Những thất bại đầu tiên của phương Tây ở Libi

Dưới đầu đề trên, "Báo Độc lập" (Nga) ngày 4/4 đăng bài nêu rõ: Chính quyền của nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi đang tiến hành đàm phán bí mật với Anh cùng một số nước khác về khả năng ông Kadhafi rời bỏ chính quyền và tìm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng hiện nay. Trong khi đó, Mỹ đã ngừng tham gia cuộc không kích của liên quân vào lãnh thổ Libi sau khi trao quyền chỉ huy cho NATO, một hành động đồng nghĩa với việc chuyển trách nhiệm kết thúc chiến sự vào tay Pháp, Anh và các đồng minh khác trong NATO.

Một tàu thủy của Thổ Nhĩ Kỳ đưa hàng trăm người bị thương trong cuộc xung đột ở Libi đến Thổ Nhĩ Kỳ để điều trị. Trong ảnh: Các chiến binh nổi dậy Libi đón con tàu Thổ Nhĩ Kỳ đến cảng Benghaz, ngày 3/4/2011. AFP -TTXVN

Ngày càng có nhiều nước trên thế giới cho rằng không thể sử dụng sức mạnh quân sự để giải quyết cuộc xung đột tại Libi trong khi Pháp, Anh và các đồng minh lại chọn cách khuyến khích những người ủng hộ ông Kadhafi bỏ chạy để làm suy yếu nhà lãnh đạo Libi.

Trong khi đó, ông Kadhafi dường như không có ý định lùi bước. Trong hai ngày cuối tuần vừa qua, quân đội Libi đã tăng cường tấn công lực lượng nổi dậy. Sau khi chịu thất bại nặng nề, cái gọi là Hội đồng Dân tộc Libi đã đề nghị ngừng bắn với điều kiện quân đội chính phủ rút khỏi các thành phố phía tây và người dân Libi được quyền "tự do bày tỏ ý kiến". Nhưng Tripôli đã thẳng thừng bác bỏ đề nghị này của phe đối lập. Người phát ngôn của chính quyền Libi, ông Mussa Ibrahim tuyên bố "Trên thực tế lực lượng nổi dậy không có ý định đề xuất giải pháp hòa bình và đưa ra những yêu sách không thể chấp nhận được. Hơn nữa, quân nổi dậy đang liên hệ chặt chẽ với Al-Qeada".

Tình hình chiến sự cho thấy lực lượng nổi dậy đang đi từ thất bại này đến thất bại khác. Nếu như vào đầu tuần qua, nhờ nhận được sự hỗ trợ tích cực của không quân hùng hậu của liên quân nên quân nổi dậy đã nhích dần được về hướng Tripôli, nhưng đến cuối tuần họ đã phải rút về vị trí xuất phát tại khu vực Adzhdabia, cách thành phố Benghazi vỏn vẹn 150 km. Trong khi đó, liên quân lại dội bom và bắn lên lửa nhầm xuống lực lượng nổi dậy có mặt tại khu phía đông thành phố Mars-el-Breg làm khoảng 13-17 người thiệt mạng.

Các chuyên gia ngày càng thiên về hướng là sự can thiệp quân sự của phương Tây đã không làm thay đổi về cơ bản cục diện chiến sự tại Libi. Vì vậy, ngày càng có nhiều nước muốn ủng hộ giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Libi. Trong khi đó, Pháp, Anh và Italia đang tích cực tuyên truyền và khuyến khích các quan chức thân cận với nhà lãnh đạo Kadhafi đào ngũ theo "tấm gương của cựu ngoại trưởng Mussa Kussa", người đã bỏ trốn sang Luân Đôn. Thậm chí, có nguồn tin tình báo xác nhận một vài con trai của nhà lãnh đạo Kadhafi cũng đồng ý bỏ chạy sang Luân Đôn.

Đình Lanh (P/v TTXVN tại LB Nga)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN