Để xăng dầu không “chảy” qua biên giới

Giá dầu thế giới liên tục tăng, giá xăng dầu các nước láng giềng cũng điều chỉnh tăng cao trong khi giá xăng dầu của Việt Nam, do thực hiện cơ chế bình ổn, nên vẫn duy trì ở mức thấp so với các nước trong khu vực, kể cả các nước láng giềng. Nước chảy chỗ trũng? Phải chăng, đây là nguyên nhân của tình trạng xuất lậu xăng dầu ở khu vực biên giới phía tây nam giáp Campuchia?

Chế tài chưa đủ mạnh

Ông Võ Văn Quyền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), nhận định: Công tác ngăn chặn của các lực lượng chức năng đang gặp rất nhiều khó khăn do các đầu nậu luôn giấu mặt. Việc bố trí mạng lưới các cây xăng ở vùng gần biên giới quá dày đã tạo thêm điều kiện cho xuất lậu. Bên cạnh đó, chế tài xử phạt các hành vi đầu cơ, buôn lậu và gian lận thương mại, đặc biệt những vi phạm quy định quản lý trong kinh doanh xăng dầu còn nhiều bất cập.

Vận chuyển xăng dầu bằng xe máy trên tỉnh lộ 793 (Tây Ninh) để vào các đường nhỏ ra biên giới.


Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 127 Trung ương, tình trạng xuất lậu xăng dầu diễn biến phức tạp ở hầu hết các tỉnh có biên giới giáp với Campuchia thuộc địa bàn các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Long An, Tây Ninh và Đồng Tháp. Buôn lậu xăng dầu diễn ra trên cả đường bộ, đường sông và đường biển với cường độ tăng lên khi chênh lệch giá xăng dầu giữa Việt Nam và thị trường nước bạn có khoảng cách lớn.

Trong 2 tháng đầu năm 2011, tỉnh Tây Ninh xử lý 44 vụ, có 36 vụ vận chuyển xăng dầu qua biên giới, 8 vụ dùng can, thùng mua hàng không đúng theo quy định, tịch thu 12.545 lít, đóng cửa 2 cửa hàng xăng dầu gần biên giới do tái phạm. Tỉnh An Giang cũng xử lý 4 vụ, thu 5.875 lít xăng dầu, trong đó lực lượng hải quan thu giữ 3.493 lít. Tỉnh Long An thu giữ 4.530 lít xăng dầu từ ba vụ bị phát hiện. Kiên Giang xử lý 5 vụ, thu giữ 3.220 lít xăng dầu..

Là một trong những “điểm nóng”, tỉnh Tây Ninh có 5 huyện tiếp giáp biên giới Campuchia, ranh giới chủ yếu là bờ đê, đồng trống và rừng chồi, có nhiều đường mòn. Hoạt động xuất lậu xăng dầu ở Tây Ninh diễn ra mạnh vào những thời điểm có chênh lệch giá xăng dầu giữa trong nước và các nước trong khu vực. Các lực lượng chức năng cho biết, họ gặp khó khăn trong việc xử lý đối với các cửa hàng bán xăng dầu vào can nhựa, vật chứa đựng khác cho người mua vì những trường hợp này rất có thể xuất lậu. Đại diện Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh đề nghị: Để hạn chế tình trạng buôn lậu xăng dầu, Bộ Công Thương và Ban Chỉ đạo 127 cần có chỉ đạo cho 47 cửa hàng xăng dầu bán lẻ trên địa bàn biên giới phải làm đại lý cho các doanh nghiệp (DN) xăng dầu đầu mối. Đồng thời, đề nghị giao Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các cơ quan ban ngành chức năng xem xét định mức cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên khu vực biên giới, các cửa hàng xăng dầu phải bán trực tiếp vào phương tiện vận tải và bán có định mức.


Đại diện Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết: Trong thời gian qua, Petrolimex cũng đã khảo sát thị trường, xác định nhu cầu có thực của người dân khu vực biên giới để khống chế sản lượng bán ra. Việc cấm bán xăng dầu đong vào can, phi là không khả thi, do vẫn có một bộ phận người dân cần sử dụng xăng dầu cho phương tiện sản xuất như máy cày, máy tưới...

Có nên “thả nổi” theo giá thị trường?

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú, giai đoạn khó khăn của thị trường xăng dầu vừa qua cho thấy việc kiểm soát thị trường bản lẻ như lâu nay ở nước ta đã lạc hậu. “Hiện nay chúng ta mới chỉ kiểm tra hệ thống bán lẻ là chính, vì vậy phải thay đổi biện pháp cho phù hợp với tình hình thực tế” - Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú nhấn mạnh.

Với cách làm hiện nay là giữ giá xăng dầu để kiềm chế lạm phát, nhiều chuyên gia cho rằng sẽ gây khó khăn trong việc chống buôn lậu khi giá bán lẻ của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với nước bạn. Ông Nguyễn Bình Minh, Thường trực Ban Chỉ đạo 127 tỉnh Hải Phòng nhấn mạnh: Nếu chúng ta điều chỉnh tăng thêm 1.500 - 2.000 đồng/lít so với hiện nay sẽ hạn chế được tình trạng buôn lậu và để thị trường vận hành tốt hơn.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Tôn Hoàng cũng khẳng định: Cần mạnh dạn xác lập mặt bằng giá mới tiệm cận giá thế giới; không nên vì chống lạm phát mà DN chịu lỗ, cùng với đó là huy động lực lượng lớn nhân lực để chống buôn lậu mà chẳng hiệu quả.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, sẽ là không phù hợp nếu giá xăng dầu trong nước tăng bằng với giá xăng dầu của Campuchia, đặc biệt là trong tình hình giá cả đang lạm phát như hiện nay. Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định: Chính phủ vẫn nhất quán điều hành theo nguyên tắc thị trường nhưng có lộ trình. Bởi xăng dầu là yếu tố đầu vào của hầu hết mặt hàng nên tăng giá sẽ ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội, cần hết sức thận trọng.

Để ngăn chặn nạn buôn lậu xăng dầu qua biên giới, Bộ Công Thương cho biết sẽ sớm xây dựng và ban hành quy chế quản lý kinh doanh xăng dầu tại khu vực biên giới trong tháng ba. Quy chế này sẽ có một số nội dung như quản lý giờ bán (thống nhất từ 6 giờ sáng đến 18 giờ hàng ngày), cách thức bán, xây dựng mối quan hệ giữa các đơn vị kinh doanh xăng dầu với chính quyền địa phương, đề xuất chính sách hỗ trợ đối với các đơn vị chống buôn lậu xăng dầu. Ngoài ra, các bộ, ngành khác, nhất là Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các địa phương cũng phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa, nếu chỉ “siết” về mặt kinh tế thì chưa chặt. Chống buôn lậu, trong đó có buôn lậu xăng dầu, luôn luôn đòi hỏi những giải pháp đồng bộ.

Đỗ Huyền

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN