Mỹ sẽ ở đâu trên bản đồ châu Á - Thái Bình Dương?

Khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đắc cử nhiệm kỳ hai, Ôxtrâylia thở phào: Vậy là nỗi lo cho tương lai quan hệ đồng minh Mỹ - Mỹ sẽ ở đâu trên bản đồ châu Á - Thái Bình Dương?

 

Tổng thống Obama họp báo chung với Thủ tướng Gillard trong chuyến công du Ôxtrâylia tháng 11/2011. Ảnh: Internet

 

Khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đắc cử nhiệm kỳ hai, Ôxtrâylia thở phào: Vậy là nỗi lo cho tương lai quan hệ đồng minh Mỹ - Ôxtrâylia đã bị đẩy lùi. Tuy nhiên, khi đánh giá về chiến lược của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương trong thời gian tới, Ôxtrâylia lo ngại chiến lược đó sẽ gặp không ít khó khăn và Canbơrơ - đầu mối của Mỹ ở khu vực này - sẽ đối mặt với những thách thức không nhỏ.

 

Thái độ của ông Obama đối với thế giới cũng như quan điểm của ông với khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã được thể hiện rõ trong bốn năm qua, là cơ sở cho sự can dự của Mỹ ở châu Á. Ông Obama thắng cử cũng có nghĩa là những chính sách của Mỹ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tiếp tục được thực hiện theo lộ trình đã định. Vẫn là một châu Á - Thái Bình Dương năng động và đầy biến động, là nơi sản xuất hàng hóa và dịch vụ lớn nhất thế giới, đồng thời cũng là nơi tiêu thụ lớn nhất những hàng hóa và dịch vụ này; vẫn là một tổng thống Mỹ da màu mang tên Obama nhưng có thể ông sẽ phải nỗ lực hơn nhiều để điều tiết quá trình thực hiện chiến lược của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương trong nhiệm kỳ tới. Có nhiều yếu tố buộc ông phải cân nhắc để quyết định nước Mỹ sẽ ở đâu trên bản đồ khu vực này.

 

Thứ nhất, nước Mỹ phải “mạnh vì gạo...”. Lịch sử cho thấy khi sức nặng kinh tế dịch chuyển, sức nặng chiến lược cũng dịch chuyển. Đó là lý do khiến châu Á - Thái Bình Dương có được sức hút lớn đến vậy đối với nhiều cường quốc, đặc biệt kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới bùng phát cuối năm 2008. Chân lý này sẽ khiến ông Obama phải cân nhắc khi vẫn muốn tăng cường ảnh hưởng ở châu Á trong bối cảnh kinh tế nước nhà trầy trật. Trước mắt, nếu không thỏa thuận được với những người Cộng hòa, lực lượng vẫn kiểm soát Hạ viện trong nhiệm kỳ hai, ông Obama sẽ không thể giúp nước Mỹ tránh được cú sốc kinh tế khi thâm hụt ngân sách giảm mạnh nhưng sức tăng trưởng kinh tế cũng giảm tới khoảng 4% trong năm 2013.

 

Tăng thuế và cắt giảm chi tiêu sẽ bắt đầu được thực hiện từ năm sau và kinh tế Mỹ vẫn còn nguy cơ suy thoái, ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Oasinhtơn không thể tiếp tục đầu tư về kinh tế và quân sự tại châu Á - Thái Bình Dương, nơi hoạt động trong các lĩnh vực này đang diễn ra rất nhộn nhịp. Đó là chưa kể tới nỗi lo Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2020, báo động sự chuyển dịch chiến lược mà Mỹ không hề mong muốn.

 

Thứ hai, Mỹ phải cân bằng quan hệ với Trung Quốc tại châu Á - Thái Bình Dương. Cuộc bầu cử vừa qua cho thấy nước Mỹ vẫn bị chia rẽ trong cách hành xử với Trung Quốc. Ứng cử viên của đảng Cộng hòa Mitt Romney đã sẵn sàng cho một cuộc chiến tiền tệ với Bắc Kinh, tạo ra nhiều nguy cơ lớn cho mối quan hệ song phương cũng như kinh tế toàn cầu. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Ông Obama luôn tìm cách phát triển quan hệ song phương với Trung Quốc. Chính sách của Obama không trực tiếp nhằm kiềm chế Trung Quốc, ông muốn hợp tác và có ý định làm mới sự hiện diện của Mỹ ở châu Á cũng như duy trì sự cân bằng lực lượng trong khu vực, ít nhất là khi chưa thể chắc chắn về cách hành xử của Trung Quốc tại khu vực này. Ở các nước châu Á - Thái Bình Dương mà Mỹ có quan hệ đồng minh, tất cả đều nhận được sự đầu tư từ Trung Quốc. Ít nhất Mỹ cũng phải duy trì được khả năng như vậy và cái khó là phải tìm được sự đồng thuận của đảng Cộng hòa.

 

Thứ ba, Mỹ phải duy trì được quan hệ đồng minh chủ chốt với Ôxtrâylia - đầu mối quan trọng tại châu Á - Thái Bình Dương. Có hai động thái của Ôxtrâylia gần đây đã ít nhiều khiến Oasinhtơn lo ngại. Một là chính quyền Công đảng của Thủ tướng Julia Gillard vừa cắt giảm chi tiêu quốc phòng, vừa bác bỏ lựa chọn của Mỹ đặt hạm đội tác chiến tại tây Ôxtrâylia. Hai là Ôxtrâylia đã dịch chuyển trọng tâm từ Mỹ sang châu Á, điều đó được thể hiện trong Sách trắng Thế kỷ châu Á vừa được bà Gillard công bố.

 

Có thể hiểu các động thái đó đang nói rằng đã đến lúc Mỹ phải đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ với Ôxtrâylia. Tất nhiên, các cố vấn của ông Obama đã mất nhiều thời gian nghiên cứu để nhận ra tầm quan trọng của Ôxtrâylia tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, vì vậy trước sau Ôxtrâylia vẫn là một đồng minh chủ chốt của Mỹ. Điều cơ bản là mối quan hệ đó đang thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh. Nếu Mỹ muốn sự thay đổi đó có lợi cho mình, họ phải kiểm soát được hoàn cảnh. Hiện Mỹ đang là nhà đầu tư lớn nhất ở "xứ sở chuột túi" và Oasinhtơn có động cơ để tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ với Ôxtrâylia trên con đường tiến vào châu Á.

 

Thứ tư, Mỹ cần tiếp tục coi chính sách ở châu Á - Thái Bình Dương là ưu tiên hàng đầu dù sẽ có những thay đổi. Sự xáo trộn trước hết là ở Mỹ khi Ngoại trưởng Hillary Clinton sẽ “nghỉ hưu” cùng với sự ra đi (hiện mới trong dự định) của một số nhà ngoại giao kỳ cựu thấu hiểu vấn đề châu Á. Các chính sách có thể bị điều chỉnh, ưu tiên châu Á có thể bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Trong khi đó, dù không mất thời gian tìm hiểu các chính sách và cách điều hành ở Mỹ, song ông Obama sẽ phải đầu tư thời gian để tìm hiểu những thay đổi ở Trung Quốc sau Đại hội Đảng lần thứ 18 của nước này. Ngoài ra, nhiều người Mỹ còn đang dự đoán về một sự thay đổi ở Ôxtrâylia trong cuộc bầu cử vào năm tới. Sự thay đổi đó hoàn toàn có thể ảnh hưởng tới quá trình can dự của Mỹ ở châu Á.

 

Nước Mỹ sẽ ở đâu trên bản đồ châu Á - Thái Bình Dương? Người Mỹ đã tin tưởng và muốn ông Obama tiếp tục đi tìm câu trả lời.

 

Đỗ Vân (P/v TTXVN tại Ôxtrâylia)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN