Căng thẳng Trung Quốc-Ấn Độ và chặng đường phía trước

Vụ đụng độ chết người giữa binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ tháng trước đã lan sang các lĩnh vực kinh doanh và công nghệ. Song hai nước đông dân nhất thế giới đang có dấu hiệu xuống thang căng thẳng bởi hai bên đều hiểu sẽ mất rất nhiều nếu bất hòa leo thang thành chiến tranh thương mại toàn diện.

Hạ nhiệt ở biên giới

Chú thích ảnh
Đoàn xe quân sự của Ấn Độ di chuyển trên cao tốc Srinagar-Leh, gần biên giới với Trung Quốc ngày 29/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Dấu hiệu đầu tiên cho thấy Trung Quốc và Ấn Độ xuống thang căng thẳng dọc biên giới tranh chấp là hai bên đã nhất trí lộ trình rút quân khỏi khu vực đụng độ khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng hồi giữa tháng 6.

Quyết định giảm căng thẳng ở khu vực Ladakh giữa hai bên diễn ra sau cuộc điện đàm giữa Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ Ajit Doval và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 5/7. Đây là lần thứ 2 hai nước thông báo rút quân – động thái tương tự được khởi xướng hồi tháng 6 đã sụp đổ vài ngày sau khi xảy ra vụ động độ chết người.

Binh sĩ hai nước đã lùi về gần 2km tính từ thung lũng Galwan để thiết lập vùng đệm. Trung Quốc cũng dỡ bỏ các công trình và lều trại dựng lên ở khu vực này.

Trước đó, Ấn Độ và Trung Quốc đã nhất trí phối hợp để tránh xảy ra sự cố trong tương lai có thể gây mất hòa bình, ổn định ở khu vực biên giới. Tuy nhiên, Trung Quốc không từ bỏ tuyên bố chủ quyền gần đây với thung lũng Galwan mà Ấn Độ cũng tuyên bố là lãnh thổ của mình. 

Ngoài thung lũng Galway, Trung Quốc và Ấn Độ cũng vướng vào tranh cãi ít nhất ở ba điểm thuộc phía đông Ladakh, nơi New Delhi cáo buộc Bắc Kinh xâm phạm lãnh thổ và bị Trung Quốc bác bỏ.

Trong một bài bình luận, tờ Indian Express đã hoan nghênh động thái giảm căng thẳng, coi đây là bước đi đúng hướng, nhưng chỉ rõ rằng khó khăn vẫn còn đó. Các nhà phân tích cảnh báo giải quyết bất đồng bùng lên tại một số khu vực tranh chấp ở dãy Himalaya vẫn sẽ gặp thách thức lớn. Thậm chí ngay cả khi đối đầu trực diện giữa binh sĩ hai nước chấm dứt nhưng hai bên vẫn có thể tiếp tục triển khai quân ồ ạt tại đây.

Cuộc đối đầu ở biên giới đã lan sang các lĩnh vực khác như thương mại, công nghệ. Ấn Độ cho biết sẵn sàng gây sức ép kinh tế với Trung Quốc. Các tổ chức thương mại Ấn Độ tuần trước cho biết hàng hóa Trung Quốc đột ngột bị giữ lại tại các chốt kiểm soát Ấn Độ, giới chức ở một bang đã ngừng các thỏa thuận kinh doanh trị giá hàng trăm triệu USD với Trung Quốc.

Đầu tuần này, Ấn Độ đã cấm hàng chục ứng dụng di động của Trung Quốc, trong đó có các ứng dụng nổi tiếng như TikTok, WeChat và Weibo. Theo yêu cầu của Chính phủ Ấn Độ, Weibo đã gỡ bỏ tài khoản của Thủ tướng Narendra Modi.

Trung Quốc thận trọng

Chú thích ảnh
Binh sĩ Trung Quốc (trái) và binh sĩ Ấn Độ tại khu vực cửa khẩu Nathu La, biên giới Trung Quốc-Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN

Phản ứng của Trung Quốc tới nay vẫn thận trọng. Quan chức Trung Quốc ngày 7/7 cho biết họ rất quan ngại về việc cấm các ứng dụng nhưng họ không cảnh báo trả đũa Ấn Độ. Trước đó, ngày 3/7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh rằng hai nước cần phối hợp, đồng thời nói rằng các rào cản với quá trình hợp tác sẽ có hại cho lợi ích của chính quốc gia Nam Á này.

Theo bà Geethanjali Nataraj, Giáo sư kinh tế tại Viện Quản trị công Ấn Độ, hiện tại, Trung Quốc đánh giá tình hình chiến tranh thương mại sẽ không có lợi cho cả hai nước.

Trung Quốc, đối tác thương quan trọng của Ấn Độ, trên thực tế có nhiều lựa chọn nếu muốn trả đũa. Giai đoạn tháng 4/2019 tới tháng 3/2020, Ấn Độ mua hàng hóa trị giá 65 tỷ USD từ Trung Quốc, chiếm gần 14% tổng giá trị nhập khẩu. Trong khi đó, Trung Quốc mua hàng trị giá 16,6 tỷ USD từ Ấn Độ.

