03:17 17/03/2014

Phản ứng của Nga và quốc tế sau trưng cầu ý dân tại Crimea

Điều mà dư luận quan tâm nhất lúc này không phải là kết quả của cuộc trưng cầu ý dân mà chính là thái độ của Nga, Mỹ và phương Tây đối với bán đảo Crimea, cũng như việc Nga sẽ làm gì để đối phó nếu bị áp đặt các biện pháp trừng phạt?

Cuộc trưng cầu ý dân tại bán đảo Crimea (Crưm) đã kết thúc, song điều mà dư luận quan tâm nhất lúc này lại không phải là kết quả của cuộc trưng cầu, mà chính là thái độ của Nga, Mỹ và phương Tây đối với bán đảo Crimea, cũng như việc Nga sẽ làm gì để đối phó nếu bị áp đặt các biện pháp trừng phạt?

Hãng tin Nga Itar-tass ngày 17/3 cho biết ngay sau cuộc trưng cầu ý dân trên báo đảo Crimea, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama. Cuộc điện đàm được thực hiện theo sáng kiến của Mỹ.

Được biết, trong cuộc điện đàm này, ông Putin đã tuyên bố rằng cuộc trưng cầu ở Crimea là phù hợp các chuẩn mực của luật pháp quốc tế. Ông cũng tái khẳng định hành động của Nga tại Crimea là hoàn toàn phù hợp luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ.

Crimea tuyên bố độc lập. Ảnh: Itar-tass


Điều này đã từng có tiền lệ. Đó là trường hợp Kosovo trong câu chuyện của nhà nước Nam Tư trước kia. Ông Putin nhấn mạnh: "Nếu soi rọi từ trường hợp Kosovo, thì cư dân trên bán đảo Crimea cần phải được đảm bảo quyền tự do thể hiện ý nguyện, cũng như quyền tự quyết vận mệnh của mình".

Trong cuộc điện đàm này, ông Putin cũng tuyên bố tôn trọng lựa chọn của nhân dân Crimea. Ông nhấn mạnh rằng "bất chấp có những khác biệt về quan điểm trong câu chuyện Crimea, song cộng đồng quốc tế cần phối hợp nhằm tìm kiếm giải pháp ổn định tình hình Ukraine".

Trước đó, Tổng thống Putin cũng đã điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel bàn về cuộc khủng hoảng tại Ukraine, cũng như nhấn mạnh cuộc trưng cầu ý dân tại Crimea là phù hợp với điều 1 của Hiến chương LHQ.

Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Sergei Naryshkin đánh giá cuộc trưng cầu ý dân ở Crimea là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử nhà nước Nga.

Quan chức này khẳng định Duma Quốc gia đã sẵn sàng và sẽ nhanh chóng áp dụng tất cả các điều luật cần thiết để sáp nhập Crimea vào Nga. Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do Nga Vladimir Zhirinovsky thì cho rằng thời hạn để sáp nhập thêm vùng lãnh thổ mới này có thể diễn ra trong vòng từ 3 ngày đến 3 tháng. Thậm chí ông Zhirinovsky còn đề nghị coi ngày 16/3 là một ngày quốc lễ mới của Nga.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ tuyên bố sẽ không công nhận kết quả trưng cầu ý dân ở Crimea. Chủ tịch Uỷ ban châu Âu José Manuel Barroso, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đều lên tiếng khẳng định cuộc trưng cầu này là bất hợp pháp và họ sẽ không công nhận kết quả cuối cùng.

Ngoại trưởng các nước EU trong ngày 17/3 cũng đã nhóm họp tại Brussels nhằm tìm kiếm biện pháp trừng phạt có thể áp dụng đối với Nga. Tuy nhiên, các nhà quan sát quốc tế cho rằng nếu chỉ theo đuổi áp đặt trừng phạt Nga, rất có thể chính EU và Mỹ sẽ tự chuốc họa vào thân.

Có lẽ lúc này vẫn chưa muộn để EU và Mỹ lắng nghe ý kiến của ông Edward Dmitrievik Lausanne, Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ ở Moskva, đồng thời là giáo sư Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva mang tên Lomonoshov (MGU) và Trường ĐH Tổng hợp Quốc gia Nghiên cứu về hạt nhân MIFI, Liên Bang Nga.

Giáo sư người Mỹ này cho rằng: "Những ai mong muốn điều tốt lành cho Ukraine, cho Crimea, lúc này nên tập trung mọi nỗ lực vào gói viện trợ kinh tế dành cho đất nước Ukraine vốn đã phải chịu nhiều đau khổ". Và rằng, nếu không có sự tham gia của Nga, thì việc hỗ trợ Ukraine cũng sẽ thật nan giải, thậm chí là gần như không thể. Đã đến lúc Nga, Mỹ và Phương Tây nên cùng nhau ngồi lại, tìm kiếm biện pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraine nói chung, cũng như thống nhất về trường hợp của Crimea nói riêng.


Quế Anh (PV TTXVN tại LB Nga)