Lỡ 2 hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Trump có chấp nhận châu Á xích lại gần Trung Quốc?

Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không tham dự hai hội nghị thượng đỉnh quan trọng tổ chức tại châu Á vào tháng 11 năm nay, một động thái dấy lên quan ngại trong khu vực về cam kết và mức độ tin cậy của Mỹ trong vai trò như một đối trọng với Trung Quốc.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không tham dự hai hội nghị thượng đỉnh quan trọng tổ chức tại châu Á. Ảnh: Bloomberg

Nhà Trắng ngày 31/8 thông báo Phó Tổng thống Mike Pence sẽ tới Singapore dự Hội nghị thượng đỉnh giữa Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các đối tác, trước khi bay tới Papua New Guinea dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), với sự tham gia của lãnh đạo 21 nền kinh tế, trong đó có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Quyết định trên đã đóng lại một sân khấu tiềm năng để Tổng thống Trump gặp người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa hai nước đang ngày một leo thang.

Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo này vẫn có thể gặp mặt khi tham gia Hội nghị Thượng đỉnh các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) tổ chức tại Argentina vào cuối tháng 11.

Theo thời báo kinh tế Bloomberg, việc Tổng thống Trump liên tiếp vắng mặt tại châu Á rất có thể khiến nhiều lãnh đạo châu Á - những người trông chờ vào vai trò của Mỹ như một đối trọng với sức mạnh quân sự và kinh tế của Trung Quốc trong khu vực - lo lắng.

Trước đó, giới chức chính quyền Tổng thống Trump luôn lên tiếng thúc đẩy chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” mới nhằm đẩy mạnh sự cam kết của Mỹ đối với khu vực đầy tiềm năng phát triển này, đặc biệt là sau khi Tổng thống Trump quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và xét lại kinh phí duy trì liên minh an ninh với Nhật Bản và Hàn Quốc.

“Sự vắng mặt của ông ấy rõ ràng sẽ càng củng cố ấn tượng rằng Mỹ về cơ bản đã từ bỏ sự hiện diện truyền thống tại châu Á-Thái Bình Dương, chứ chưa nói đến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, Oh Ei Sun – cố vấn cấp cao các vấn đề quốc tế thuộc Học viện Lãnh đạo và Chiến lược châu Á ở Kuala Lumpur (Malaysia) nhận xét.

Trong khi đó, Conor Cronin – một chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, cho rằng: “Đây không phải là hành động khôn ngoan trong bối cảnh ông ấy muốn tìm cách thể hiện trước khu vực tầm quan trọng của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

Không có Tổng thống Trump, ông Tập Cận Bình sẽ có nhiều sân khấu hơn để đẩy mạnh các dự án phát triển và thương mại của Trung Quốc, trong đó nổi bật có sáng kiến “Vành đai, Con đường” đầy tham vọng. Chủ tịch Trung Quốc là nhà lãnh đạo đầu tiên xác nhận sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Port Moresby, Papua New Guinea.

“Hình tượng rất quan trọng. Trung Quốc từng giành lợi thế khi những người tiền nhiệm của Tổng thống Trump không tham dự các hội nghị”, nhà bình luận Gordon Chang nhận xét.

Năm 2007, cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush từng hứng chịu chỉ trích vì thay đổi kế hoạch tham dự một hội nghị với các nhà lãnh đạo ASEAN ở Singapore. Cựu Tổng thống Barack Obama cũng để lỡ hội nghị APEC tổ chức vào tháng 10/2013 tại Indonesia vì chính phủ liên bang đối mặt với khủng hoảng đóng cửa.

Sự vắng mặt của Tổng thống Obama năm đó là món quà cho Trung Quốc, khi quan chức nước này đã nắm bắt cơ hội để nhấn mạnh mối quan tâm trong khu vực. Viễn cảnh tương tự cũng sẽ xảy ra trong tháng 11 tới, khi các quan chức Trung Quốc dự kiến có mặt tại Port Moresby sẽ tăng cường quảng bá sáng kiến “Vành đai, Con đường”.

Collin Koh Swee Lean, chuyên gia nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho rằng những nỗ lực gần đây của các quan chức Mỹ trong khu vực sẽ giúp bù đắp cho sự vắng mặt của Tổng thống Trump. Cụ thể, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã công bố khoản kinh phí trị giá 300 triệu USD để đảm bảo an ninh cho Đông Nam Á tại một hội nghị của ASEAN hồi đầu tháng 8.

“Mỹ sẽ vẫn được mong đợi duy trì cam kết và gắn bó với khu vực. Các nước trong khu vực sẽ tiếp tục nỗ lực để duy trì sự hiện diện của Mỹ khi cái bóng của Trung Quốc đang phủ rộng sân sau”, ông Koh giải thích.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Không quân Nga bắt đầu chiến dịch dội bom lớn nhất trong năm, mở đường giải phóng Idlib
Không quân Nga bắt đầu chiến dịch dội bom lớn nhất trong năm, mở đường giải phóng Idlib

Không lực Nga đã bắt đầu chiến dịch oanh tạc bằng bom lớn nhất kể từ đầu năm 2018 xuống tỉnh Idlib, được cho là thành trì quan trọng cuối cùng của phiến quân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN