04:05 17/04/2014

Phân khúc nhà bình dân chuyển động tích cực

Báo cáo về thị trường bất động sản (BĐS) trong quý I của Bộ Xây dựng và báo cáo của các công ty chuyên phân tích thị trường như CBRE, Savills đều đưa ra nhận định chung là thị trường nhà đất đang có sự chuyển biến tích cực.

Báo cáo về thị trường bất động sản (BĐS) trong quý I của Bộ Xây dựng và báo cáo của các công ty chuyên phân tích thị trường như CBRE, Savills đều đưa ra nhận định chung là thị trường nhà đất đang có sự chuyển biến tích cực.


Thanh khoản tăng


Cụ thể, theo Bộ Xây dựng, tính riêng hai tháng đầu năm 2014 đã có khoảng 1.290 giao dịch thành công (gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái), chủ yếu là giao dịch tại những dự án nhà ở xã hội và các dự án nhà ở thương mại, chung cư cao cấp có vị trí đẹp, đã bàn giao hoặc đang hoàn thiện.

 

Phân khúc nhà bình dân giao dịch sôi động.


Thống kê quý I/2014 của CBRE trên thị trường Hà Nội, có hơn 1.500 căn hộ được chào bán mới của 10 dự án. Còn theo báo cáo của Savills về thị trường TP Hồ Chí Minh, 8 dự án mới và 4 dự án hiện hữu đã chào bán thêm 2.800 căn trên thị trường, đây là con số căn hộ bán mới trong một quý cao nhất kể từ quý II/2011.


Nhiều sàn giao dịch BĐS tại Hà Nội cho biết, tỷ lệ môi giới thành công cho khách mua nhà đang tăng lên. CBRE đánh giá, việc giao dịch sôi động ngay trong quý I là một trong những động thái hiếm có của thị trường, bởi theo thông lệ hằng năm, đầu năm người dân thường “thờ ơ” với việc đầu tư BĐS.


Theo ông Lê Minh Dũng, Giám đốc Công ty CBRE Việt Nam, thị trường BĐS quý I đã có những tín hiệu tương đối tích cực đối với phân khúc nhà ở thể hiện ở việc các giao dịch tăng nhiều. Một số dự án đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng, có tiện ích đầy đủ được khách hàng quan tâm nhiều hơn, điển hình như Times City, Royal City...


“Giá tăng và người chuyển đến ở đều tăng là những tín hiệu tích cực với bất kì dự án BĐS nào. Đặc biệt, với những dự án đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo được niềm tin cho khách hàng thì xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2014”, ông Dũng nhận định.


Còn theo ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC (Nam Từ Liêm, Hà Nội), rất khó để đánh giá việc các chủ đầu tư hạ giá căn hộ thời gian qua là đã lỗ hay chưa bởi mỗi dự án phải căn cứ vào nhiều yếu tố để định giá và chỉ có chủ đầu tư mới hạch toán được chuyện lỗ lãi. Tuy nhiên, ông Quyết cho rằng, thanh khoản tốt nhất của thị trường BĐS trong năm nay là ở phân khúc 1 - 1,5 tỷ đồng.


Đây cũng là ý kiến của ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh. Theo ông Đực, tiêu chí để bán được hàng hiện nay là diện tích nhỏ và mức giá bán phù hợp. “Chủ đầu tư phải đưa giá bán về mức khoảng 1 tỷ đồng thì mới dễ bán. Các doanh nghiệp phải đưa ra các sản phẩm có diện tích nhỏ và kèm theo đó là chính sách ưu đãi để hút khách hàng”, ông Đực cho biết.


Cẩn thận với tiền chênh


Vừa bước sang quý II, thị trường tiếp tục nhận được nguồn cung dồi dào từ nhiều dự án mới. Đáng chú ý, các dự án này vẫn tập trung ở phân khúc bình dân với diện tích trung bình và giá dưới 20 triệu đồng/m2. Cụ thể, hơn 700 căn hộ thuộc dự án The Pride của Công ty CP Đầu tư Hải Phát làm chủ đầu tư sắp được đưa ra thị trường với giá bán từ 17,3 triệu đồng/m2 (đã gồm VAT). Dự án căn hộ Green Star (đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội) cũng sắp tung ra thị trường khoảng 500 căn hộ, phần lớn có diện tích từ 60 - 66 m2.


Theo báo cáo mới nhất của Savills Việt Nam, nguồn cung căn hộ tiếp tục dồi dào trong cả năm 2014, cụ thể từ quý II/2014, có tới 83 dự án với hơn 65.000 căn hộ được tung ra thị trường.


Tuy nhiên, tại một số dự án có diện tích nhỏ, giá rẻ, dự án nhà ở xã hội trên thị trường hiện nay đã xuất hiện tiền chênh trong giao dịch. Chẳng hạn, tại dự án Kim Văn - Kim Lũ, mặc dù chủ đầu tư đã hết hàng để bán nhưng vẫn có khách hàng chịu bỏ ra hàng chục triệu đồng tiền chênh để mua lại nhà từ môi giới.


Với câu chuyện tiền chênh này, ông Lê Minh Dũng cho rằng cần nhìn nhận theo hai khía cạnh. “Tiền chênh chứng tỏ rằng thị trường có nhu cầu thực sự và lượng cung chưa đủ. Tuy nhiên, đây cũng có thể chỉ là một “chiêu trò” của giới đầu cơ. Theo tôi, để đưa ra quyết định đầu tư, người dân nên xem xét kĩ để phân biệt xem giá bán đưa ra là do dự án chất lượng và hấp dẫn, giá bán tương xứng với giá trị thực của dự án hay do giới đầu cơ “thổi” giá lên”, ông Dũng nêu quan điểm.


Mặt khác, cũng theo ông Dũng, bất cứ chính sách nào của ngân hàng thương mại hay giới đầu tư đều có độ trễ để tạo ra những tác động với thị trường. Chẳng hạn trong quý I, thị trường đã có hiệu ứng tích cực do những chính sách từ năm 2013 của Chính phủ. Vì vậy, những chính sách mới được ban hành thời gian qua như cho phép người nước ngoài mua nhà hay thêm các gói tín dụng thúc đẩy thị trường sẽ tác động tới thị trường trong các quý sau.

Thời gian qua, nắm bắt được nhu cầu của khách hàng, đồng thời để tăng tính cạnh tranh, một số chủ đầu tư và sàn giao dịch BĐS đã hỗ trợ khách hàng tiếp cận trực tiếp với ngân hàng, giúp họ vay tiền dễ hơn.


Bài và ảnh: Hoàng Dương