Rủi ro đổ vỡ đồng euro vẫn không giảm?

Báo "Tài chính Quốc tế" của Trung Quốc mới đây đã đăng bài của tác giả Vương Lệ Dĩnh cho biết một số chuyên gia kinh tế cho rằng chính sách nới lỏng tiền tệ có thể là chỗ dựa cuối cùng để cứu đồng euro, nhưng rủi ro đồng euro đổ vỡ vẫn không giảm. Đặc biệt, nếu lạm phát kéo dài, đồng euro sẽ rơi vào thế nguy hiểm hơn.

Đồng euro đang đối mặt với nguy cơ đỗ vỡ-Ảnh internet
 
Cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu diễn ra đã được một năm, nhưng tình hình vẫn chưa chuyển biến theo hướng tốt lên. Một mặt, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bỏ ra một lượng tiền lớn để cứu đồng euro. Mặc khác, các quỹ đầu tư mạo hiểm và cơ cấu tài chính lớn ra sức gây sóng gió, lợi dụng thời cơ gieo rắc khủng hoảng nợ khắp khu vực đồng euro. Hiện nay, Ailen, Hunggari, Tây Ban Nha, Italia và Bồ Đào Nha đều đứng trước rủi ro vi phạm khế ước vay nợ. Nếu tình trạng này không thể ngăn chặn, lạm phát gây ra từ việc tung tiền cứu trợ cuối cùng sẽ làm đồng euro đổ vỡ.

Ngày 6/12, tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng euro, mặc dù các bên đã chính thức phê chuẩn kế hoạch cứu trợ Ailen trị giá 85 tỷ euro, nhưng lại phản đối việc mở rộng quy mô Quỹ Ổn định Tài chính châu Âu (EFSF, hiện có 750 tỷ euro) của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Quyết định này lập tức đối mặt với sự chỉ trích của IMF và "giội gáo nước lạnh" vào sự nhiệt tình của Mỹ trong việc cứu châu Âu.

Tuy nhiên, Đức - nước "đầu tàu" trong khu vực đồng euro - cho rằng với số tiền 750 tỷ euro hiện có, EFSF đủ sức cứu trợ các nước bị khủng hoảng nợ công và vấn đề quan trọng nhất hiện nay là ổn định hệ thống tài chính. Quả bóng dường như đã được các Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng euro "đá" sang cho ECB và đặt cơ chế tài chính này trước áp lực chính trị chưa từng có. Một quan chức giấu tên trong ECB tiết lộ về cơ bản, ECB không muốn phát hành trái phiếu để cứu các nước khủng hoảng nợ mà hy vọng giải quyết vấn đề thông qua việc IMF và EU bơm thêm tiền.

Trong khi IMF và khu vực đồng euro bất đồng về phương án cứu trợ, các nhà lãnh đạo châu Âu lại phải đối mặt với những rủi ro khủng hoảng chính trị còn nghiêm trọng hơn cả khủng hoảng nợ. Tỷ lệ ủng hộ đối với lãnh đạo Hy Lạp và Ailen tụt dốc thê thảm. Nguyên nhân không ngoài tác động của việc tái cấu trúc nợ và chương trình "thắt lưng buộc bụng". Nếu không duy trì được tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh không đụng chạm tới lợi ích của người dân, lãnh đạo các nước như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italia và Hunggari sẽ chịu chung cảnh ngộ phải đối mặt với rủi ro khủng hoảng chính trị nghiêm trọng. Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng sẽ trở thành người phải chịu ảnh hưởng nhiều nhất vì bà là người đi đầu trong việc phản đối mở rộng quy mô EFSF và phát hành trái phiếu nợ chung khu vực đồng euro.

Cùng với sự lây lan của cuộc khủng hoảng nợ, các nền kinh tế trong hệ thống đồng euro có thực lực yếu ớt khẳng định sẽ kéo đổ các nền kinh tế theo mô hình xuất khẩu như Đức. Những người bi quan cho rằng sự đổ vỡ của đồng euro đang đi từ "không thể tưởng tượng" tới "không thể tránh được". Ngày 2/12 vừa qua, Chủ tịch ECB, Jean-Claude Trichet, tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì lãi suất cơ bản 1%, mức thấp nhất trong lịch sử, và gia hạn việc cung cấp các biện pháp thanh khoản đặc biệt cho các ngân hàng thương mại thêm ba tháng (đến hết quý I/2011).

Số liệu do Cơ quan Thống kê EU công bố ngày 30/11 cho thấy tỷ lệ lạm phát của khu vực đồng euro trong tháng 11 là 1,9%, bằng với tháng 10. Điều đó cũng có nghĩa là tỷ lệ lạm phát của khu vực đồng euro đã tiếp cận "giới hạn đỏ" 2% trong hai tháng liên tiếp.

Minh Thành

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN