07:17 26/07/2014

Pháp bàng hoàng sau thảm họa máy bay AH5017

Cả nước Pháp bàng hoàng và đau xót sau vụ rơi máy bay AH5017 của hãng hàng không Air Algérie làm 118 người thiệt mạng trong đó có 54 công dân Pháp.

Cả nước Pháp bàng hoàng và đau xót sau vụ rơi máy bay AH5017 của hãng hàng không Air Algérie làm 118 người thiệt mạng trong đó có 54 công dân Pháp.

Báo điện tử và các kênh truyền hình Pháp liên tục cập nhật thông tin lần lượt cho biết danh tính các nạn nhân trong chuyến bay định mệnh ngày 24/7 từ Ouagadougou, thủ đô của Burkina Faso đến Algiers, thủ đô của Algeria.


Hiện trường máy bay MD-83 mang số hiệu AH-5017 rơi tại Mali ngày 25/7. Ảnh: AFP/ TTXVN phát


Theo báo Le Monde, trong số những người Pháp có mặt trên chuyến bay của hãng hàng không Air Algérie, rất nhiều người là những người Pháp sống và làm việc tại Burkina Faso đang trên đường trở về Pháp cho kỳ nghỉ hè.

Một số người khác quay về Pháp sau khi đi thăm người thân hoặc đi du lịch tại Burkina Faso. Chính vì vậy, trong danh sách các nạn nhân xấu số, có rất nhiều người là thành viên trong cùng một gia đình. Họ bay đến Algiers sau đó nối chuyến để bay về Pháp. Họ chọn Air Algérie vì đây là hãng hàng không rẻ nhất trong khu vực.

Trường hợp đau đớn nhất là một gia đình 10 người gồm ông bà, hai người con trai, hai người con dâu và 4 cháu nội, sống tại các thành phố Chambéry và Gex, tất cả đều thiệt mạng trong vụ rơi máy bay. Một gia đình khác có quốc tịch kép là Pháp và Burkina Faso sống tại thành phố Nantes gồm 7 thành viên đã cùng lên chuyến bay AH5017. Người cha Seidou Ouedraogo, 46 tuổi, đã đến định cư tại Pháp được gần 30 năm. Ông và vợ có hai người con lớn đã ngoài 20, hai người con ở độ tuổi 13, 14 và một con gái út 6 tuổi.

Tại thị trấn Menet, mọi người đều chết lặng khi nghe tin toàn bộ gia đình gồm 5 người sóng tại đây: ông Bruno Cailleret, bà Caroline Boisnard, hai con Elno, 14 tuổi, Chloé, 10 tuổi và mẹ của bà Caroline Boisnard, đã thiệt mạng khi máy bay rơi. "Họ đang trên đường về nhà từ Burkina Faso", kênh truyền hình TF1 dẫn lời chị Denise Labbe, nhân viên tòa thị chính Menet. "Mọi người trong thị trấn đều bàng hoàng, tất cả chúng tôi đều biết họ. Thật không thể tin được, nó giống như một cơn ác mộng", chị Labbe nói.

Tương tự, thảm họa rơi máy bay cũng cướp đi sinh mạng của 5 thành viên một gia đình khác sống tại tỉnh Creuse. Người cha là ông Bertrand Gineste, 55 tuổi, cùng vợ và 3 người con. Đứa con trai út năm nay 14 tuổi, hai người con đầu sinh đôi năm nay đều 19 tuổi. "Tôi làm việc cùng với ông ấy từ 20 năm nay. Chúng tôi cùng nhau lập một công ty dược phẩm có trụ sở tại thành phố Guéret và thuê 23 nhân công. Ngoài công việc kinh doanh, ông ấy cũng là chủ tịch công đoàn ngành dược phẩm trong vùng và là thủ quỹ từ hàng chục năm nay của Hội kết nghĩa thành phố Guéret của Pháp và vùng Zitenga của Burkina-Faso", ông Jean-Jacques Dubré nói trong nghẹn ngào.

Trong số những người tử nạn, còn rất nhiều người là những người Pháp giàu lòng nhân ái đến Burkina Faso để triển khai các dự án nhân đạo, hỗ trợ thanh thiếu niên lập nghiệp. Cũng có cả những người đến đây để kinh doanh khách sạn, mở nhà hàng… Tất cả đều đã ra đi và để lại một khoảng trống không gì bù đắp được đối với người thân. Nước mắt và những câu chuyện buồn tràn ngập trên các trang báo và các bản tin truyền hình của Pháp.

Ngay sau khi có thông tin về vụ rơi máy bay trong đó có nhiều công dân Pháp, chính phủ Pháp đã triển khai nhiều biện pháp khẩn cấp. Sáng ngày 25/7, Tổng thống François Hollande đã hủy chuyến thăm tới các vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp là đảo Réunion và Mayotte để ở lại Paris và triệu tập một cuộc họp gồm nhiều quan chức cao cấp. Phát biểu với báo chí sau cuộc họp, Thủ tướng Manuel Valls cho biết toàn bộ chính phủ được huy động và sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của gia đình các nạn nhân.

Tại các sân bay lớn như Roissy-Charles de Gaulle, Orly, Toulouse, Lyon, Marseille, giới chức Pháp đã triển khai các đơn vị đối phó khủng hoảng để hỗ trợ người thân các gia đình nạn nhân và các hành khách sắp lên chuyến bay.

Chiều ngày 25/7, Bộ Ngoại giao Pháp đã tổ chức đón tiếp gia đình các nạn nhân nhằm hỗ trợ người thân các nạn nhân vượt qua cú sốc tâm lý. Bộ Ngoại giao Pháp cũng thiết lập một đường dây nóng để cung cấp các thông tin liên quan cho gia đình các nạn nhân.

Vụ tai nạn máy bay AH5017 thực sự là một thảm họa đối với nước Pháp khi có đến gần một nửa số nạn nhân là người Pháp. Đây cũng là tai nạn hàng không thảm khốc nhất đối với Pháp kể từ tai nạn năm 2009 khi một máy bay của hãng Air France bị rơi ở ngoài khơi Đại Tây Dương, trong chuyến bay Rio de Janero-Paris làm 228 người chết trong đó có 73 người Pháp.


Bích Hà