11:11 25/11/2010

Phần IV: Tập trung nguồn lực đảm bảo cung ứng điện

Thủ tướng nêu rõ, với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, sự nỗ lực của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện lực, ngành điện đã có những bước phát triển mạnh. Trong 5 năm qua, công suất và sản lượng điện toàn quốc tăng gấp 2 lần.

Thủ tướng nêu rõ, với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, sự nỗ lực của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện lực, ngành điện đã có những bước phát triển mạnh. Trong 5 năm qua, công suất và sản lượng điện toàn quốc tăng gấp 2 lần. Đến cuối năm 2010, tổng công suất nguồn điện đạt gần 21.000 MW, sản lượng điện đạt trên 97 tỷ kWh; điện thương phẩm đạt trên 85 tỷ kWh, tốc độ tăng nhu cầu điện bình quân giai đoạn 2006 - 2010 đạt gần 14%, gấp khoảng 2 lần so với tăng trưởng GDP. Đến nay, cả nước đã có gần 98% số xã và 95,4% số hộ dân nông thôn được sử dụng điện lưới quốc gia, vượt 5,4% so với chỉ tiêu Đại hội X của Đảng đã đề ra, cao hơn nhiều nước trong khu vực có thu nhập bình quân đầu người cao hơn Việt Nam. Tuy nhiên, từ tháng 4 đến tháng 7 năm 2010, tình trạng thiếu điện đã xảy ra vào những ngày nắng nóng và diễn ra trên diện rộng, làm ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp và sinh hoạt của nhân dân. Tình trạng thiếu điện có nhiều nguyên nhân.

Trước hết là phần lớn các dự án điện đều thiếu vốn. Trong nhiều năm qua, Chính phủ chỉ dành vốn ngân sách phục vụ cấp điện cho các thôn buôn vùng đồng bào dân tộc. Với khoảng 40 dự án đầu tư xây dựng nguồn điện và hàng chục dự án đầu tư xây dựng lưới truyền tải để đáp ứng nhu cầu hàng năm phải bổ sung thêm khoảng 3.000 MW, tương đương nhu cầu vốn khoảng 6 tỷ USD/năm, Chính phủ cùng ngành điện đã rất nỗ lực trong việc huy động vốn đầu tư cho phát triển điện nhưng đã gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới. Công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư tại các công trình nguồn và lưới điện gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa của các bộ, ngành và các địa phương, sự chia sẻ và hợp tác của người dân. Giá điện thấp chưa phản ánh đầy đủ các chi phí sản xuất và kinh doanh điện là nguyên nhân chủ yếu gây khó khăn cho việc huy động vốn đầu tư vào ngành điện và không khuyến khích việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả....

Để khắc phục tình trạng thiếu điện năm 2011 và các năm tới, Thủ tướng nêu bật các giải pháp như: Khai thác tối đa các nguồn phát điện hiện có, kể cả các nhà máy điện sử dụng dầu đốt có giá thành sản xuất cao; nguồn điện diesel dự phòng của các doanh nghiệp; rút ngắn thời gian sửa chữa, bố trí hợp lý lịch sửa chữa các tổ máy hiện có để tăng sản lượng điện; tiếp tục nhập khẩu tối đa lượng điện từ nước ngoài; đưa vào vận hành ổn định các dự án nguồn điện, nhất là các dự án nhiệt điện than mới ở miền Bắc. Các vướng mắc về nguồn vốn, giải phóng mặt bằng được tập trung tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sớm đưa các nguồn điện mới vào vận hành. Tổ máy 1 của Thủy điện Sơn La với công suất 400 MW sẽ được đưa vào vận hành từ giữa tháng 12 năm 2010, sớm 2 năm so với thời hạn đề ra trong Nghị quyết của Quốc hội. Từ nay đến hết năm 2011, đưa vào vận hành khoảng 5.000 MW, tăng trên 20% công suất nguồn so với hiện nay. Đồng thời, công tác tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất và tiêu dùng được tăng cường.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ ban hành Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2015 - 2020 có tính đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII) vào cuối năm 2011. Theo đó, sẽ thực hiện cơ cấu lại ngành điện, sớm đưa thị trường phát điện cạnh tranh vào hoạt động; thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế cả trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển nguồn điện, tăng nhanh tỷ trọng đầu tư ngoài Nhà nước; thực hiện lộ trình từng bước giá bán điện theo cơ chế thị trường nhằm bảo đảm cho các nhà đầu tư thu hồi vốn và có tích lũy hợp lý để tái sản xuất mở rộng. Đồng thời với việc hỗ trợ phù hợp cho các hộ nghèo, Nhà nước khuyến khích tiết kiệm điện trong sản xuất và tiêu dùng, ưu tiên phát triển các ngành tiêu thụ ít năng lượng, sử dụng năng lượng mới và tái tạo. Các cơ quan chức năng nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi Luật Điện lực cho phù hợp với cơ chế thị trường.

TTN/TTXVN