09:06 12/09/2014

Phản ứng quốc tế về chiến lược đối phó IS của Mỹ

Sau khi Tổng thống Mỹ công bố chiến lược toàn diện mới đối phó với các phần tử thuộc tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng tại Syria và Iraq, một số nước đã đưa ra các phản ứng đầu tiên.

Sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố chiến lược toàn diện mới đối phó với các phần tử thuộc tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng tại Syria và Iraq, một số nước đã đưa ra các phản ứng đầu tiên.

Bộ Ngoại giao Nga ngày 11/9 cho rằng cuộc chiến nhằm vào các tay súng IS tại hai quốc gia Trung Đông nói trên chỉ nên được thực hiện theo luật pháp quốc tế và tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia này.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Moskva, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich tuyên bố cuộc chiến chống lại thế lực xấu xa này cần phải tuân thủ nghiêm chỉnh luật pháp quốc tế, các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) cũng như tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria và Iraq. Theo ông Lukashevich, các cuộc không kích nhằm các phiến quân Hồi giáo tại Syria mà không có sự ủy nhiệm của HĐBA cũng như không có sự chấp thuận của chính phủ hợp pháp ở Syria sẽ là một hành động gây hấn, vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế.

Đức và Anh tuyên bố sẽ không tham gia không kích nhằm vào các mục tiêu của IS tại Syria.


Cùng ngày, người phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã kêu gọi tôn trọng chủ quyền, độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ của các nước liên quan trong bối cảnh Tổng thống Obama cam kết tiến hành chiến dịch không kích sâu rộng tại cả Iraq và Syria. Quan chức ngoại giao này nêu rõ trong cuộc chiến quốc tế chống khủng bố, cần phải tôn trọng luật pháp quốc tế, cũng như chủ quyền, độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ của các nước liên quan.

Trong khi đó, ngày 11/9, các quan chức cấp cao của Syria và Iran đã chỉ trích chính quyền của Tổng thống Obama vì đã gạt bỏ hai nước này khỏi liên minh quốc tế chống IS ở Iraq và Syria.

Phóng viên TTXVN tại khu vực Trung Đông dẫn báo "Al-Thawra" của Syria số ra ngày 11/9 cảnh báo việc Tổng thống Obama cho phép tiến hành các cuộc không kích ở Syria có thể "là những đốm lửa đầu tiên trong cuộc xung đột ở khu vực". Bộ trưởng Hòa giải Syria Ali Haidar nhắc lại lập trường của chính phủ nước này rằng bất kỳ một cuộc không kích nào từ bên ngoài vào lãnh thổ Syria mà không được phép của Damascus sẽ được coi là một hành động xâm lược. Ông Haidar cảnh báo rằng các cường quốc phương Tây có thể lợi dụng kế hoạch chống IS trong giai đoạn sắp tới để lấy cớ can thiệp vào các nước trong khu vực. Quan chức này bày tỏ nghi ngờ về những mục đích thực sự của liên minh quốc tế do Mỹ tập hợp nhằm chống IS.

Trước đó, Ngoại trưởng Syria Walid al-Moallem cũng từng cảnh báo Mỹ về quyết định của người đứng đầu Nhà Trắng tiếp tục không kích nhằm vào lực lượng IS trên lãnh thổ Syria trong khi lại tuyên bố "không thể tin tưởng vào chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad".

Tại Tehran, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Marzieh Afkham ngày 11/9 tuyên bố mục đích thực sự của liên minh quốc tế chống lại IS ở Syria và Iraq có "sự mơ hồ nghiêm trọng". Theo bà, Tehran nghi ngờ về mức độ nghiêm túc của liên minh này vì một số thành viên của liên minh ủng hộ những kẻ khủng bố ở Iraq và Syria. Nữ phát ngôn viên Iran cũng chỉ trích cái gọi là "tiêu chuẩn kép của phương Tây" trong cuộc chiến chống các phần tử khủng bố và cực đoan.

Cùng ngày, các ngoại trưởng của Đức và Anh tuyên bố hai nước này sẽ không tham gia không kích nhằm vào các mục tiêu của IS tại Syria. Phát biểu trong một cuộc họp báo ở Berlin, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier khẳng định Đức đã không được yêu cầu tham gia không kích và cũng sẽ không tham gia hoạt động này.

Trong khi đó, người đồng cấp Anh Philip Hammond cho biết London "hoàn toàn ủng cách tiếp cận của Mỹ về việc phát triển một liên minh quốc tế" chống IS, đồng thời nhấn mạnh về cách hỗ trợ liên minh kiểu này thì "chúng tôi không loại bỏ điều gì". Tuy nhiên, khi được hỏi về đề nghị của Tổng thống Mỹ Obama không kích IS ở Syria, ông Hammond khẳng định Anh sẽ không tham gia bất cứ cuộc không kích nào ở Syria.

Tương tự, Thổ Nhĩ Kỳ cùng ngày tuyên bố sẽ không cho Mỹ sử dụng căn cứ không quân chống IS. Một quan chức Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ giấu tên cho biết nước này sẽ không cho phép liên minh do Mỹ cầm đầu tấn công các phần tử thánh chiến ở hai quốc gia láng giềng Iraq và Syria từ các căn cứ không quân của nước này cũng như sẽ không tham gia mọi chiến dịch chiến đấu chống phiến quân.


TTXVN/Tin Tức