05:08 28/05/2015

Pháp đưa vào điện Panthéon hài cốt bốn anh hùng kháng chiến

Bốn anh hùng kháng chiến có những đóng góp nổi bật trong cuộc kháng chiến chống lại phát xít Đức đã được đưa vào điện Panthéon, Pháp.

Bốn anh hùng kháng chiến Geneviève de Gaulle-Anthonioz, Pierre Brossolette, Germaine Tillion et Jean Zay - người có những đóng góp nổi bật và hy sinh vì nền độc lập, tự do của nước Pháp trong cuộc kháng chiến chống lại phát xít Đức đã được đưa vào điện Panthéon, nơi chôn cất và tôn vinh những nhân vật lịch sử, những người đã làm rạng danh nước Pháp.

Ảnh bốn anh hùng kháng chiến được căng to trên cao điện thờ Panthéon. Ảnh: Báo Le Monde


Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, linh cữu của bốn anh hùng được phủ cờ Pháp đã được đưa tới sân trường đại học Sorbonne, Paris từ chiều 26/5 để các phái đoàn đại diện các tổ chức, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân đến viếng. Lễ tưởng niệm chính thức đã diễn ra trọng thể chiều ngày 27/5 tại sảnh phía trước điện Panthéon với các nghi lễ do lực lượng vệ binh cộng hòa tiến hành và sự tham dự của đông đảo người dân Pháp.


Bốn anh hùng kháng chiến gồm 2 nam và 2 nữ đều là những người có chí khí kiên cường, không bị khuất phục trước sự tra tấn dã man và không tỏ ra run sợ trước họng súng của kẻ thù phát xít Đức. Geneviève de Gaulle-Anthonioz (1920-2002) là cháu gái của Tổng thống Charles de Gaulle. Bà đã sớm gia nhập mạng lưới kháng chiến ở Paris. Bị bắt năm 1943, bà đã phải trải qua nhiều tháng sống trong trại tập trung Ravensbrück tại Đức. Khi Chiến tranh kết thúc, bà tiếp tục cuộc chiến chống đói nghèo và vì quyền con người. Pierre Brossolette (1903-1944) gia nhập tổ chức kháng chiến có tên gọi "Nước Pháp tự do" do Tướng De Gaulle đứng đầu. Ông bị phát xít Đức bắt năm 1942, bị giam giữ tại trụ sở của mật thám Đức (Gestapo), ở Paris. Mặc dù bị tra tấn dã man nhưng ông kiên quyết không khai báo và đã chủ động chọn cái chết để bảo vệ bí mật của tổ chức. Germaine Tillion (1907-2008) là một phụ nữ can trường đã tích cực tham gia vào mạng lưới kháng chiến ở Paris do đó đã bị bắt và đưa đi đày ở trại Ravensbrück. Chiến tranh kết thúc, từ trại tập trung trở về, bà tích cực hoạt động và được biết đến như nhà dân tộc học đấu tranh không mệt mỏi cho nhân quyền. Jean Zay (1904-1944) là người có tư tưởng nhân văn, tham gia hoạt động chính trị thuộc cánh tả cấp tiến. Ông từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục thời kỳ Mặt trận Bình dân. Ông bị bắt năm 1940, bị chính phủ bù nhìn Vichy kết tội đào ngũ và tống giam trước khi bị sát hại vào năm 1944.


Lực lượng vệ binh cộng hòa Pháp khiêng linh cữu của một trong bốn anh hùng kháng chiến ra sảnh trước điện Panthéon. Ảnh: Báo Libération


Phát biểu tại buổi lễ tưởng niệm chiều ngày 27/5, Tổng thống Pháp François Hollande đã ca ngợi tinh thần dũng cảm tuyệt vời cùng với quyết tâm sục sôi chiến đấu chống lại kẻ thù là phát xít Đức của những người kháng chiến Pháp. Theo ông, bốn nhân vật lịch sử có điểm xuất phát và quá trình hoạt động khác nhau nhưng đã lưu lại dấu ấn của mình bằng sự hy sinh và những đóng góp không mệt mỏi cho các giá trị của nền Cộng hòa Pháp.


Quang cảnh buổi lễ tưởng niệm trọng thể bốn anh hùng kháng chiến tại điện Panthéon. Ảnh: Báo Libération


Ông cũng nêu bật sự biện chứng giữa quá khứ với hiện tại và tương lai đồng thời nhấn mạnh rằng cuộc chiến đấu trước đây của những người anh hùng cần phải được tiếp tục trong hiện tại nhằm thúc đẩy công cuộc cải cách và đưa nước Pháp tiến lên. Ông cũng nhắc lại tinh thần đoàn kết ngày 11/1 khi cả nước Pháp, từ lãnh đạo cho tới các tầng lớp nhân dân cùng tuần hành lên án chủ nghĩa cực đoan, sự cuồng tín, chủ nghĩa bài Do Thái, nạn phân biệt chủng tộc, sau vụ tấn công khủng bố vào tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo.


Ông nhấn mạnh : "Lịch sử không phải là để luyến tiếc, lịch sử nằm ngay trong chính hành động của chúng ta được rút ra từ bài học đó. Lịch sử cũng không phải chỉ là một di sản để gìn giữ mà nó còn truyền cho chúng ta trách nhiệm là phải xứng đáng với quá khứ, phải nỗ lực vượt qua các thách thức ngày hôm nay và ngày mai".

 


 

Bích Hà (P/v TTXVN tại Paris)