Khủng hoảng lương thực toàn cầu gây nhiều tranh cãi

Tại Diễn đàn kinh tế quốc tế của châu Mỹ, được tổ chức ở Montreal (Cannađa) ngày 7/6, các chuyên gia đã tranh cãi về việc làm thế nào để ứng phó với cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, nguyên nhân gây ra các cuộc bạo loạn tại nhiều khu vực trên thế giới, đe dọa tới mạng sống của hàng triệu người dân. Các cuộc tranh luận này xoay quanh mâu thuẫn về các chính sách nông nghiệp cần thiết nhằm giải quyết nạn đói toàn cầu: Người dân thành phố cần giá lương thực rẻ hơn để tồn tại, trong khi người nông dân nghèo lại cần giá lương thực cao hơn để kiếm sống.

Khủng hoảng lương thực luôn là nguy cơ của nhân loại. Ảnh: Getty.

Tổng thư ký của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Angel Gurria nói: “Giá lương thực liên quan mật thiết đến sự sống và cái chết, đặc biệt là đối với người nghèo, những người chi tới 80 - 90% thu nhập của họ vào thực phẩm”. Ông Gurria cảnh báo rằng chính phủ các nước không nên “hoảng loạn và làm trầm trọng thêm” trước các lệnh cấm xuất khẩu lương thực, bởi việc hạn chế xuất khẩu sẽ tạo nên “sự tăng đột biến trong tương lai”. Ông nói thêm: “Các nước cần xem xét các biện pháp bóp méo sản xuất và thương mại, đồng thời ngăn chặn việc hàng hóa ồ ạt chạy từ nơi dư thừa tới những nơi bị thiếu hụt. Hãy để hàng hóa được lưu thông tự nhiên. Hãy để thị trường tự quyết định nó sẽ biến động theo cách nào”. Theo ông, nông dân ở các nước phát triển có kiến thức, công nghệ và môi trường kinh doanh thuận lợi hơn để mở rộng hoạt động sản xuất, trong khi nông dân tại các nước nghèo lại gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thị trường.

Các chuyên gia kinh tế thuộc OECD cho rằng các nước đang phát triển cần cải thiện cơ sở hạ tầng và đảm bảo có một hệ thống quản lý tốt nhằm thu hút đầu tư từ các nước phát triển.

Trong khi đó, John Baffes, chuyên gia kinh tế thuộc Ngân hàng Thế giới (WB), cho hay các hiện tượng thời tiết bất thường, chi phí năng lượng tăng cao, đồng USD suy yếu, trong khi nhu cầu thực phẩm dành cho việc sản xuất nhiên liệu sinh học lại tăng mạnh, tất cả đã kết hợp và tạo thành một “cơn bão kinh hoàng”, đổ ập lên hoạt động sản xuất lương thực thế giới, khiến giá lương thực tăng vọt trong suốt thập kỷ qua. Ông Baffes cũng cảnh báo rằng các nước cần chấm dứt việc coi hạn chế xuất khẩu như một cách để quản lý tình trạng thiếu lương thực.

Tuy nhiên, một trong những chuyên gia nông nghiệp có uy tín nhất của Pháp, Marcel Mazoyer, lại cho rằng tác động mạnh tới thị trường là cách duy nhất để giải quyết khủng hoảng lương thực. Theo ông Mazoyer, cố gắng tối đa hóa lợi nhuận trong ngắn hạn sẽ càng đẩy nhiều người vào cảnh nghèo đói. Ông nói: “Hiện có khoảng 3 tỷ người bị thiếu lương thực nghiêm trọng, 2 tỷ người bị các bệnh liên quan đến suy dinh dưỡng và trong năm 2010, mỗi ngày có tới 925 triệu người trên thế giới bị đói”. Ông Mazoyer cho hay tình trạng nghèo đói toàn cầu phần lớn diễn ra tại các vùng nông thôn. Trong khoảng 1,4 tỷ nông dân nghèo trên thế giới, rất ít người có máy kéo, hầu hết họ phải lao động với những công cụ đã lỗi thời như cuốc, cày... Ông cho rằng việc giá nông sản ở mức thấp như trước kia cũng là một vấn đề, bởi đó là nguyên nhân chính khiến hàng trăm triệu nông dân trên thế giới không thể trang bị những công cụ sản xuất tiên tiến hơn trong nhiều thập kỷ qua. Ông Mazoyer nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải đầu tư mạnh vào các thiết bị sản xuất cho nông dân, đồng thời phải để giá nông sản ở mức mà họ đủ kiếm sống chứ không phải giá thị trường”.

KTHN

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN