02:16 14/02/2012

Phần lớn thuốc gốc phải nhập khẩu

Ngày 14/2, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo”Đánh giá kết quả hợp tác giữa Bộ Y tế- WHO-UNIDO về đẩy mạnh sản xuất dược phẩm tại Việt Nam” với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ Y tế, một số bộ, ngành, viện liên quan và các tổ chức quốc tế, quốc gia.

Ngày 14/2, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo”Đánh giá kết quả hợp tác giữa Bộ Y tế- WHO-UNIDO về đẩy mạnh sản xuất dược phẩm tại Việt Nam” với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ Y tế, một số bộ, ngành, viện liên quan và các tổ chức quốc tế, quốc gia.


Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế nêu rõ: từ một nước có nền công nghiệp dược khiêm tốn, đến nay, Việt Nam đã sản xuất được hầu hết các hoạt chất trong danh mục thuốc thiết yếu, bao gồm nhóm tác dụng dược lý theo phân loại của WHO. Về cơ bản, thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng đủ nhu cầu về thuốc phòng chữa bệnh cho nhân dân. Thứ trưởng cho biết, Việt Nam đã tự sản xuất được tất cả các loại vắc xin phục vụ chương trình tiêm chủng mở rộng, đồng thời khẳng định: Đầu tư phát triển ngành công nghiệp dược trong nước là mục tiêu xuyên suốt trong các chính sách phát triển của Chính phủ Việt Nam .

Theo Thứ trưởng, để đến năm 2020 đáp ứng 70% nhu cầu sử dụng thuốc trong nước và 80% vào năm 2020, trong đó thuốc dược liệu chiếm 40% vào năm 2020, đòi hỏi ngành dược Việt Nam phải nỗ lực để hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật và chính sách về lĩnh vực quản lý dược theo từng bước phù hợp khu vực và thế giới; sắp xếp lại hệ thống sản xuất, định hướng và cơ cấu lại việc sản xuất các nhóm sản phẩm, cơ cấu lại hệ thống phân phối... 




Dây chuyền sản xuất thảo dược tại công ty TNHH Nam Dược, tỉnh Nam Định. Ảnh: Danh Lam – TTXVN



Theo nghiên cứu khảo sát về mô hình cơ cấu bệnh tật của Việt Nam đến nay có nhiều thay đổi, bệnh không lây nhiễm gây ra một tỷ lệ tử vong sớm, chiếm 56%; kế tiếp là bệnh truyền nhiễm chiếm 29% và thương tật chiếm tới 15%. Ước tính thị trường dược, tăng trưởng hàng năm từ 17-20% và đến năm 2014 đạt 3,56 tỷ USD. Cũng theo kết quả nghiên cứu đánh giá thuốc gốc (genneric medicines) chiếm một phần lớn thị trường là 49,2%, kế tiếp là thuốc không kê đơn (OTC) là 27,3% và thuốc có bản quyền (patented drugs) là 23,41%. Tuy nhiên, phần lớn thuốc gốc tại Việt Nam vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài trong khi nguồn dược liệu rất phong phú, đa dạng chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức.


Nhật Minh