Các công trường xây dựng tại TP.HCM: Vẫn xem nhẹ an toàn lao động

Từ đầu tháng 1/2011 đến nay, toàn thành phố đã xảy ra 15 vụ tai nạn lao động, nguyên nhân chủ yếu là do người sử dụng lao động thờ ơ, người lao động thì không dám đòi hỏi quyền lợi về an toàn lao động (ATLĐ).

Người lao động chịu thiệt

Theo báo cáo Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, trong năm 2010 trên địa bàn TP đã xảy ra 892 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), trong đó có 102 vụ TNLĐ chết người, làm chết 108 người, bị thương nặng 140 người và bị thương nhẹ 660 người, làm thiệt hại trên 7,7 tỉ đồng. Các vụ TNLĐ dẫn đến chết người đa số xảy ra trong ngành xây dựng, chiếm 70%.

Các tai nạn lao động dẫn đến chết người chủ yếu là ngã giàn giáo, lưới che chắn; sập đổ giàn giáo, giàn chống bê tông; điện giật do máy trộn bê tông và trang bị bảo hộ công nhân không đảm bảo an toàn... Cụ thể, ngày 7/3 vừa qua, tại công trường xây dựng chung cư The Vista (Xa lộ Hà Nội, phường An Phú, quận 2) đã xảy ra một vụ TNLĐ khiến anh Nguyễn Thái An (ngụ quận Thủ Đức) tử vong.

Tai nạn xảy ra khi anh An đang tháo giàn giáo trên tầng 3 tòa nhà, bất ngờ thanh sắt nơi anh vịn tay bị gãy, làm anh rơi xuống đất và tử vong trên đường đi cấp cứu. Trước đó khoảng hơn 1 tháng trước, cũng tại công trình này, 1 công nhân (quê Thanh Hóa) cũng đã rơi từ tầng 22 xuống tầng 4, chết tại chỗ.

Nhiều công trình xây dựng nhà cao tầng không trang bị lưới bảo đảm an toàn cho người lao động.


Ghi nhận của phóng viên tại các công trường xây dựng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cho thấy việc thuê mướn, sử dụng lao động được các chủ đầu tư khoán trắng cho các cai thầu. Tuy nhiên, không phải ông chủ cai thầu nào cũng hiểu biết về vấn đề ATLĐ. Khi kí hợp đồng, người sử dụng lao động cũng không nói rõ cho NLĐ biết về những quy định ATLĐ, khi xảy ra tai nạn, người chịu thiệt nhiều nhất lại là NLĐ chứ không phải cai thầu hay chủ đầu tư.

Trong khi đó, người lao động lại thường không quan tâm đến việc bảo đảm an toàn cho mình khi làm việc tại các công trình. Anh Trần Thế Thanh (quê Nghệ An), công nhân làm việc ở tòa nhà cao tầng trên đường Xa lộ Hà Nội (quận 2), cho biết: “Khi kí hợp đồng, em chỉ biết làm công việc của mình, còn mọi chuyện khác đã có cai thầu lo hết. Cho nên về ATLĐ, bảo hộ lao động, em cũng nghĩ có cai thầu lo cho em rồi”.

Cần hợp tác ba bên

Theo ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Chánh thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, số vụ TNLĐ ở TP.HCM vẫn ở mức cao, số người tử vong cũng rất lớn. Từ thực tế kiểm tra các công trình xây dựng trên địa bàn TP, ở nơi nào nhà thầu tư vấn, giám sát quan tâm đến vấn đề ATLĐ thì ở đó mọi biện pháp phòng tránh TNLĐ được thực hiện nghiêm ngặt và ngược lại.

Ngoài ra, theo ông Trương Lâm Danh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố, các công trình xây dựng vừa và nhỏ thường tuyển NLĐ công nhật và giá rẻ để tiết kiệm đào tạo và tập huấn về ATLĐ cho nên thường tuyển những lao động nông thôn. Trong khi đó, tâm lý của NLĐ nông thôn lại không thích trang bị các thiết bị bảo hộ lao động như găng tay, ủng... thậm chí khi DN trang bị cho họ, họ lại đem bán.

Khi làm việc thì họ cố làm cho xong, làm bừa, làm ẩu... ví dụ thay vì thu sợi dây điện và vác lên thì họ lại kéo lê nó trên sàn sắt, sàn bê tông, chỉ cần kéo tới kéo lui vài lần vỏ bọc bên ngoài bằng nhựa bị mòn, hở dây, khiến nguy cơ bị điện giật rất cao; hoặc với những cẩu ép cọc bê tông, mỗi khi bắt đầu khoan phải kiểm tra độ phi, độ an toàn và NLĐ cũng phải mang bao tay khi tiếp xúc với những cọc ép này nhưng NLĐ không đeo bao tay, không kiểm tra... và khi ép cọc thì dễ xảy ra TNLĐ.

Để giảm TNLĐ, đặc biệt là TNLĐ tại các công trường xây dựng, ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Chánh thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, cho rằng: “Phải có sự hợp tác của ba bên. Bên thứ nhất là Nhà nước, phải làm sao quản lý được toàn bộ DN, hướng dẫn, giúp đỡ DN thực thi những quy định của pháp luật.

Theo đó, Nhà nước cũng nên sớm ban hành những luật mới phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Ngược lại, khi các DN thực thi Luật Lao động có những vấn đề khó khăn thì kiến nghị và đề xuất sửa đổi quy phạm pháp luật phù hợp. Bên thứ hai là người sử dụng lao động phải thực thi đầy đủ các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước và cần có trách nhiệm bảo vệ sinh mạng và sức khỏe của NLĐ.

Đây là nhiệm vụ cấp bách của DN trong thời kỳ hội nhập, để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của DN tạo ra. Bên thứ ba là NLĐ phải sử dụng đầy đủ nghĩa vụ và quyền được quy định trong Bộ luật Lao động và Nghị định 06-CP của Chính phủ và chấp hành theo đúng nội quy do người sử dụng lao động ban hành, sử dụng đầy đủ các trang thiết bị cá nhân khi làm việc”.

Hoàng Tuyết

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN