07:12 13/07/2016

Phán quyết của PCA mang tính bước ngoặt

Hầu hết các chuyên gia quốc tế ca ngợi phán quyết của PCA, trong khi một số học giả Trung cảnh báo rằng phán quyết có nguy cơ làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông.

Thượng nghị sĩ Mỹ Dan Sullivan phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thanh Tuấn - P/v TTXVN tại Mỹ.

Vấn đề xoay quanh phán quyết của Toà Trọng tài Thường trực (PCA) có trụ sở tại La Haye (Hà Lan), liên quan vụ Philippines kiện các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, là chủ đề xuyên suốt cả 4 phiên thảo luận tại Hội thảo Biển Đông thường niên lần thứ 6 diễn ra tại trụ sở Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington (Mỹ) tối 12/7 theo giờ Việt Nam (sáng 12/7 theo giờ Mỹ ).

Trong bài phát biểu mở đầu cuộc hội thảo, Thượng nghị sĩ Dan Sullivan thuộc Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ đã hoan nghênh phán quyết của PCA, đồng thời nhận định đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với tất cả các bên tranh chấp ở Biển Đông. Ông Sullivan hối thúc Trung Quốc thể hiện là một bên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế và tuân thủ phán quyết của tòa. Theo ông, Mỹ cũng cần tiếp tục khẳng định vai trò trong việc duy trì hòa bình và ổn định tại Biển Đông, coi đây là lợi ích quốc gia cốt lõi của nước này.

Ông Greg Poling, Giám Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc CSIS, đánh giá phán quyết của PCA là một sự khích lệ đối với nỗ lực giải quyết các tranh chấp hàng hải bằng biện pháp hòa bình và thông qua các cơ chế trọng tài quốc tế. Theo ông Poling, vấn đề đặt ra sau phán quyết là phản ứng của Trung Quốc sẽ như thế nào. Trong bài diễn văn đáng chú ý tại cuộc hội thảo, Giám đốc cấp cao phụ trách châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Daniel Kritenbrink tuyên bố Washington ủng hộ các cơ chế giải quyết tranh chấp bằng biện pháp ngoại giao và hòa bình, trong đó có cơ chế trọng tài PCA, đồng thời hối thúc Trung Quốc tuân thủ phán quyết.

Các diễn giả tham dự hội thảo. Ảnh: Thanh Tuấn - P/v TTXVN tại Mỹ

Tại hội thảo, hầu hết các chuyên gia-học giả quốc tế ca ngợi phán quyết của PCA, trong khi một số học giả Trung Quốc dù có những phát biểu mềm mỏng hơn song vẫn cảnh báo rằng phán quyết có nguy cơ làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông. Nhìn chung, các học giả đánh giá phán quyết này có ý nghĩa bước ngoặt đối với việc giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông. Bên cạnh đó, các chuyên gia-học giả một lần nữa cho rằng các hoạt động quân sự hóa thời gian qua đang làm thay đổi nguyên trạng và hủy hoại môi trường tại Biển Đông. Ông John McManus, Giáo sư Sinh học biển và nghề cá tại Đại học Miami, hối thúc thành lập công viên hải dương ở Biển Đông để bảo vệ hệ sinh thái của vùng biển này.

Đại diện của Việt Nam tham dự cuộc hội thảo năm nay, PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng, quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao, đánh giá tình hình Biển Đông trong năm 2016 vẫn đáng lo ngại. Theo ông, các bên liên quan cần phải căn cứ vào phán quyết của PCA để xây dựng chính sách tại Biển Đông trong thời gian tới.

Hội thảo Biển Đông thường niên năm 2016 được dư luận đặc biệt quan tâm vì sự kiện này diễn ra chỉ vài giờ đồng hồ sau khi PCA ra phán quyết về vụ Philippines kiện các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, trong đó khẳng định yêu sách của Trung Quốc về "các quyền lịch sử" đối với các vùng biển nằm trong "đường 9 đoạn" là trái với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS). Trung Quốc không có "tư cách lịch sử" đối với các vùng biển ở Biển Đông và không có cơ sở pháp lý để đưa ra những tuyên bố về "các quyền lịch sử" đối với những nguồn tài nguyên trong "đường 9 đoạn".

Thanh Tuấn (P/v TTXVN đưa tin từ Washington D.C)