Nhiều doanh nghiệp sử dụng phần mềm lậu

Nằm trong kế hoạch đẩy mạnh thanh tra bản quyền phần mềm trong những tháng cuối năm vừa qua, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Phòng Cảnh sát Tội phạm Công nghệ cao (Bộ Công an) đã tiến hành kiểm tra một số doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội, sau loạt kiểm tra tại địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Đoàn đã phát hiện Công ty Tư vấn và Thiết kế Việt Nam (DAC), có trụ sở tại Lô C2A Cụm Công nghiệp Cầu Giấy, đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài - Cầu Giấy - Hà Nội, sử dụng một số lượng lớn các phần mềm bất hợp pháp, trị giá lên tới hàng tỷ đồng.

Thanh tra bản quyền phần mềm tại Công ty Tư vấn và Thiết kế Việt Nam (DAC). Ảnh: CTV

Ông Vũ Xuân Thành, Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Đoàn thanh tra liên ngành đã kiểm tra 75 máy tính của công ty và phát hiện số lượng lớn các phần mềm được cài đặt để sử dụng cho hoạt động kinh doanh của công ty đều không có bản quyền. Bên cạnh số lượng lớn các phần mềm chuyên ngành trong thiết kế của công ty Autodesk như Autodesk 3DS Max, phần mềm AutoCAD, còn có số lượng lớn các phần mềm Microsoft Office, Microsoft Window XP, Công ty Tư vấn và Thiết kế Việt Nam còn sử dụng bất hợp pháp các phần mềm của Việt Nam như Từ điển LacViet và nhiều phần mềm khác như Adobe Photoshop, Symantec Antivirus. Theo tính toán từ chủ sở hữu, số lượng phần mềm vi phạm trên lên tới hơn 1 tỷ đồng.

Theo Thanh tra Bộ, trong số các công ty bị kiểm tra, đa số đều có ý thức chấp hành và khắc phục sai phạm rất tích cực. Tuy vậy, vẫn còn một số doanh nghiệp lớn, có tên tuổi vẫn còn chậm chạp và không nghiêm túc trong việc thực hiện các cam kết đã ký trong Biên bản thanh tra, trong đó có Công ty DAC. "Có một nghịch lý, DAC là một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực thiết kế xây dựng với các công trình lớn, thêm vào đó DAC còn là công ty phát triển các phần mềm để ứng dụng trong ngành, nhưng lại không có ý thức tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ phần mềm", đại điện đoàn thanh tra cho biết thêm.

Ở Việt Nam, phần lớn các tổ chức vẫn cho rằng khi bị phát hiện vi phạm bản quyền phần mềm, họ chỉ việc mua giấy phép sử dụng cho những phần mềm đã bị sử dụng hay cài đặt trái phép. Nhưng sự thực thì còn rất nhiều nguy cơ và hậu quả nghiêm trọng cần phải cân nhắc khi sử dụng phần mềm sao chép lậu. Theo Điều 170a Bộ luật Hình sự, người vi phạm bản quyền hay các quyền liên quan trên quy mô thương mại, tùy trường hợp sẽ bị phạt từ 50 - 500 triệu đồng, hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ tối đa 2 năm. Trường hợp phạm tội có tổ chức hay phạm tội nhiều lần, mức phạt thậm chí còn cao hơn và người vi phạm sẽ bị phạt từ 400 triệu đến 1 tỉ đồng, hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Ngoài ra, người sở hữu tác quyền cũng được quyền sử dụng các biện pháp khác để xử lý việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của mình, như tiến hành khiếu tố tại tòa án có thẩm quyền theo Điều 198.1d, Luật SHTT, và/hoặc yêu cầu tòa án buộc người vi phạm phải ngừng hành động vi phạm, chính thức xin lỗi và có biện pháp khắc phục, yêu cầu người vi phạm bồi thường thiệt hại, kể cả thiệt hại vật chất, cũng như trả án phí theo các Điều 202, 204, 205, Luật SHTT. Mức độ thiệt hại được xác định dựa trên những tổn thất thực tế đối với người có quyền sở hữu trí tuệ, do hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra.

Đặc biệt, phần mềm sao chép lậu không được kiểm tra chất lượng. Bởi vậy, máy tính của doanh nghiệp không chỉ bị phơi nhiễm trước mã độc, lỗi và virút mà dữ liệu và an ninh mạng của công ty cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

P.V

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN