“Ung thư chiến tranh” của Mỹ đang ở giai đoạn cuối

Cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ phát động tại Ápganixtan đã qua 10 năm và ở Irắc là 8 năm, làm hao phí các nguồn tài nguyên to lớn của Mỹ mà lẽ ra nên được dùng cho phát triển kinh tế. Tờ Văn Hối (Hồng Công) ngày 13/7 cho rằng hai cuộc chiến tranh này thực sự giống như hai khối “ung thư” đang biến nước Mỹ giàu có và tươi đẹp thành nước nợ chồng chất, tỉ lệ thất nghiệp cao và ngành tài chính không còn sức sống.

Binh sĩ Mỹ tuần tra tại Iskandariya, tỉnh Babil, Irắc ngày 13/7. AFP/ TTXVN

Chính quyền Obama mới đây đã công bố chiến lược chống khủng bố mới, quyết định liệt các phần tử khủng bố trong nước là trọng điểm chống khủng bố từ nay về sau. Các quan chức Nhà Trắng cho rằng al-Qaeda đã lợi dụng Internet kích động các phần tử khủng bố bên trong nước Mỹ, chuẩn bị phát động tấn công khủng bố các mục tiêu liên quan ngay trong lòng nước Mỹ. Nếu như vẫn tiếp tục dồn tinh lực vào “cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu”, tình hình nước Mỹ sẽ mang lại cơ hội phát triển rất tốt cho các phần tử khủng bố trong nước.

Cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu 10 năm qua đã gây ra sự đối lập nghiêm trọng giữa Mỹ với các nước Hồi giáo. Tổng thống Obama buộc phải điều chỉnh chiến lược chống khủng bố, mượn các lực lượng Hồi giáo để tấn công thế lực cực đoan al-Qaeda, đồng thời cải thiện mối quan hệ Âu - Mỹ vốn bị sứt mẻ bởi chống khủng bố. Tổng thống Obama hy vọng “một mũi tên trúng hai đích”, tức vừa có thể thuận lợi thoát khỏi vũng lầy hai cuộc chiến trên, lại vừa có thể hóa giải ân oán với các nước Hồi giáo, để các nước này trở thành đội quân tiên phong chống khủng bố.

Trường Đại học Brown của Mỹ mới đây đã ra cuốn sách “Cái giá của chiến tranh” do hơn 20 sinh viên nghiên cứu phân tích trong mấy năm liền, cho biết sau cuộc tấn công khủng bố 11/9/2001, chi phí của Mỹ cho hai chiến trường Ápganixtan và Irắc đã lên tới gần 4.400 tỷ USD, những người nộp thuế ở Mỹ đang phải gánh trên vai cái giá nặng nề của hai cuộc chiến lớn này. Cuốn sách cũng chỉ trích gay gắt chi phí và thời gian cho hai cuộc chiến này vượt rất xa so với dự đoán hoang đường mà Cục Tình báo Trung ương Mỹ và Lầu Năm Góc đưa ra trước đây rằng “nhiều nhất là 50 tỷ USD, lâu nhất là nửa năm” để hoàn thành “cuộc chiến chống khủng bố”.

“Cái giá của chiến tranh” chỉ ra rằng con số “1.000 tỷ USD chi cho cuộc chiến chống khủng bố” mà Obama đưa ra là lừa dối, thấp hơn rất nhiều so với con số thực tế mà Bộ Tài chính đã chi cho hai cuộc chiến Ápganixtan và Irắc. Trên thực tế, chỉ riêng lãi suất phải trả cho các khoản đã chi cho hai cuộc chiến này đã vượt hơn 1.000 tỷ USD. Bên cạnh đó, hàng vạn binh sĩ Mỹ bị thương bởi hai cuộc chiến này sẽ tiếp tục là gánh nặng lớn đối với nước Mỹ.
Joseph E.Stiglitz, người đoạt giải Nobel về kinh tế năm 2001 và là tác giả cuốn “Cuộc chiến 3.000 tỷ”, cho rằng các khoản phi phí cho chiến tranh cần bao gồm các loại khoản chi khác mà Nhà Trắng đã “lờ đi”. Chiến tranh đã sản sinh ra các khoản chi liên quan khác như thâm thủng ngân sách lớn, lãi suất phải trả cho thâm thủng ngân sách, phí điều trị cho lượng lớn thương binh, phúc lợi xã hội cho quân nhân giải ngũ cùng các khoản chi xã hội khác cho thương binh và gia đình họ.

Theo tờ Văn Hối, cho dù Bush hay Obama, các lãnh đạo nước Mỹ đều đánh giá thấp các khoản chi cho chiến tranh, cho rằng chiến tranh có thể nhanh chóng kết thúc và thương vong sẽ rất ít. Tuy nhiên, thực tế từ hai cuộc chiến Ápganixtan và Irắc lại hoàn toàn ngược lại, các khối “ung thư chiến tranh” đã ở giai đoạn cuối và đang di căn vào bên trong nước Mỹ.

Phan Thành Dương (P/v TTXVN tại Hồng Công)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN