04:09 11/04/2019

'Phao cứu sinh' cho các công ty lâm nghiệp tại Đắk Nông

Theo Quyết định số 2203/QĐ-UBND ngày 6/12/2018 về việc phê duyệt phương án điều tiết tiền dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông trong năm 2018, các công ty lâm nghiệp và một số đơn vị được giao quản lý diện tích rừng nằm ngoài lưu vực được chi trả dịch vụ môi trường rừng sẽ được hỗ trợ gần 115.000 đồng/ha trong năm 2018.

Sau lệnh đóng cửa rừng của Chính phủ, các công ty lâm nghiệp, đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông bị cắt hoàn toàn chỉ tiêu khai thác. Chính vì vậy, việc quản lý, bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn do kinh phí eo hẹp, trong khi nhiều đơn vị không được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng.

Ông Trần Đức Thắng, Quyền Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp Đắk Wil (trực thuộc UBND tỉnh Đắk Nông, thuộc xã biên giới Đắk Wil, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) cho biết, đơn vị được giao quản lý, bảo vệ gần 29.000 ha rừng tự nhiên. Diện tích rừng phân bố chủ yếu tại xã Đắk Wil và một số xã lân cận như Đắk Đ’rông, Cư Knia (đều thuộc huyện Cư Jút).

Năm 2014, Chính phủ ra lệnh đóng cửa rừng tự nhiên, mọi hành vi khai thác gỗ, chuyển đổi đất rừng sang trồng cây nông nghiệp đều bị cấm tuyệt đối. Từ một đơn vị được giao chỉ tiêu khai thác hàng năm, Công ty Lâm nghiệp Đắk Wil phải ngưng hoàn toàn việc khai thác, chế biến gỗ, vốn đem lại nguồn thu chính cho công ty. Việc quản lý, bảo vệ rừng được siết chặt, mọi hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng đều bị nghiêm cấm.

Theo ông Trần Đức Thắng, sau khi thực hiện lệnh đóng cửa rừng, công ty gặp rất nhiều khó khăn do không đủ kinh phí để chi trả lương cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên, các hoạt động của đơn vị, cũng như triển khai quản lý, bảo vệ rừng. Sau đó, hoàn cảnh bớt khó khăn khi Công ty Lâm nghiệp Đắk Wil được hưởng tiền hỗ trợ mức 200.000 đồng/ha/năm theo Quyết định số 2242/QĐ-TTg ngày 11/12/2014 của Chính phủ về việc phê duyệt đề án tăng cường công tác quản lý khai thác gỗ rừng tự nhiên giai đoạn 2014 – 2020 (Quyết định 2242). 

“Mỗi năm, tổng kinh phí chúng tôi được hỗ trợ theo Quyết định 2242 là 5,7 tỷ đồng. Số tiền này chỉ đủ trang trải khoảng 60% kinh phí trả lương cho đội ngũ cán bộ công nhân viên cũng như triển khai các nhiệm vụ được giao của đơn vị. Nhiều cán bộ, công nhân viên đã nghỉ việc do lương thấp hoặc bị chậm trễ trong việc chi trả. Tình hình chung hết sức khó khăn” – ông Thắng phân tích thêm.

Còn ông Phan Bá Nhã, Giám đốc Công ty Đầu tư phát triển Đại Thành (trực thuộc UBND tỉnh Đắk Nông, tại xã biên giới Đắk Lao, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) cho biết, sau khi thực hiện lệnh đóng cửa rừng của Chính phủ, cũng như một số công ty khác trên địa bàn đơn vị gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì, phát triển chế biến gỗ và sản xuất hàng mộc.

Nguồn kinh phí chính để đơn vị hoạt động là từ hỗ trợ của Chính phủ (theo Quyết định 2242, tương tự như Công ty Lâm nghiệp Đắk Wil), chỉ đáp ứng được khoảng 50 - 70% kinh phí triển khai hoạt động quản lý, bảo vệ rừng. Hiện công ty đang được giao quản lý, bảo vệ hơn 18.000 ha rừng, phân bổ chủ yếu tại xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil.

Cuối tháng 12/2018, UBND tỉnh Đắk Nông ban hành Quyết định số 2203/QĐ-UBND ngày 6/12/2018 về việc phê duyệt phương án điều tiết tiền dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh trong năm 2018. Theo đó, các công ty lâm nghiệp và một số đơn vị được giao quản lý diện tích rừng nằm ngoài lưu vực được chi trả dịch vụ môi trường rừng sẽ được hỗ trợ số tiền gần 115.000 đồng/ha trong năm 2018. Số tiền Công ty Lâm nghiệp Đắk Wil được hỗ trợ gần 3,3 tỷ đồng, Công ty Đầu tư phát triển Đại Thành gần 2 tỷ đồng.

Theo ông Trần Đức Thắng, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Đắk Wil, nguồn hỗ trợ trên đây thực sự là “phao cứu sinh” đối với công ty sau nhiều năm chật vật về tài chính. Nhờ nguồn kinh phí này, đơn vị đã cân đối được chi phí để chi trả lương, các hoạt động phòng cháy chữa cháy cũng như tăng cường quản lý, bảo vệ rừng.

Cũng theo ông Trần Đức Thắng, trước thời điểm UBND tỉnh Đắk Nông phê duyệt phương án điều tiết tiền dịch vụ môi trường rừng (tháng 12/2018), đơn vị đã nhiều lần kiến nghị lên các ngành chức năng của tỉnh về vấn đề này. Theo đó, Công ty Lâm nghiệp Đắk Wil là đơn vị phải tự cân đối toàn bộ chi phí hoạt động.

Hiện công ty được giao quản lý, bảo vệ diện tích rừng lớn nhất tỉnh Đắk Nông, địa hình nhiều khu vực phức tạp, tiếp giáp với nương rẫy của người dân nên có rất nhiêu thách thức trong quản lý, bảo vệ. Việc công ty không được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng khiến việc thực hiện các nhiệm vụ được giao gặp rất nhiều khó khăn do các nguồn hỗ trợ, nguồn thu không đủ chi.

“Ngoài việc chi trả tiền lương, chúng tôi cần kinh phí để trang trải cho các hoạt động quản lý, bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng. Việc các nguồn thu hạn chế, không đủ để chi phí khiến cán bộ công nhân viên không yên tâm gắn bó với công việc. Trong khi diện tích rừng đơn vị được giao quản lý, bảo vệ rất lớn. Nói chung là có thực mới vực được đạo” – ông Trần Đức Thắng khẳng định.

Ông Phan Bá Nhã, Giám đốc Công ty Đầu tư phát triển Đại Thành cho biết, nguồn hỗ trợ từ kinh phí dịch vụ môi trường rừng đã góp một phần quan trọng vào tổng nguồn thu của công ty trong năm 2018. Nhiều năm nay, đơn vị không được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng do nằm ngoài hai lưu vực sông Đồng Nai và Sêrêpốk.

Theo ông Phan Bá Nhã, ngành chức năng cần điều chỉnh chính sách dịch vụ môi trường rừng theo hướng chi trả đồng đều đối với diện tích rừng tự nhiên của các đơn vị trong toàn tỉnh, chỉ ngoại lệ đối với diện tích rừng tại các khu vực phức tạp về quản lý, bảo vệ hoặc vùng đi lại quá khó khăn. Như vậy mới đúng với tính chất xã hội hóa nghề rừng của chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Ông Lê Văn Quang, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Đắk Nông nhấn mạnh: Việc UBND tỉnh Đắk Nông phê duyệt phương án điều tiết tiền dịch vụ môi trường rừng vào tháng 12/2018 đã tháo gỡ khó khăn cho nhiều đơn vị chủ rừng trước đó không được hưởng tiền này. Tuy nhiên, việc điều tiết vẫn chưa nhận được sự đồng thuận của tất cả các đơn vị chủ rừng.

Hiện Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Đắk Nông đang xây dựng phương án cho năm 2019 theo hướng đảm bảo kinh phí cho việc quản lý, bảo vệ rừng của tất cả các đơn vị chủ rừng trong toàn tỉnh, nhằm đảm bảo quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả hơn, theo đúng chủ trương chính sách lớn của Đảng và Nhà nước.

Hưng Thịnh – Ngọc Minh (TTXVN)