Khủng hoảng nợ công châu Âu: “Khối u” bắt đầu di căn? (Kỳ 6)

Ngày 21/11 vừa qua, Ailen lại tiếp bước Hy Lạp, trở thành nước thứ 2 trong Liên minh châu Âu (EU) không thể tự cứu lấy mình trong cơn khủng hoảng nợ công. Nhưng chiếc “vòi bạch tuộc nợ công” vẫn chưa dừng lại, tiếp tục hoành hành và dường như việc nó nhấn chìm thêm một số “con thuyền kinh tế” châu Âu chỉ còn là vấn đề thời gian. Bản “danh sách Schindler nợ công” vì thế có thể sẽ tiếp tục dài ra với những cái tên như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italia, Bỉ, qua đó đặt Eurozone nói riêng và EU nói chung trước những thách thức nghiêm trọng.

Kỳ 6: Lời cảnh tỉnh đối với châu Á

Với những gì diễn ra trên thị trường hiện nay, xem ra cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu đang đứng trước nguy cơ lan rộng, số nước Eurozone nộp đơn xin cứu trợ có thể không dừng lại ở con số 2 như hiện nay nữa. Trong bối cảnh thế giới vừa trải qua "cơn sóng thần tài chính" hay còn được gọi là "cuộc khủng hoảng thế kỷ", cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu được xem như đòn giáng mạnh vào sự hồi phục kinh tế toàn cầu. Tốc độ hồi phục kinh tế thế giới sẽ chậm lại.

Đặc biệt, châu Âu sẽ phải chứng kiến tình hình thất nghiệp và lạm phát tăng cao, đồng euro mất giá, tăng trưởng GDP giảm sút, làm thu nhập thực tế của người dân cũng như nhu cầu đối với hàng hóa nhập khẩu giảm mạnh, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của những nước và khu vực nhắm đến châu Âu. Ngoài ra, khủng hoảng nợ công châu Âu sẽ khiến đồng tiền tìm đến nơi trú ngụ an toàn, đặc biệt là kim loại quý như vàng, khiến tỉ trọng đầu tư của các danh mục khác như cổ phiếu, trái phiếu giảm xuống, làm cho việc thu hút vốn đầu tư của các nước trở nên khó khăn hơn.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng nợ công cũng mang đến cho người ta một sự an ủi, nói theo lời của Thủ tướng Đức Angela Merkel là "lục địa già" đã có được "sự đoàn kết chặt chẽ hơn một năm trước". Trong khó khăn, rõ ràng đoàn kết càng tỏ rõ vai trò quan trọng và người ta hy vọng khi tinh thần đoàn kết được tăng cường, châu Âu sẽ có thêm sức mạnh xử lý khủng hoảng mà trước mắt là khả năng phản ứng nhanh, dứt khoát và chính xác đối với các vấn đề liên quan; huy động thêm tài chính để sẵn sàng trong tình huống các "ông lớn" như Tây Ban Nha và Italia đệ đơn xin cứu trợ; đẩy lùi "cuộc tấn công mang tính cơ hội" đối với Eurozone. Đồng thời, cuộc khủng hoảng nợ công cũng khiến các chính trị gia châu Âu ngày càng tin rằng "lục địa già" không chỉ cần có một đồng tiền thống nhất, mà còn cần có tài chính thống nhất hoặc gần như thống nhất. Và đây cũng chính là lời cảnh tỉnh quan trọng đối với ý tưởng xây dựng đồng tiền chung châu Á.

Sau khi cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ bùng nổ ở châu Á vào năm 1997, châu Á bắt đầu tìm kiếm cơ chế hợp tác đồng tiền khu vực. Một số quan chức và học giả của Nhật Bản, Hàn Quốc… đã công khai nêu ra ý tưởng xây dựng đồng tiền châu Á, thậm chí còn đặt tên tiếng Anh cho đồng tiền này và lấy đồng euro làm tham chiếu. Hiện nay, Eurozone đang phải đối mặt với khó khăn, đương nhiên mọi người sẽ đặt câu hỏi rằng việc nhất thể hóa của châu Âu vận hành lâu như thế rồi mà tại sao vẫn nảy sinh vấn đề?

Phải thấy rằng cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu đã bộc lộ mâu thuẫn trong kết cấu nội tại của đồng euro - yêu cầu nhiều nền kinh tế có độ chênh lệch lớn sử dụng chung một đồng tiền và tuân thủ chung một tiêu chuẩn. Việc này, theo chuyên gia kinh tế Hồ Kim Lập của Trung Quốc, không khác gì việc bắt ông già và trẻ em chạy maratông cùng tốc độ với thanh niên. Khi ông già và trẻ em không bắt kịp bước chạy của thanh niên, vấn đề lập tức xuất hiện. Thực tế hiện nay đã chứng minh điều này.

Trong khi đó, dân số của châu Á đông gấp nhiều lần châu Âu, nội tình châu Á cũng phức tạp hơn nhiều châu Âu. Giữa các nước, các khu vực của châu Á có sự khác nhau một trời một vực về phương thức, trình độ và quan niệm phát triển. Thu nhập bình quân đầu người trên GDP của các nước châu Á cũng có sự chênh lệch rất lớn, từ vài trăm USD/năm đến vài chục nghìn USD/năm. Nếu nói rằng sự phát triển kinh tế của các nước châu Âu tới nay vẫn chưa thể đồng bộ thì hệ quả của việc để Nhật Bản, Hàn Quốc sử dụng chung một đồng tiền với Mianma, Campuchia, Lào… là có thể nhìn thấy.

Không ai có thể đảm bảo rằng khi chung một đồng tiền nhưng không có chính sách tài chính thống nhất, các quốc gia tham gia đồng tiền chung châu Á (trong trường hợp xây dựng được) sẽ luôn vì lợi ích chung của khu vực sử dụng đồng tiền châu Á. Xuất phát từ yêu cầu chính trị trong nước, chính sách tài chính của các nước thành viên đầu tiên vẫn sẽ phục vụ lợi ích quốc gia. Mâu thuẫn nội bộ trong khu vực sử dụng đồng tiền châu Á vì thế khó có thể tránh được. Đặc biệt, khi vấn đề nảy sinh, tranh cãi không ngừng nổ ra, rốt cuộc đã bỏ lỡ thời cơ. Trường hợp của Hy Lạp là một ví dụ điển hình. Phải mất hàng tháng các nước thuộc Eurozone mới thống nhất được với nhau cơ chế cứu trợ khi "con thuyền kinh tế" đã te tua trong "cơn bão nợ công" này.

Nói tóm lại, cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu cảnh tỉnh châu Á cần phải tính toán kĩ càng hơn trong việc xây dựng đồng tiền chung. Theo nhà nghiên cứu Tôn Kiệt ở Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị Thế giới thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, việc mà các nước châu Á thực sự nên làm hiện nay là nhất thể hóa và xây dựng tiêu chí giám sát quản lý thị trường tài chính. Ngoài việc thúc đẩy đa phương hóa Sáng kiến Chieng Mai (bắt đầu có hiệu lực từ ngày 24/3/2010), theo bà Trần Phượng Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Thế giới thuộc Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Hiện đại của Trung Quốc, một trọng điểm khác của việc hợp tác tài chính ở châu Á là phát triển thị trường trái phiếu. Bởi việc này sẽ thúc đẩy các quốc gia trong khu vực sử dụng dự trữ ngoại tệ để mua trái phiếu của khu vực, đầu tư phát triển kinh tế khu vực.

Hà Ngọc (P/v TTXVN tại Hồng Công)

Đón đọc kỳ cuối: Tác động không quá lớn tới Việt Nam

Khủng hoảng nợ công châu Âu: “Khối u” bắt đầu di căn? (Kỳ 4)

Cũng như người đứng đầu chính phủ Bồ Đào Nha, sau khi có thông tin “xứ sở bò tót” sẽ nối gót Ailen, Thủ tướng Tây Ban Nha Jose Luis Rodriguez Zapatero tuyên bố nước ông sẽ không xin cứu trợ tài chính.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN