sở sản xuất hàng thủ công đang hiện rõ.

UBND huyện Phúc Thọ nên có hành động kiên quyết, cụ thể. Bởi dự án này nếu trở thành hiện thực sẽ là một động lực cho làng nghề may mặc của xã Tam Hiệp phát triển, vì là cơ sở duy nhất sản xuất nguyên liệu đầu vào cho làng nghề. Tạo môi trường an toàn, sạch đẹp trong khu dân cư. Bởi nơi đây đã từng xảy ra 5 vụ cháy thiêu rụi toàn bộ 5 căn nhà trong làng nghề. Hơn nữa, luật ban hành để cho mọi cá nhân và tổ chức phải thực hiện. Nếu có khó khăn thì UBND huyện Phúc Thọ cần có văn bản báo cáo UBND thành phố Hà Nội tìm giải pháp hữu hiệu để giải quyết, tránh để tình trạng kéo dài gây mất niềm tin của nhân dân, làm tiền lệ xấu cho các dự án khác trên địa bàn. Tránh gây thiệt hại cho chủ đầu tư và tiền của Nhà nước khi máy móc nhập ngoại trở thành sắt vụn.

Bài và ảnh: Nguyễn Viết Tôn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN