12:17 09/12/2014

Pháp –‘cơ hội cuối’ để Nga và phương Tây hòa giải

Cuộc hội đàm cuối tuần qua giữa Pháp và Nga đã biến Pháp trở thành một “Đức mới” đối với Nga – quốc gia đã mất đi đồng minh phương Tây cuối cùng sau khi xảy ra mối bất đồng với Thủ tướng Đức bà Angela Merkel.

Cuộc hội đàm cuối tuần qua giữa Pháp và Nga đã biến Pháp trở thành một “Đức mới” đối với Nga – quốc gia mất đi đồng minh phương Tây cuối cùng sau khi xảy ra mối bất hòa với Thủ tướng Đức bà Angela Merkel.


Tổng thống Putin và người đồng cấp Hollande bắt tay nhau trong cuộc gặp gỡ tại sân bay Vnukovo ngày 6/12.


"Mục đích chính sách hòa giải của Pháp là nhằm ngăn chặn mối quan hệ của Nga và EU trở nên tồi tệ hơn,” Tatiana Kastueva-Jean làm việc cho Sở Ngoại giao Pháp (IFRI) tại Paris cho biết. Về phía Pháp, việc đàm phán với Nga sẽ đem lại lợi ích nâng cao vị thế của Tổng thống Pháp ông Francois Hollande cũng như phát triển chiến lược lâu dài của Pháp về ngoại giao.


Cuộc nói chuyện ở sân bay


Tổng thống Pháp Hollande đã có cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với người đồng cấp Nga Putin hôm 6/12 tại sân bay Vnukovo ở Moscow. Nội dung cuộc nói chuyện xoay quanh Ukraine – nơi đang xảy ra giao tranh ác liệt giữa lực lượng ly khai và quân đội chính phủ ở miền Đông. “Tôi hi vọng trong tương lai gần chúng ta sẽ có một thỏa thuận ngừng bắn”, ông Putin nói sau buổi họp. Ông cũng công nhận "sự toàn vẹn lãnh thổ" của Ukraine và ám chỉ Nga không có kế hoạch sáp nhập vùng đang xảy ra giao tranh tại Ukraine giống như vụ việc sáp nhập Crimea vào tháng 3 vừa qua.


Về phần mình, ông Hollande nói về việc có thể chấm dứt lệnh trừng phạt của phương Tây lên Nga và hi vọng một lệnh ngừng bắn mới sẽ được thiết lập. Các chuyên gia cho rằng Nga và Pháp đang thể hiện thiện chí khi cùng chia sẻ quan điểm chung về vấn đề Ukraine. Phía Pháp khẳng định việc gia nhập NATO của Ukraine – một động thái từ phía Ukraine dấy lên quan ngại cho chính quyền Tổng thống Putin bấy lâu nay - sẽ không bao giờ xảy ra.


Không đề cập đến Mistral


Mặc dù Pháp là một trong những nước ủng hộ việc trừng phạt Nga, nhưng quốc gia này luôn luôn thể hiện lập trường một cách ôn hòa. Ông Hollande là một trong số rất ít lãnh đạo phương Tây không đẩy ông Putin vào khoảng thời gian khó khăn tại Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Brisbane, Australia hồi tháng trước cũng như chính quyền Pháp không tạo sức ép lên các hoạt động thương mại quốc gia nhằm cắt đứt mối quan hệ với Nga như Đức đã từng làm.


Theo số liệu thống kê của Dịch vụ Hàng hóa Liên bang Nga, hoạt động thương mại song phương giữa 2 nước đem lại 15,6 tỷ USD cho Nga – chiếm 2,4% trong tổng doanh thu giao dịch với nước ngoài trong 10 tháng đầu năm nay. Có lẽ Pháp đang cố nới lỏng mối quan hệ với Nga vì vụ kiện Nga đe dọa Pháp phải bồi thường 3,7 tỷ USD khi phá hợp đồng không giao 2 tàu chiến Mistral. Ông Putin cho biết việc chuyển giao tàu Mistral cũng không được bàn luận trong cuộc nói chuyện với người đồng cấp Hollande. Rõ ràng, phía Pháp không muốn chủ đề về con tàu trở thành nội dung chính trong cuộc gặp mặt giữa hai bên.


Đức ra, Pháp vào


Trước đây, đồng minh số 1 của Nga tại phương Tây là Đức. Thủ tướng Đức bà Angela Merkel chủ trương thể hiện lập trường và quan hệ mềm mỏng với Nga trong suốt thời gian xảy ra giao tranh tại Ukraine. Tuy nhiên vào tháng trước, bà Merkel đã gia nhập đội ngũ lãnh đạo các nước phương Tây gây khó khăn cho Nga sau cuộc nói chuyện với Tổng thống Putin tại Hội nghị G20, khi bà thất bại trong việc thay đổi lập trường của ông về vấn đề Ukraine. Dubien - chuyên viên của Hội thương mại Pháp-Nga cho biết hiện nay Pháp là quốc gia lớn cuối cùng có thể hòa giải Nga và phương Tây.


Tiếp bước người đi trước


Theo nhận định của các chuyên gia, việc Pháp cố gắng tạo mối quan hệ hòa bình với Nga thể hiện mong muốn tiếp nối chính sách quan hệ ngoại giao của người đi trước. Trong năm 2008, cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã trở thành người hòa giải chấm dứt “chiến tranh 5 ngày” giữa Nga và Gruzia khi một tỉnh thuộc Nam Ossetia đòi ly khai.


Tuy nhiên, một mình Pháp không thể làm được gì. Việc hòa giải giữa 2 bên phải phụ thuộc vào chính sách sắp tới của Nga về vấn đề Ukraine. Bên cạnh đó, liệu Brussels và Washington có sẵn lòng ủng hộ nỗ lực giảng hòa của Paris hay vẫn giữ nguyên lập trường thể hiện thái độ cứng rắn với Nga. Ông Dubien nhận định “Việc này sẽ được phân định rõ ràng trong mấy ngày tới, nếu như chúng ta bỏ lỡ dịp này, thì cánh cửa cơ hội hòa giải sẽ khép lại trong một khoảng thời gian dài, ít nhất là phải kéo dài hàng tháng”.



Hồng Hạnh (theo The Moscow Times)