Cần làm rõ vụ "san phẳng" hơn 4 ha rừng phòng hộ ở Điện Biên

Việc Công ty cổ phần cao su Điện Biên triệt hạ hơn 4 ha rừng những ngày đầu tháng 11/2011 để trồng cây cao su trên địa bàn xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) đã gây bất bình không chỉ với người dân mà ngay cả chính quyền xã Thanh Nưa nói riêng, tỉnh Điện Biên nói chung.

Rừng phòng hộ bị san ủi (Ảnh cắt từ clip). Ảnh Dân Trí


Hơn 4 ha rừng phòng hộ bị “trọc hóa”

Từ trung tâm xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, xuôi theo Quốc lộ 12 hướng Điện Biên- Lai Châu chừng 2km rồi rẽ về phía tay trái, ngược ngàn với những con dốc trơn trượt, quanh co men lưng chừng núi ở độ cao khác nhau, chúng tôi đến được nơi mà CTCPCSĐB tập kết phương tiện máy móc, nhiên liệu để san ủi hơn 4ha diện tích rừng phòng hộ có độ tuổi hàng chục năm của xã Thanh Nưa.

Chưa đầy 20 phút leo dốc, chúng tôi đã bất ngờ khi đập vào tầm mắt mình là hình ảnh những diện tích rừng đã bị “trọc hóa”, loang lổ, trơ trọi những mỏm đồi giữa bạt ngàn màu xanh của những diện tích rừng may mắn chưa bị san ủi. Con đường đất, dốc dẫn vào khu vực rừng bị san ủi vẫn còn trơn, trượt do ướt sương đêm. Chúng tôi phải “cuốc bộ” vượt “dốc trắng”, “đồi trọc” trên những đường rãnh dây xích chạy ngang dọc mà máy ủi, máy xúc của CTCPCSĐB đã hoạt động còn hằn sâu trên mặt đất. Hiện trường là một cảnh hoang tàn, con đường đi qua vẫn còn ngổn ngang những ụ đất, gốc cây với kích thước khác nhau. Những lóng gỗ đã được chặt, cắt, cưa, tập kết thành đống, nhiều cây chưa được cưa cắt còn nằm chơ vơ, khô cành lá trên bề mặt đã san ủi. Tuy mới sáng sớm, nhưng những người dân sinh sống ở các vùng lân cận cũng đã tìm về đây để thu lượm gỗ, cành về làm củi, chuồng trại...

Vượt qua 2 mỏm dốc, chúng tôi đến được nơi CTCPCSĐB cho dựng lán trại để cánh lái máy ủi, máy xúc ngủ nghỉ, nấu ăn. Một trong số 3 người của công ty còn ở lại đây cho biết họ ở lại để trông coi, bảo vệ phương tiện, máy móc, nhiên liệu...

Trở lại trụ sở UBND huyện Điện Biên, chúng tôi được các cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên cho biết: Diện tích rừng mà CTCPCSĐB san ủi có tổng diện tích 4,3ha, thuộc Tiểu khu 703, khoảnh 1. Theo bản đồ phân cấp phòng hộ xã Thanh Nưa và theo bản đồ quy hoạch 3 loại rừng xã Thanh Nưa (theo Chỉ thị 38/CT-TTg ngày 05/12/2005) thì diện tích rừng nêu trên được phân cấp là rừng phòng hộ ít xung yếu; được quy hoạch là rừng sản xuất. Do hiện trường đã bị san ủi, cơ quan chức năng đã lập 2 ô tiêu chuẩn mẫu ngẫu nhiên, liền kề khu vực rừng đã bị san ủi thì trữ lượng cây đứng là 30,32 m3/ha. Theo đó, giá trị ước thiệt hại là 130,376 m3. 

Cần làm rõ vụ việc

Theo Quyết định 289/QĐ-UBND ngày 1/4/2011 của tỉnh Điện Biên về việc thu hồi và giao đất cho CTCPCSĐB để trồng cây cao su trên địa bàn xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, thì CTCPCSĐB được phép sử dụng 271,67ha; vị trí, ranh giới khu đất thu hồi và giao để trồng cây cao su được xác định tại Tiểu khu 703, khoảnh 1, 2, 5 theo Bản đồ giao đất trồng cây cao su của năm 2011 tại địa bàn xã Thanh Nưa với thời gian sử dụng đất là 50 năm.

Căn cứ trên Quyết định này, từ ngày 3 và ngày 4/11/2011 CTCPCSĐB đã tiến hành mở đường đưa máy vào tổ chức san ủi khai hoang trên vị trí đã nêu để triển khai kế hoạch trồng mới cây cao su theo chỉ tiêu, kế hoạch được tỉnh giao năm 2012.

Theo những gì ông Nguyễn Huy Lý, Tổng giám đốc CTCPCSĐB cho biết thì trước khi “động thổ” Công ty của ông đã tiến hành các thủ tục; thống nhất diện tích đất được giao để trồng cây năm 2012 với UBND xã Thanh Nưa, các trưởng bản và đại diện hộ gia đình, cá nhân. Công ty xác định hiện trạng, vạch tuyến trên thực địa ranh giới khu đất được giao để trồng cây cao su, đồng thời thông báo cho các hộ dân tận thu gỗ, củi, sử dụng mục đích sinh hoạt của gia đình...

Nhưng theo ông Lò Văn Đôi, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Nưa thì việc CTCPCSĐB tổ chức san ủi vào lúc nào ông cũng chẳng biết (do không nhận được bất kỳ một thông báo nào dưới hình thức văn bản). Chỉ duy nhất 1 lần, vào khoảng hơn 11h ngày 8/11 (tức là sau 4 ngày từ khi CTCPCSĐB đã tiến hành san ủi) ông Đôi có nhận được một cuộc điện thoại từ anh Lò Văn Hạnh, Phụ trách tổ san ủi thông báo là công ty “sẽ” tổ chức san ủi để... “lấy ngày”. Nhận thấy việc CTCPCSĐB không thực hiện đúng theo tinh thần chỉ đạo của Quyết định 289/QĐ-UBND của tỉnh Điện Biên, chính quyền xã Thanh Nưa đã ra sức can ngăn, kịch liệt phản đối. Nhưng theo như ông Đôi thì Công ty chỉ dừng san ủi vào ban ngày còn ban đêm họ lại hoạt động bình thường. Do đó, n gày 17/11, UBND xã Thanh Nưa đã ra Quyết định số 109 về việc đình chỉ hành vi san ủi rừng để trồng cây cao su khi chưa đầy đủ thủ tục, hồ sơ.

Tại khoản 1 điều 2 trong Quyết định số 289/QĐ-UBND tỉnh Điện Biên ghi rõ “UBND huyện Điện Biên tổ chức chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Điện Biên và UBND xã Thanh Nưa xác định cụ thể vị trí, ranh giới, mốc giới diện tích đất trồng cây cao su trên thực địa, triển khai bàn giao mốc giới trên thực địa; thực hiện việc bồi thường giải phóng mặt bằng theo quy định hiện hành”. Tại khoản 3 điều 2 của Quyết định này nêu rõ “Công ty cổ phần cao su Điện Biên phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Điện Biên tiến hành thủ tục thanh lý rừng và chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang đất trồng cây cao su theo quy định hiện hành”.

Nhưng theo bà Nguyễn Thị Duyên, Phó phòng Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Điện Biên cho biết, thì đến thời điểm số diện tích rừng nêu trên bị “cạo trọc” huyện chưa giao mốc thực địa cho CTCPCSĐB.

Thay cho việc trả lời, ông Nguyễn Huy Lý có đưa cho chúng tôi xem văn bản số 515/CSĐB ngày 28/2/2011 của Công ty ông, trong đó có đoạn viết: “Đối với khoảnh 1, Tiểu khu 703... thuộc đối tượng rừng sản xuất, trạng thái 1C, hoàn toàn có đủ điều kiện để đưa vào trồng cây cao su theo quy định của pháp luật. Đến nay chưa có văn bản nào quy định trạng thái IIA, cũng chưa có quyết định nào thay thế Quyết định 289/QĐ-UBND. Vì vậy, việc CTCPCSĐB triển khai khai hoang là hoàn toàn hợp pháp”.


Điều này hoàn toàn trái ngược với Biên bản kiểm tra về việc CTCPCSĐB san ủi rừng trái phép để trồng rừng ngày 24/11/2011 tại chính diện tích mà ông Lý đưa ra. Trong Biên bản buổi làm việc này, đại diện Hạt kiểm lâm huyện Điện Biên; Phòng Thanh tra - Pháp chế, Phòng Quản lý bảo vệ rừng (Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên); Phòng Tài nguyên- Môi trường huyện Điện Biên; Đội Cảnh sát Kinh tế, Kỹ thuật hình sự (Công an huyện Điện Biên), UBND xã Thanh Nưa... đều công nhận “toàn bộ diện tích rừng tại khoảnh 1, Tiểu khu 703, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên là trạng thái có rừng IIA” mà bà Nguyễn Thị Duyên, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Điện Biên đưa ra.

Một dẫn chứng khác mà bà Duyên đưa ra nhằm "bác" lý lẽ ông Lý cho rằng những diện tích CTCPCSĐB đã san ủi thuộc “trạng thái 1C”, là: Ngày 9/6/2011, Đoàn kiểm tra liên ngành với thành phần gồm có đại diện Phòng Tài nguyên Môi trường; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Điện Biên... sau khi đã tiến hành rà soát lại diện tích đất trồng cao su tại khoảnh 1, Tiểu khu 703, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên trên thực địa, Đoàn đã thống nhất nội dung: Hiện trạng khoảnh 1, Tiểu khu 703, toàn bộ diện tích đất của khoảnh 1 là đất có rừng khoanh nuôi, trạng thái IIA. Vị trí khoảnh 1, Tiểu khu 703 trên đầu nguồn suối Hồng Lệnh thuộc rừng phòng hộ đầu nguồn, giữ nước tưới tiêu cho cánh đồng khu vực Hạ Thanh và nước sinh hoạt bản Tâu, xã Thanh Nưa.

Cũng trong buổi làm việc này của đoàn liên ngành, Chính quyền UBND xã Thanh Nưa đã đề nghị giữ lại khoảnh 1, Tiểu khu 703 để đảm bảo nước phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp của cánh đồng vùng Hạ Thanh và nước sinh hoạt cho nhân dân theo ý kiến “thỉnh cầu” của đông đảo nhân dân trong xã. Đoàn liên ngành đã đi đến thống nhất hướng xử lý: Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu trình UBND tỉnh thu hồi lại diện tích đất khoảnh 1, Tiểu khu 703, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, giao cho CTCPCSĐB tại Quyết định số 289/QĐ-UBND ngày 1/4/2011 của UBND tỉnh Điện Biên để UBND xã Thanh Nưa tiếp tục quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt và sản xuất trong vùng.

Điều đặc biệt là trong đoàn liên ngành rà soát thực địa hôm đó, đại diện phía CTCPCSĐB cũng có đến 3 vị tham gia, gồm: ông Nguyễn Khắc Dần, cán bộ Phòng Tổ Chức; ông Hồ Sỹ Hà, Đội trưởng đội cao su Thanh Nưa và ông Phan Thanh Dũng, Phó trưởng Phòng Kế hoạch - Xây dựng cơ bản, CTCPCSĐB - người trực tiếp ký vào Biên bản làm việc.

Bà Nguyễn Thị Duyên, Phó phòng Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Điện Biên cho biết: Theo Quyết định 289/QĐ-UBND tỉnh Điện Biên, Công ty cổ phần cao su Điện Biên chưa thực hiện điều 2. C ùng với đó, Công ty cổ phần cao su Điện Biên đã vi phạm Điều 17, Nghị định 99/2009/NĐ-CP ngày 02/11/2009 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

Được biết, mục tiêu đến năm 2015 của CTCPCSĐB sẽ trồng 10.000ha cao su trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Đây là một chủ trương đã được nêu rõ trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Điện Biên lần thứ XII. Theo Quyết định 289/QĐ-UBND ngày 1/4/2011 của UBND tỉnh Điện Biên thì việc CTCPCSĐB san ủi để mở rộng diện tích trồng cây cao su là đúng về chủ trương, nhưng tiếc thay cách thức, trình tự thủ tục lại “nhảy cóc” nên đã gây nên bức xúc cho chính quyền, người dân địa phương xã Thanh Nưa nói riêng, người dân tỉnh Điện Biên nói chung.


Xuân Tiến
Những nước đứng đầu thế giới về nạn phá rừng và khí thải
Những nước đứng đầu thế giới về nạn phá rừng và khí thải

Trong tổng số 180 nước được khảo sát của tổ chức FAO, Nigiêria, Inđônêxia và CHDCND Triều Tiên có tỷ lệ rừng bị phá cao nhất thế giới, trong khi Trung Quốc và Mỹ là hai nước đứng đầu về thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN