Australia vật lộn với làn sóng lây nhiễm dịch COVID-19 thứ hai

Bang Victoria, Đông Nam Australia đã ghi nhận thêm 165 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong ngày 9/7, ngày đầu tiên tái áp dụng lệnh phong tỏa trong vòng 6 tuần tại thành phố Melbourne và khu vực Mitchell Shire, nhằm đối phó với làn sóng thứ hai của đại dịch.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế làm nhiệm vụ tại một điểm xét nghiệm COVID-19 tại thành phố Melbourne, bang Victoria, Australia ngày 2/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Số ca mắc mới trên đã nâng tổng số bệnh nhân ở bang đông dân thứ hai ở Australia lên 3.098 người, trong đó có 477 ca được cho là lây nhiễm trong cộng đồng. Diễn biến này không chỉ đe dọa "đảo ngược" những kết quả chống dịch khả quan mà Australia đạt được trước đó, mà còn cản trở tốc độ và hướng phục hồi kinh tế trên cả nước trong thời gian tới.

Thủ hiến bang Victoria Daniel Andrews đã tuyên bố áp dụng lệnh phong tỏa trên từ nửa đêm 8/7 trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 mới hằng ngày ở bang liên tục tăng ở mức 2 con số trong vài tuần qua, với mức kỷ lục 191 ca vào ngày 7/7, chủ yếu do lây nhiễm trong cộng đồng.

Thủ hiến Andrews nói đây là số ca nhiễm cao “không thể chấp nhận được” và ông không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thực hiện biện pháp khó khăn trên, dù trước đó, Chính phủ liên bang Australia đã tăng cường trên 1.000 binh lính hỗ trợ bang Victoria từ cuối tháng 6, và ngày 1/7, nhà chức trách bang đã tiến hành phong tỏa hơn 30 khu vực ngoại ô phía Bắc thành phố Melbourne trong vòng 1 tháng, song xu hướng tăng số ca lây nhiễm vẫn tiếp diễn.  

Tuy nhiên, biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhất lần này là đóng cửa vô thời hạn biên giới giữa hai bang Victoria và New South Wales, một sự kiện chưa từng có trong 100 năm qua. Đây là hai bang đóng góp tới hơn một nửa sản lượng kinh tế và dân số của Australia. Lực lượng cảnh sát và quân đội sẽ túc trực tại các cửa khẩu và tuần tra dọc biên giới. Những người có nhu cầu đi qua biên giới hai bang cần phải có giấy phép đặc biệt, trong khi các cư dân bang New South Wales trở về từ Victoria từ ngày 8/7 sẽ phải tự cách ly tại nhà trong 14 ngày.

Giữa tháng 6, sau khi Australia đạt được những kết quả tích cực trong việc kiểm soát đại dịch, chính phủ liên bang đã tiếp tục công bố kế hoạch nới lỏng các hạn chế giãn cách xã hội cho giai đoạn mới. Tuy nhiên, trong khi hầu hết các địa phương khác đang dần trở lại nhịp sống bình thường, từ đầu tháng Bảy, chính quyền bang Victoria đã phải liên tiếp đưa ra các biện pháp kiểm soát tình trạng gia tăng đột biến các ca mắc COVID-19 mới. 

Ngày 4/7, lệnh giới nghiêm đã được áp dụng đối với khoảng 3.000 cư dân sống tại 9 tòa nhà chung cư sau khi hàng chục ca nhiễm bệnh được phát hiện ở đây. Các cư dân không được phép ra khỏi nhà dù trong bất kỳ trường hợp nào trong 5 ngày để các nhân viên y tế đến lấy mẫu xét nghiệm từng người một. Cho đến ngày 9/7, đã có nhất 159 ca nhiễm được xác nhận tại đây. 

Trước đó, ngày 1/7, lệnh phong tỏa giai đoạn 3 cũng đã được áp dụng đối với khoảng 300.000 cư dân tại hơn 30 khu vực ở thành phố Melbourne, nơi nhiều ổ dịch được phát hiện, trước khi được mở rộng ra khắp thành phố. Điều đáng lo ngại nhất trong đợt bùng phát dịch lần này ở bang Victoria là tỷ lệ lây nhiễm trong cộng đồng rất cao, lên tới 90%, gây ra những thách thức to lớn cho việc kiểm soát bệnh dịch. Trước đó vài tháng, hầu hết các ca nhiễm COVID-19 ở Australia xuất phát từ công dân hồi hương từ nước ngoài và những người tiếp xúc trực tiếp với họ.

Theo các chuyên gia y tế Australia, những lỏng lẻo trong công tác quản lý, cách ly công dân hồi hương, sự lơ là, mất cảnh giác của người dân trong thực hiện giãn cách xã hội, thậm chí rất nhiều người từ chối không chịu xét nghiệm..., là những nguyên nhân chính khiến virus SARS-CoV-2 lây lan ra khắp cộng đồng mà không được kiểm soát kịp thời ở bang Victoria. 

Để đối phó với tình hình dịch bệnh trên, song song với việc tái áp dụng biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt và tăng cường giám sát việc tuân thủ, chính quyền bang Victoria đã triển khai việc xét nghiệm rộng rãi tại tất cả các khu vực bị ảnh hưởng, yêu cầu người dân sống tại các ổ dịch đi xét nghiệm sớm, cho dù có hay không có triệu chứng, và cảnh báo sẽ phạt những ai từ chối xét nghiệm. Victoria cũng là bang đầu tiên ở Australia sử dụng mẫu nước bọt để xét nghiệm COVID-19.

Giám đốc Y tế bang Victoria Brett Sutton ngày 9/7 bày tỏ hy vọng làn sóng dịch bệnh lần này sẽ sớm đạt đỉnh và số ca mắc COVID-19 sẽ giảm nhờ các biện pháp xử lý quyết liệt trên.

Kể từ khi làn sóng COVID-19 thứ hai xuất hiện tại bang Victoria, Chính phủ liên bang Australia luôn theo sát tình hình và cung cấp các hỗ trợ cần thiết. Cho đến nay, chính quyền liên bang đã cử khoảng 600 binh sĩ tới bang Victoria để hỗ trợ bang này tuần tra khu vực biên giới và tham gia vào các hoạt động y tế cần thiết khác. Bên cạnh đó, trên 900 nhân viên y tế liên bang và các bang khác cũng đang giúp chính quyền bang Victoria trong công tác lấy mẫu và thực hiện các xét nghiệm.

Thủ tướng Australia Scott Morrision khẳng định chính quyền liên bang coi đây là công việc chung của Australia và sẽ hỗ trợ để cùng với bang Victoria chiến thắng dịch bệnh. Ông cũng kêu gọi người dân Australia cảnh giác để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch, tránh tái diễn tình trạng của Victoria tại các địa phương khác trên đất nước.

Tuy nhiên, việc bang Victoria phải tái áp đặt lệnh phong tỏa, cũng như việc đóng cửa biên giới hai bang đông dân nhất của Australia, được cho sẽ "giáng đòn mạnh" vào quá trình phục hồi kinh tế của quốc gia châu Đại Dương, trong bối cảnh nước này đang đứng trước nguy cơ rơi vào cuộc suy thoái đầu tiên trong gần 3 thập niên. Bộ trưởng Ngân khố Australia Josh Frydenberg nhận định nền kinh tế Australia sẽ thiệt hại tới 1 tỷ AUD (694,8 triệu USD) mỗi tuần do những diễn biến trên, từ đó tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp. 

Bên cạnh đó, làn sóng dịch COVID-19 thứ hai này cũng khiến kế hoạch đưa sinh viên quốc tế trở lại Australia để kịp nhập học vào học kỳ 2/2020 (thường bắt đầu vào tháng 7 hằng năm) bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí là có khả năng tạm hoãn vô thời hạn. Doanh thu của các trường đại học Australia đang ngày càng phụ thuộc vào sinh viên quốc tế và việc nhóm đối tượng này không thể đến Australia sẽ khiến các lĩnh vực kinh tế liên quan như kinh doanh nhà cho thuê, ăn uống, du lịch và nhiều ngành dịch vụ khác thiệt hại lên đến 38 tỷ AUD (28 tỷ USD) trong 3 năm tới.

Sau khi đại dịch bùng phát vào tháng 2, số lượng sinh viên quốc tế tại Australia liên tục sụt giảm, khoảng 61.400 người, chiếm 41% tổng số sinh viên quốc tế so với cùng kỳ năm trước. Đến tháng ba, xu hướng này tiếp tục tăng thêm 10% và cho tới tháng 4, chỉ có 30 sinh viên quốc tế nhập cảnh vào Australia, so với con số 46.480 sinh viên cùng kỳ năm ngoái. Điều đó gây thiệt hại nghiêm trọng bởi giáo dục từ lâu là một ngành mang lại nguồn thu khổng lồ cho các trường đại học cũng như cả nền kinh tế Australia, khoảng 39 tỷ AUD trong năm 2019. Theo nghiên cứu của Đại học Victoria, các trường đại học của Australia sẽ thiệt hại từ 10 đến 19 tỷ AUD (tương đương 6,8 - 12,9 tỷ USD) tùy thuộc vào thời điểm nước này mở cửa biên giới cho sinh viên quốc tế.

Trước khi xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ hai ở bang Victoria, Australia được coi là một trong số các quốc gia nổi bật toàn cầu trong việc khống chế sự lây lan của dịch COVID-19 nhờ áp dụng các biện pháp mạnh như đóng cửa biên giới quốc gia, cách ly người từ nước ngoài về, các biện pháp giãn cách xã hội, xét nghiệm rộng rãi và tích cực truy dấu.

Sự gia tăng đột biến các ca nhiễm bệnh lần này ở Australia cho thấy, để đánh bại hoàn toàn COVID-19 là một chặng đường dài và đặc biệt gian nan, trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới và chưa có vaccine phòng ngừa hiệu quả.

Nguyễn Minh (PV TTXVN tại Australia)
Kinh tế Australia đối mặt với khó khăn do biện pháp phong tỏa mới
Kinh tế Australia đối mặt với khó khăn do biện pháp phong tỏa mới

Ngày 8/7, Bộ trưởng Ngân khố Australia Josh Frydenberg nhận định việc bang Victoria áp đặt lại lệnh phong tỏa là một "trở ngại" đối với sự phục hồi kinh tế của nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN