04:11 21/04/2014

Phần nổi của tảng băng chìm

Khủng hoảng Ukraine đã đặt ra nhiều vấn đề đối với EU. Đầu tiên là cách thức EU sẽ tiếp cận với khu vực phía Đông như thế nào. Thứ hai, cuộc khủng hoảng có thể tạo sự thống nhất trong khối. Cuối cùng, nó làm nổ ra một cuộc tranh luận về những gì châu lục này phải làm để duy trì an ninh.

Trong khi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang mất dần lý do để tồn tại, cuộc khủng hoảng Ukraine đã mang đến cho Liên minh châu Âu (EU) một triển vọng mới, tạo ra một cơ hội cho khối này có trách nhiệm hơn về an ninh của mình.

Điều này đòi hỏi 3 "ông lớn” (Pháp, Đức và Anh) nhận ra việc họ phải thuyết phục các đối tác của mình rằng, an ninh châu Âu là một nhiệm vụ cốt lõi của liên minh này. Để làm như vậy, họ cần phải đánh giá và hành động theo thực tế là những mối quan ngại ở bên trong của khối (cũng là trung tâm an ninh của châu Âu) giống như những mối quan ngại bên ngoài liên minh.

Rõ ràng, cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã đặt ra nhiều vấn đề đối với EU. Đầu tiên, đó là cách thức họ sẽ tiếp cận trong xây dựng mối quan hệ với khu vực phía Đông như thế nào. Thứ hai, khủng hoảng có thể cung cấp một cơ hội để tạo sự thống nhất trong khối. Cuối cùng, nó làm nổ ra một cuộc tranh luận chiến lược về những gì châu lục này phải làm để duy trì an ninh của họ.

Cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay có cứu nổi NATO?Ảnh: Reuters


Ukraine là nhân tố chủ yếu cho một vấn đề rộng lớn hơn về cách người châu Âu tiếp cận khu vực phía Đông của họ. Ryan Evans, người đứng đầu Trung Tâm National Interest nhận định, có thể Ukraine chỉ đơn giản là một con bài “mặc cả” trong một thỏa thuận giữa Mỹ và Nga. Một sự thỏa hiệp như vậy có thể liên quan đến việc ủng hộ sự sáp nhập Crimea vào Nga như một sự đã rồi hoặc hứa hẹn NATO không kết nạp Ukraine như một cách để trấn an Nga.

Giờ đây, châu Âu đang phải đối mặt với một sự lựa chọn về vấn đề Ukraine. Hoặc liên minh này tránh xa khu vực phía Đông để tránh một sự leo thang xung đột tiềm năng với Nga, hoặc có thể khẳng định sự sẵn sàng của mình để tăng cường hợp tác chính trị và kinh tế với khu vực này. Cho đến nay, xu hướng hợp tác về kinh tế đang chi phối mối quan hệ giữa EU và một số quốc gia thuộc phía Đông của châu Âu. Hiệp định mà liên minh này đàm phán với Ukraine và một số đối tác khác chủ yếu là vấn đề thương mại "có định hướng". Lĩnh vực hợp tác về chính trị là rất hạn chế do sự nhạy cảm liên quan đến Nga.

Ngoài ra, cuộc khủng hoảng Ukraine cho thấy rằng châu Âu cần phải xác định rõ ràng mối quan hệ với Nga trong tương lai. Hiện châu Âu đang bị chia rẽ khá lớn và chủ yếu thành 2 phe về vấn đề này. Một mặt, một số quốc gia thuộc EU - đặc biệt là ở các khu vực Bắc Âu và vùng Baltic cũng như một số nước ở Visegrad – nghi ngờ về ý định của của Nga. Quan điểm này bị thúc đẩy bởi mối liên quan về chính trị, địa lý bắt nguồn từ lịch sử với Moskva. Trong vài tuần qua đã xuất hiện nhiều bằng chứng cho thấy việc bình thường hóa với Nga không xóa hết sự nghi ngờ đối với người hàng xóm khổng lồ phía đông của họ.

Mặt khác, một số nước trong khối lại có lợi ích kinh tế gắn bó rất chặt chẽ với Moskva và không muốn gây nguy hiểm cho mối quan hệ này trong thời gian dài. 3 "ông lớn" và Italy rơi vào thể loại này. Họ tố cáo hành động của Nga tại Crimea, đồng thời nhận ra rằng mối ràng buộc trên có thể gây ra thiệt hại đối với chính mình.

Sự chia rẽ ở châu Âu cũng có thể nhìn thấy trong NATO. Hội nghị Bộ trưởng của khối này mới đây mặc dù tuyên bố đình chỉ tất cả các lĩnh vực "hợp tác dân sự và quân sự thực tế", nhưng cũng nói rằng "đối thoại chính trị trong Hội đồng Nga-NATO có thể tiếp tục, khi cần thiết, ở cấp đại sứ và cao hơn". Cựu Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen nói rằng tình hình tại Ukraine có thể dẫn đến "một sự thay đổi cuộc chơi", nhưng đây không phải là một thực tế hiện nay và cũng không phải là chắc chắn trong tương lai.

Trong EU, các nước thành viên cũng có những phản ứng khác nhau. Có dấu hiệu cho thấy các nước thành viên châu Âu  sẵn sàng thể hiện sự đoàn kết hơn trong mối quan hệ với Nga. Họ muốn giảm sự phụ thuộc năng lượng vào Moskva và tăng cường an ninh của họ. Họ cũng đã quyết định rằng Ủy ban châu Âu, như một đại diện của tất cả các quốc gia thành viên, sẽ soạn thảo một tuyên bố chung để đáp trả thư của Tổng thống Nga Putin gửi tới 18 quốc gia về vấn đề nợ mua khí đốt của Ukraine (13 trong số này là thành viên của EU). Tuy nhiên, đến giờ vấn chưa có một tuyên bố chính thức nào từ liên minh này được đưa ra.

Các sự kiện gần đây ở Ukraine có thể có tác động mạnh mẽ đến sự cân bằng giữa trong và ngoài EU tại châu Âu. Thực tế đã mở đường cho một giải pháp nhằm củng cố an ninh của liên minh này và Mỹ vẫn đóng vai trò quan trọng trong đó. Tổng thống Mỹ Barack Obama và các lãnh đạo Châu Âu, đã tuyên bố tăng cường hợp tác bên trong NATO. Cụ thể, mới đây nhất, NATO đã triển khai một đơn vị phản ứng nhanh của hải quân tới biển Baltic, nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của các đồng minh tại Đông Âu trước cuộc khủng hoảng đang leo thang ở Ukraine. Tuy nhiên, trong bối cảnh Mỹ giảm mạnh ngân sách quốc phòng, kinh tế Châu Âu liên tục trì trệ, NATO rõ ràng là không còn có đủ phương tiện để đảm trách vai trò của mình.


CT
(I.S.S)