Theo kênh CNN (Mỹ), dù có nhiều lựa chọn nhưng bất kỳ cuộc chiến tranh nào với Ấn Độ, dù là kinh tế hay dưới hình thức khác, đều khiến Trung Quốc trả giá đắt. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chịu áp lực từ nhiều mặt trận như luật an ninh Hong Kong gây tranh cãi và cách xử lý đại dịch COVID-19. Trung Quốc cũng đang khó khăn về kinh tế khi suy giảm tăng trưởng mạnh nhất trong quý đầu năm và tỷ lệ thất nghiệp cao.

Ông Deng Yuwen, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Phân tích Chiến lược Trung Quốc (Mỹ), nhận định: “Trung Quốc cứng rắn trong tranh chấp lãnh thổ với Ấn Độ nhưng không muốn đối đầu”. Giáo sư Nataraj thì cho rằng Bắc Kinh có thể không muốn gây tổn hại cho quan hệ với New Delhi, nhất là khi xuất khẩu hàng hóa trị giá hàng chục tỷ USD sang nước này mỗi năm. Bà nói: “Công ty Trung Quốc đang bị hạn chế thương mại từ Mỹ và các nước khác và họ đang thừa công suất. Do đó, không dễ để Trung Quốc bỏ qua thị trường lớn như Ấn Độ”.

Thế khó của Ấn Độ

Chú thích ảnh
Binh sĩ Ấn Độ tuần tra tại Gagangir, khu vực biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc ngày 17/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Về phần mình, Ấn Độ cũng có thể mất nhiều hơn được nếu xảy ra chiến tranh thương mại với Trung Quốc.

Như nhiều nước, Ấn Độ bị tác động mạnh trong đại dịch. Sản xuất công nghiệp giảm mạnh vào mùa xuân, các ngành dịch vụ cũng sụp đổ. Hoạt động kinh doanh khó khăn trong cả tháng sáu.

Theo Giáo sư Nataraj, nhiều ngành ở Ấn Độ như điện tử, dược phẩm và phần cứng công nghệ thông tin đều phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, đặc biệt là từ Trung Quốc. Các công ty giao vận cho biết tranh chấp biên giới đang gây ra tình trạng gián đoạn. Tập đoàn DHL Express Ấn Độ phải tạm ngừng nhận hàng nhập khẩu từ Trung Quốc do bị trì hoãn trong khâu thông quan vào Ấn Độ. Tập đoàn FexEx cũng gặp khó khăn ngoài kiểm soát, dẫn tới ùn ứ hàng ở kho.

Bà Nataraj khẳng định xu hướng chống Trung Quốc trong ngắn hạn sẽ ảnh hưởng tới chuỗi cung mạng lưới sản xuất Ấn Độ và nói thêm rằng việc hạn chế xuất khẩu hoặc tẩy chay hàng Trung Quốc phần lớn sẽ tự chuốc lấy thất bại.

Khả năng leo thang tiếp theo

Chú thích ảnh
Đường kiểm soát thực tế (LAC) ở Đông Ladakh, biên giới Ấn Độ-Trung Quốc ngày 22/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo CNN, cho dù cả hai quốc gia đều có lý do để tránh chiến tranh thương mại, nhưng các nhà phân tích chỉ ra rằng hành động tính toán sai lầm có thể đây hai bên tới căng thẳng hơn nữa.

Ông Kanti Bajpai, Giáo sư Đại học Quốc gia Singapore chuyên về chính sách đối ngoại Ấn Độ và quan hệ Ấn-Trung, cho rằng ai ở Ấn Độ cũng hiểu rõ rằng Trung Quốc có thể trả đũa và nước này phụ thuộc hơn vào sản phẩm Trung Quốc, nhưng tâm lý ở New Delhi hiện nay là giận dữ. Họ chưa quên cái chết của 20 binh sĩ. Do đó, nếu đối đầu còn kéo dài, Ấn Độ có thể thực hiện hành động kinh tế.

Đáp lại, Trung Quốc có thể hạn chế cho Ấn Độ tiếp cận thị trường như đã cam kết trong một số lĩnh vực, ví dụ dược phẩm, nông nghiệp. Trung Quốc cũng có thể rút các khoản đầu tư mới định rót vào Ấn Độ.

Trung Quốc có nhiều khoản đầu tư vào công ty khởi nghiệp và ngành sản xuất Ấn Độ nhưng đây cũng là một điểm nóng giữa hai bên. Hồi tháng 4, Chính phủ Ấn Độ thông báo đầu tư trực tiếp nước ngoài từ những nước chung biên giới trên bộ sẽ bị soi xét kỹ hơn. 

Theo ông Rick Rossow thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (Mỹ), hậu quả kinh tế của những động thái trên có thể ban đầu còn nhẹ nhàng, nhưng sẽ có ảnh hưởng lớn hơn nếu Ấn Độ quyết định xa lánh Trung Quốc và tìm kiếm quan hệ chiến lược mạnh hơn với những nước như Mỹ, Nhật Bản, Australia và Pháp. 

Thùy Dương/Báo Tin tức
Dấu hiệu hạ nhiệt tại khu vực biên giới Ấn Độ - Trung Quốc
Dấu hiệu hạ nhiệt tại khu vực biên giới Ấn Độ - Trung Quốc

Ngày 6/7, các binh sĩ của Ấn Độ và Trung Quốc đã bắt đầu rút lui tại vị trí PP14 ở khu vực thung lũng Galwan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN