Dự án tiền tỷ “bất động” vì công trình trái phép

Liên hoan Trà quốc tế lần thứ nhất - Thái Nguyên năm 2011 đã qua từ lâu, nhưng một dự án hạ tầng phục vụ cho sự kiện quan trọng của tỉnh thì vẫn đang ì ạch vì vướng giải phóng mặt bằng.


 

Tài sản của chủ đầu tư đang phơi nắng mưa vì dự án chậm tiến độ.

 

Dự án xây dựng Bến tàu du lịch hồ Núi Cốc thuộc hạng mục công trình trọng điểm để phục vụ Liên hoan Trà quốc tế lần thứ nhất - Thái Nguyên năm 2011. UBND tỉnh Thái Nguyên đã giao cho Doanh nghiệp tư nhân Anh Thắng làm chủ đầu tư tại Giấy chứng nhận đầu tư số 17121000062 cấp ngày 19/5/2011 với tổng mức đầu tư là 82 tỷ đồng, thời gian hoàn thành giai đoạn I trong quý III/2011. Mặc dù UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo UBND huyện Đại Từ, các ngành và Doanh nghiệp Anh Thắng triển khai tích cực, tuy nhiên quá trình thực hiện dự án còn vướng mắc về giải phóng mặt bằng nên công trình bị chậm tiến độ.


Theo tài liệu chúng tôi có được, khu đất để triển khai dự án trên đã được UBND tỉnh Thái Nguyên thu hồi và giao đất tại quyết định số 2342/QĐ-UBND ngày 16/9/2011 cho UBND huyện Đại Từ quản lý; cho phép sử dụng để xây dựng hạ tầng kỹ thuật, các hạng mục công trình phục vụ Liên hoan Trà quốc tế lần thứ nhất - Thái Nguyên 2011. Nguồn gốc của khu đất trước đây do Trạm thủy sản hồ Núi Cốc quản lý, sử dụng vào mục đích lâm nghiệp. Năm 2005, UBND tỉnh Thái Nguyên đã thu hồi để giao cho Văn phòng UBND tỉnh Thái Nguyên sử dụng vào mục đích xây dựng Nhà khách tại Quyết định số 462/QĐ-UB ngày 28/3/2005. Phần tài sản có trên đất (trong đó có nhà FAO) được UBND tỉnh phê duyệt thanh lý, tháo dỡ bán thanh lý và thu hồi vật liệu tại Quyết định số 337/QĐ-UB ngày 7/3/2005.


Tuy nhiên, sau khi bị thu hồi đất, Trạm thủy sản hồ Núi Cốc lại tiến hành ký hợp đồng giao khoán phần đất trên cho ông Hoàng Văn Toàn vào mục đích trồng rừng là trái quy định pháp luật. Trong quá trình quản lý sử dụng ông Toàn lại chuyển giao cho ông Triệu Đình Hồng. Tiếp đó, ông Triệu Đình Hồng tự ý xây dựng công trình trên đất không hợp pháp, không đúng mục đích sử dụng và trên đất đã có quyết định thu hồi.


Do dự án xây dựng Nhà khách của Văn phòng UBND tỉnh không thực hiện được, mặt khác theo quy hoạch tổng thể khu du lịch hồ Núi Cốc, phần đất để quy hoạch xây dựng nhà khách thuộc quy hoạch dự án bến tàu du lịch. UBND tỉnh đã quyết định thu hồi đất giao cho UBND huyện Đại Từ quản lý; cho phép sử dụng để xây dựng hạ tầng kỹ thuật, các hạng mục công trình phục vụ Liên hoan Trà quốc tế; đồng thời giao cho Doanh nghiệp Anh Thắng tiến hành đầu tư xây dựng công trình theo giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp và biên bản bàn giao đất ngày 19/9/2011 giữa Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Đại Từ, UBND xã Tân Thái, các đơn vị có liên quan.


Đối chiếu với quy định về việc bồi thường, hỗ trợ ban hành tại Quyết định số 01/2010/QĐ-UBND ngày 5/1/2010 của UBND tỉnh Thái Nguyên thì ông Triệu Đình Hồng không được bồi thường, hỗ trợ mà phải tự tháo dỡ công trình xây dựng trái phép để trả lại mặt bằng cho UBND huyện Đại Từ. UBND huyện Đại Từ và UBND xã Tân Thái đã nhiều lần yêu cầu ông Triệu Đình Hồng tổ chức tháo dỡ, bàn giao mặt bằng nhưng ông Hồng không phối hợp tháo dỡ trả lại mặt bằng để thực hiện dự án. Để có mặt bằng thi công xây dựng công trình, UBND huyện Đại Từ và UBND xã Tân Thái đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tháo dỡ và yêu cầu ông Triệu Đình Hồng đến nhận lại tài sản xây dựng trái phép.


Đối với các hộ gia đình cá nhân khác trồng cây trên đất đã được vận dụng để hỗ trợ bồi thường theo khối lượng và đơn giá bồi thường tại thời điểm. Các hộ đã phối hợp với huyện Đại Từ, UBND xã Tân Thái, Doanh nghiệp Anh Thắng và các đơn vị liên quan thống kê, kiểm đếm nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng.
Như vậy, có thể thấy rằng, việc áp dụng quy định về đền bù giải phóng mặt bằng cho dự án Bến tàu du lịch hồ Núi Cốc là đúng pháp luật. Những dư luận về việc tự ý cưỡng chế nhà dân là không có cơ sở.


Bài và ảnh: Văn Kha

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN