Thủ tướng Anh Starmer và Tổng thống Pháp Macron ngày 10/7 dự kiến sẽ xác nhận cam kết đầu tiên về việc cùng kích hoạt kho vũ khí hạt nhân trong trường hợp xảy ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với các đồng minh ở châu Âu.
Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong chuyến thăm cấp Nhà nước dài 3 ngày của nhà lãnh đạo Pháp tới Anh. Ảnh: Zuma Press Wire
Theo tờ New York Times, Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ công bố chi tiết về mối quan hệ quốc phòng mới trong ngày 10/7, bao gồm cam kết đầu tiên về việc các kho vũ khí hạt nhân của họ sẽ cùng hoạt động trong trường hợp xảy ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với các đồng minh ở châu Âu.
Thông báo trên được đưa ra khi hai nhà lãnh đạo kết thúc chuyến thăm cấp nhà nước 3 ngày của ông Macron tới đảo quốc sương mù bằng chuyến thăm đến một căn cứ quân sự của Anh nhằm khẳng định sự ủng hộ của họ với Ukraine.
Theo một tuyên bố được Bộ Quốc phòng Anh công bố vào cuối ngày 9/7, thỏa thuận giữa hai nước sẽ khẳng định rằng "không có mối đe dọa cực đoan nào đối với châu Âu mà không khiến cả hai quốc gia phải phản ứng".
Thông báo dự kiến được công bố ngày 10/7 không phải là sự đảm bảo hoàn toàn về bảo vệ hạt nhân cho các quốc gia châu Âu, nhưng các chuyên gia cho rằng đây là một bước tiến nhỏ theo hướng đó.
Ông Starmer và ông Macron cũng dự kiến sẽ công bố một số thỏa thuận di cư có thể giảm số lượng người cố gắng vượt eo biển Manche trên những chiếc thuyền nhỏ, chật người xuất phát từ các bãi biển miền bắc nước Pháp.
Cả hai chủ đề đều là cốt lõi của những gì hai nhà lãnh đạo cho là mối quan hệ ngoại giao được cải thiện giữa hai nước láng giềng, vốn đã bị rạn nứt khi công dân Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu vào năm 2016 (Brexit) với đa số sít sao.
Trong bài phát biểu trước Quốc hội Anh hôm 8/7, Tổng thống Macron cho biết hai nước "phải hợp tác để bảo vệ chủ nghĩa đa phương hiệu quả và bảo vệ trật tự quốc tế".
Châu Âu từ lâu đã phụ thuộc vào Mỹ về bảo vệ hạt nhân, vì nhiều quốc gia là thành viên của NATO. Nhưng Tổng thống Trump đã ngày càng nhấn mạnh sự cần thiết của việc châu Âu tự bảo vệ mình trước các đối thủ tiềm tàng. Tại châu Âu, chỉ có Anh và Pháp là cường quốc hạt nhân.
Những cam kết hợp tác quốc phòng được đưa ra trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine vẫn tiếp diễn sau hơn 3 năm. Ông Starmer và ông Macron đã phải chật vật để thúc đẩy "liên minh thiện chí" mà họ tạo ra để đối đầu với Nga khi chính quyền Tổng thống Trump rút lại sự hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Một số quốc gia khác đã do dự trong việc cam kết cung cấp các tài sản quân sự như máy bay. Và một lệnh ngừng bắn giữa Nga và Ukraine như tổng thống Mỹ cam kết vẫn chưa có dấu hiệu nào khả quan.
Ngày 10/7, tại một căn cứ quân sự của Anh bên ngoài London, hai ông Macron và Starmer tham gia một cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo của các quốc gia liên minh khác nhằm nỗ lực khởi động các kế hoạch còn dang dở.
Về vấn đề di cư, các quan chức Anh và Pháp đã đàm phán trong nhiều tháng về cách ứng phó với sự gia tăng số lượng thuyền nhỏ chở người di cư đến Anh, hầu hết trong số họ đều đang xin tị nạn. Ông Starmer và Công đảng Anh đang chịu áp lực ngày càng tăng trong việc giảm số lượng người di cư trái phép mà không từ bỏ trách nhiệm nhân đạo của đất nước.
Các gia đình và trẻ em đi bộ trở lại bờ trong sương mù sau khi không thể lên một chiếc thuyền nhỏ từ miền bắc nước Pháp, trong nỗ lực vượt qua eo biển Manche sang Anh. Nguồn... Dan Kitwood/Getty Images
Tại Quốc hội Anh hôm 9/7, Nigel Farage, lãnh đạo đảng Cải cách Anh cánh hữu theo chủ nghĩa dân túy, đã yêu cầu ông Starmer "nói với tổng thống Pháp rằng chúng tôi sẽ không chấp nhận nam giới không có giấy tờ vượt qua eo biển Manche, và rằng ông không bị một tổng thống Pháp ngày càng kiêu ngạo sai khiến."
Ông Starmer đã phản pháo lại, nói rằng giải pháp của ông Farage cho vấn đề di cư "là phá vỡ mọi thứ và tuyên bố rằng đó là cách bạn giải quyết mọi việc, và giơ hai ngón tay trỏ vào hàng xóm của mình rồi mong đợi họ hợp tác với chúng ta."
Thuyền nhỏ đã trở thành phương tiện phổ biến để di chuyển đến Anh sau chiến dịch trấn áp thành công của chính quyền đối với người di cư bằng xe tải chở bằng phà hoặc chạy dưới lòng kênh.
Vấn đề này trở nên khó giải quyết hơn sau cuộc bỏ phiếu Brexit năm 2016, bởi vì Anh đã bị loại khỏi một thỏa thuận di cư của châu Âu, cho phép chuyển người xin tị nạn trở lại các quốc gia nơi họ từng sinh sống hoặc yêu cầu được bảo vệ. Anh cũng mất quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu sinh trắc học được sử dụng để xác định danh tính của người dân và các đơn xin trước đây.
Kể từ đó, một số quốc gia châu Âu đã bác bỏ nỗ lực của Anh nhằm tìm kiếm các thỏa thuận hồi hương riêng với từng quốc gia, với lập luận rằng các thỏa thuận như vậy về di cư phải được thực hiện với toàn khối.