Kinh nghiệm đấu tranh với tội phạm ma túy trên tuyến Hà Nội - Lạng Sơn

Chiều dài toàn tuyến khoảng 150 km, tuyến giao thông đường bộ Hà Nội – Lạng Sơn là một trong những tuyến giao thông có ý nghĩa rất quan trọng về phát triển kinh tế, văn hóa, an ninh quốc phòng của Việt Nam. Với đặc điểm về vị trí địa lý, địa hình của tuyến và các đặc điểm khác đã tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi cho tội phạm về ma túy trong những năm gần đây gia tăng đáng kể.

Tuyến giao thông đường bộ Hà Nội – Lạng Sơn (thuộc Quốc lộ 1A) đi qua địa bàn 13 huyện, thành phố thuộc các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, bắt đầu từ điểm cuối nút giao giữa Quốc lộ 1A và Quốc lộ 5A thuộc địa bàn huyện Gia Lâm - Hà Nội đến Cửa khẩu Hữu Nghị Quan (Cao Lộc – Lạng Sơn).

Từ năm 2011 đến nay, trên tuyến các đơn vị thuộc lực lượng Công an đã phát hiện 37 vụ án liên quan đến ma túy với trên 100 đối tượng. Chúng mua bán, vận chuyển hàng nghìn bánh heroin.

Điển hình là: Trong Chuyên án 611S, từ việc khai thác và mở rộng chuyên án, ngày 07/7/2011 lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy đã bắt giữ đối tượng Lưu Văn Tiếp (là trùm buôn bán ma túy từ Sơn La về Hà Nội để chuyển theo Quốc lộ 1A sang Trung Quốc); thu giữ 850 viên ma túy tổng hợp, 1 súng K54 và 5 viên đạn dự phòng. Bản thân Tiếp là đối tượng có nhiều tiền án về ma túy, y khai trước đó đã vận chuyển hàng trăm bánh heroin.

Hay Chuyên án 228M do Công an huyện Từ Liêm – Hà Nội bóc gỡ (đầu năm 2012) bắt quả tang đối tượng Trịnh Văn Bách (37 tuổi ở thành phố Lạng Sơn, Lạng Sơn) đang trên đường vận chuyển 05 bánh heroin từ Hà Nội lên Lạng Sơn tiêu thụ. Khi chuyên án này kết thúc đã bắt giữ trên 20 đối tượng tham gia với số lượng trên một trăm bánh heroin. Và mới đây nhất vào tháng 3/2013, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bắc Giang phát hiện, bắt giữ 2 vụ, 5 đối tượng, thu giữ 40 tổng cộng 40 bánh heroin được vận chuyển bằng xe ô tô con và xe taxi từ Hà Nội lên Lạng Sơn...

Qua điều tra cho thấy nguồn ma túy chủ yếu từ Lào được đưa vào các tỉnh biên giới Tây Bắc, chuyển xuống Hà Nội, từ đó chuyển về Bắc Giang, Lạng Sơn và đưa qua biên giới. Chỉ cần vận chuyển 01 bánh heroin từ Tây Bắc qua Hà Nội theo tuyến quốc lộ này qua biên giới các đối tượng buôn bán ma túy kiếm lời hàng trăm triệu đồng.

Bên cạnh đó, do đặc thù của ma túy là nhỏ, gọn dễ cất giấu trong hàng hóa, phương tiện giao thông, đồ dùng cá nhân… hơn nữa, do lực lượng đấu tranh với tội phạm ma túy trên tuyến, tại các cửa khẩu, đường biên giới còn mỏng, phương tiện kiểm soát hạn chế nên bọn tội phạm ma túy chọn tuyến giao thông đường bộ Hà Nội – Lạng Sơn là tuyến chính hiện nay để vận chuyển ma túy lên Lạng Sơn rồi chia ra nhiều hướng vận chuyển ma túy ra biên giới, đưa qua biên giới. Qua thực tiễn đấu tranh với tội phạm ma túy kết hợp với quá trình nghiên cứu chúng tôi đưa ra các đặc điểm của tuyến như sau:

- Về vị trí địa lý, địa hình: Hà Nội là điểm đầu của tuyến, là đầu mối giao thông của miền Bắc. Đối với Lạng Sơn là địa bàn kết thúc của tuyến, có 231,775 km đường biên giới với Trung Quốc; có 2 cửa khẩu quốc tế, 4 cửa khẩu quốc gia và hàng chục cặp chợ phiên biên giới. Nhiều đường nhánh nối với các địa bàn phức tạp về ma túy như: tỉnh lộ 292 Tân Yên, Bắc Giang đi qua nhiều rừng, núi, cầu, cống...

- Đặc điểm tự nhiên: Mỗi ngày trên tuyến có hàng nghìn lượt hành khách đi lại trên các loại phương tiện giao thông; hàng nghìn tấn hàng hóa, lương thực, thực phẩm... được trung chuyển. Bên cạnh đó, dọc tuyến này có nhiều hàng quán, cửa hàng kinh doanh, đại lý hàng hóa... Tại các cửa khẩu, chợ phiên biên giới tập trung nhiều người trong đó có nhiều thành phần dân tộc và người Trung Quốc tham gia, nhiều loại hàng hóa được trao đổi với số lượng lớn.

- Đối tượng phạm tội: Năm 2012, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy- Công an thành phố Hà Nội xác định tuyến Hà Nội - Lạng Sơn là một trong 9 tuyến trọng điểm, phức tạp về ma túy của Hà Nội; đi qua nhiều điểm, địa bàn phức tạp về ma túy như: huyện Gia Lâm – Hà Nội, thị xã Từ Sơn – Bắc Ninh, thành phố Bắc Giang – Bắc Giang, thành phố Lạng Sơn – Lạng Sơn và thường xuyên có hàng trăm đối tượng ma túy hoạt động trên tuyến. Các đối tượng này phần lớn là đối tượng có tiền án, tiền sự về ma túy thuộc địa bàn các tỉnh: Sơn La, Hòa Bình, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên và chủ yếu là dân tộc Kinh.

- Về ma túy đã bắt giữ: Chủ yếu là heroin và ma túy tổng hợp.

- Thủ đoạn cất giấu, thời gian vận chuyển: Ma túy được cất giấu trong hàng hóa, lương thực, thực phẩm, hàng đông lạnh, công ten nơ, hành lý, giấu trong các phương tiện giao thông... Tội phạm ma túy phần lớn vận chuyển ma túy vào ban đêm.

Từ thực tiễn đấu tranh với tội phạm ma túy trên tuyến này, qua nghiên cứu chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống tội phạm về ma túy trên tuyến như sau:

Thứ nhất, nâng cao vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền các huyện (thành phố, thị xã), xã (phường) mà tuyến giao thông đường bộ Hà Nội – Lạng Sơn đi qua. Tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia tích cực phòng, chống ma túy đặc biệt là tham gia tố giác tội phạm ma túy.

Cấp uỷ, chính quyền cơ sở cần có biện pháp trong phát động quần chúng nhân dân không tham gia vào các hoạt động vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy; quản lý, giáo dục đối tượng có điều kiện dễ bị tội phạm ma túy lôi kéo; không để tình hình tội phạm ma tuý phức tạp kéo dài; có cơ chế xử lý trách nhiệm, thưởng phạt cụ thể nghiêm khắc.

Đặc biệt, đối với các xã biên giới của tỉnh Lạng Sơn – nơi kết thúc tuyến này cần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao mức sống của bà con vùng đồng bào dân tộc, không để tội phạm ma túy lôi kéo vận chuyển ma túy thuê cho chúng.

Thứ hai, nâng cao hiệu quả công tác điều tra cơ bản, nắm chắc các đối tượng về ma túy trên địa bàn mà tuyến đi qua, trên toàn tuyến, tại những điểm giao cắt với các quốc lộ, tỉnh lộ, cửa khẩu, chợ phiên biên giới, đặc biệt là các nhóm, thành phần đối tượng có điều kiện sống và làm việc dễ dẫn đến tội phạm ma túy hoặc bị tội phạm ma túy lợi dụng, lôi kéo, đối tượng có điều kiện, biểu hiện nghi vấn hoạt động phạm tội ma túy.

Trên cơ sở đó xác định phương thức, thủ đoạn hoạt động, thủ đoạn cất giấu ma túy... Đồng thời lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy phải tiến hành nhiều biện pháp để nắm chắc các di biến động, nơi ẩn náu, cất giấu ma túy; tại địa bàn phức tạp về ma túy, địa điểm tập kết, cất giấu ma túy của tội phạm chúng ta sử dụng chó nghiệp vụ để phát hiện nơi cất giấu ma túy.

Thứ ba, tăng cường sự chỉ đạo sát sao của Cục CSĐT tội phạm về ma túy đối với các địa phương mà tuyến đi qua. Đối với lực lượng trong ngành Công an, Cục CSĐT tội phạm về ma túy ngoài việc chỉ đạo lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy còn phải mở rộng quan hệ phối hợp với các đơn vị khác trong đấu tranh với tội phạm ma túy. Tăng cường trao đổi nghiệp vụ, phối hợp đấu tranh giữa lực lượng phòng chống ma túy của bốn tỉnh – thành phố có đường Quốc lộ 1A đi qua.

Cục CSĐT tội phạm về ma túy hỗ trợ kịp thời trong việc cung cấp các thiết bị cần thiết, hiện đại như máy soi, thiết bị nghe, nhìn, ống nhòm ban đêm, áo chống đạn… đảm bảo cho việc phát hiện ma túy, theo sát đối tượng, bắt giữ được an toàn. Phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông nhằm tuyên truyền công tác phòng, chống ma túy đối với chủ các phương tiện giao thông hoạt động trên tuyến.

Thứ tư, tiếp tục tăng cường quan hệ phối hợp giữa các lực lượng Công an, Hải Quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển theo Quyết định 133/2002 của Thủ tướng chính phủ trong đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy tại địa bàn biên giới, cửa khẩu và trên biển. Ban hành quy chế phối hợp giữa các lực lượng trên với Công an Trung Quốc cụ thể hơn trong trao đổi thông tin tài liệu về tội phạm ma túy.

Tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của quần chúng nhân dân trong đấu tranh với tội phạm ma túy như: cung cấp thông tin về đặc điểm đối tượng, chỗ ở, phương tiện, hóa trang.... Mở đường dây nóng để quần chúng nhân dân kịp thời thông báo, cung cấp các thông tin giá trị về đối tượng, đường dây ổ nhóm, phương tiện, biển số xe… liên quan đến ma túy cho lực lượng chức năng.

Thứ năm, trong đấu tranh với tội phạm ma túy trên tuyến phải xây dựng kế hoạch đấu tranh cho phù hợp, đảm bảo yếu tố sáng tạo, không dập khuân, máy móc. Để hạn chế thương vong cho lực lượng đấu tranh do truy đuổi bị đối tượng bắn trả, rút kinh nghiệm từ một số chuyên án chặn bắt đối tượng vận chuyển ma túy trên tuyến Tây Bắc, chúng ta nên thay đổi phương pháp chặn bắt bằng cách kiểm soát, theo sát đối tượng, đợi đến khi đối tượng dừng lại tại trạm kiểm sát vé, hay trạm dừng chân để ăn uống, vệ sinh... để bắt giữ đối tượng.

Nên bắt đối tượng tại các điểm ít dân cư, ít nhà dân, tránh khu vực cầu, sông, suối.... Hoặc chúng ta phải trang bị đầy đủ phương tiện cần thiết khi đấu tranh với tội phạm ma túy để đề phòng chúng chống trả bằng vũ khí nóng. Trước khi bắt đối tượng, phải nắm chắc địa điểm bắt, xây dựng phương án bắt bất ngờ để làm cho đối tượng không kịp trở tay.

Khi bắt đối tượng phải bắt triệt để, bí mật, tránh bị lộ để đối tượng bỏ chạy, tiêu hủy chứng cứ, đánh động đối tượng chạy trốn. Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với tội phạm ma túy trên tuyến để tạo ra sự tin yêu của quần chúng nhân dân, động viên nhân dân tiếp tục phối hợp tích cực với các cơ quan chức năng trong công tác này.



Ngô Đức Toàn, Phạm Văn Cường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN