Cuộc chiến ngầm của Israel nhằm phá hoại thỏa thuận hạt nhân Iran

Các nhà phân tích nhận định các thành phần theo đường lối cứng rắn ở Israel sẽ tiếp tục đóng vai trò hàng đầu trong tổng thể nỗ lực nhằm ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Israel B. Netanyahu (phải) và ông Benny Gantz năm 2013. Ảnh: AP

Theo kênh Aljazeera, Tổng thống Mỹ Joe Biden đang thúc đẩy khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran và vài tuần đàm phán vừa qua ở Áo dường như đang có kết quả.

Tuy nhiên, Israel tiếp tục coi thỏa thuận hạt nhân Iran là nhân tố tiềm tàng đe dọa an ninh của mình và đang tìm cách làm hỏng đàm phán hạt nhân bằng cách nào cũng được.

Giám đốc cơ quan tình báo Mossad của Israel, ông Yossi Cohen, đã gặp Tổng thống Biden ngày 30/4, thúc giục ông không ký lại thỏa thuận hạt nhân Iran trừ khi có tiến triển. Ông Biden nói với ông Cohen rằng Mỹ chưa tiến gần tới giai đoạn quay lại thỏa thuận hạt nhân.

Sự phản đối của Israel với thỏa thuận hạt nhân Iran không chỉ thể hiện qua lời nói. Iran cáo buộc Israel sát hại nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của mình và phá hoại cơ sở hạt nhân Natanz quan trọng trong một loạt vụ tấn công. Israel không bác bỏ cũng không xác nhận các cáo buộc ấy.

Hồi tháng 3, Bộ trưởng Quốc phòng Israel, ông Benny Gantz cho biết Israel đã lên kế hoạch tấn công các mục tiêu của Iran nếu nước này tiếp tục leo thang các hoạt động hạt nhân.

Ông Simon Mabon, Giáo sư chính trị quốc tế tại Đại học Lancaster, nhận định rằng trong Israel, đặc biệt là trong chính phủ, các nhân tố “diều hâu” sẽ tiếp tục đóng vai trò hàng đầu trong phá hoại chương trình hạt nhân Iran. Ông Mabon nói: “Nhưng người ủng hộ quan điểm của Thủ tướng Benjamin Netanyahu về chế độ Iran tin rằng không thể ngăn chặn Iran thông qua hình thức răn đe truyền thống và cần phải tấn công quân sự”.

Ông Yaniv Voller, giảng viên cấp cao về chính trị Trung Đông tại Đại học Kent, cho rằng Israel có thể tiếp tục đẩy mạnh chống phá chương trình hạt nhân Iran, thường được gọi là “cuộc chiến ngầm”, nhất là trong bối cảnh có các diễn biến tích cực trong đàm phán ở Vienna. Tuy nhiên, hai bên khó xảy ra chiến tranh toàn diện. Nguy cơ có thể xảy ra là xung đột giữa các lực lượng ủy nhiệm của Israel và Iran trong khu vực.

Ông Voller nhận định: “Tình hình hiện nay có thể giống mùa hè năm 2006, nhưng tiềm tàng nhiều nguy cơ hơn. Không bên nào muốn leo thang tình hình hiện nay, nhưng xung đột đôi khi có thể gia tăng”.

Dù vậy, lịch sử cho thấy Israel có thể thực hiện tấn công phủ đầu để tự bảo vệ mình và không thể loại trừ động thái này nếu các bên ở Vienna hoàn thành đàm phán về thỏa thuận hạt nhân mới. Ông Voller nói: “Có nhưng người ở Israel kêu gọi tấn công phủ đầu. Tuy nhiên, cũng có những tiếng nói ít ảnh hưởng hơn chỉ ra rủi ro và thách thức của việc tấn công phủ đầu”.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu tại Jerusalem ngày 13/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Những sự cố mới nhất cho thấy lựa chọn của Israel trong nhằm vào chương trình hạt nhân Iran có diện bao phủ rộng hơn nhiều so với chỉ tấn công phủ đầu đơn thuần. Một số hành động đã gây ra thiệt hại đáng kể cho chương trình hạt nhân Iran. Do đó, với Israel, tấn công phủ đầu không nhất thiết là lựa chọn khả thi duy nhất để trì hoãn chương trình hạt nhân Iran.

Sau 12 năm đàm phán, Mỹ, Anh, Trung Quốc, Nga, Pháp và Đức đã thông qua Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) năm 2015 để giám sát, hạn chế chương trình hạt nhân Iran. Đổi lại, Mỹ, Liên minh châu Âu và Liên hợp quốc dần dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế chống Iran.

Thủ tướng Israel phản đối thỏa thuận này ngay từ đầu, công kích không chỉ thỏa thuận này mà còn cả cựu Tổng thống Barack Obama. Tuy nhiên, ngoài việc làm mất lòng nhiều nghị sĩ Dân chủ Mỹ và ông Obama, ông Netanyahu không đạt được mục tiêu. Ngày 2/4/2015, các bên đã thông qua JCPOA. Theo đó, chương trình hạt nhân Iran sẽ được thanh ta tới năm 2025.

Ông Obama gọi JCPOA là thỏa thuận lịch sử, còn ông Netanyahu gọi đó là sai lầm. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi ông Netanyahu ca ngợi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân thời Tổng thống Donald Trump năm 2018. Thế nhưng, khi ông Biden trở thành tổng thống Mỹ, JCPOA lại được đem ra đàm phán.

Nhà phân tích Voller nhận định: “Như mọi bên liên quan, dường như Mỹ chủ yếu muốn câu giờ, với hy vọng trì hoãn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân đủ lâu để xảy ra thay đổi chế độ Iran. Đa số người ở Washington không muốn thấy Iran thành cường quốc hạt nhân, lo điều này có thể kích hoạt chạy đua vũ trang hạt nhân ở Trung Đông”.

Chú thích ảnh
Một khu vực bị hư hỏng sau khi xảy ra hỏa hoạn tại nhà máy Natanz của Iran tháng 7/2020. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, Mỹ giờ đây định khôi phục lại JCPOA khiến Israel không hài lòng. Israel tiếp tục phản đối, khiến dư luận đặt ra câu hỏi liệu JCPOA có thực sự là mối đe dọa an ninh với Israel hay chỉ được nhà lãnh đạo này tận dụng làm chiêu bài chính trị.

Theo ông Mabon, câu hỏi này khó đánh giá và chủ đề này ở Israel có thể phức tạp hơn nhiều.

Với Israel, nước này luôn tự hỏi tại sao Iran – nước có trữ lượng dầu mỏ lớn thứ tư thế giới và trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn thứ hai thế giới – lại quá tập trung vào chương trình hạt nhân dân dự để đảm bảo năng lượng cho đất nước. Israel không tin Iran chỉ dùng chương trình hạt nhân cho mục đích năng lượng mà cho rằng Iran sẽ tiếp tục cố gắng chế tạo vũ khí hạt nhân.

Do đó, khác với Mỹ, Israel không thể chỉ câu giờ và chờ thay đổi chế độ ở Iran. Các nhà phân tích cho rằng Mỹ không thể phớt lờ quan điểm của Israel trong vấn đề hạt nhân Iran.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Mỹ nói có thể đạt thỏa thuận hạt nhân với Iran trong ‘vài tuần tới’
Mỹ nói có thể đạt thỏa thuận hạt nhân với Iran trong ‘vài tuần tới’

Mỹ và Iran có đạt được đồng thuận về khôi phục thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015, tờ New York Times ngày 6/5 dẫn lời một quan chức ngoại giao cấp cao Mỹ cho biết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN