12:14 07/12/2018

Phân định rõ quyền, trách nhiệm trong quản lý cán bộ, công chức, viên chức

Sáng 7/12, tại Quảng Ninh, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị góp ý kiến vào Dự thảo báo cáo tổng kết thi hành Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và định hướng sửa đổi, bổ sung.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, qua 10 năm thực hiện Luật Cán bộ, công chức và 8 năm thực hiện Luật Viên chức, công tác tuyển dụng, quản lý, sử dụng, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, luân chuyển, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức... đã từng bước đi vào nền nếp, đạt được những kết quả nhất định.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn không ít khó khăn, vướng mắc xuất phát từ quy định của luật và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt giải quyết những vướng mắc, trong đó tập trung vào công tác hoàn thiện thể chế.

Gần đây nhất, ngày 29/11/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 161/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, có hiệu lực từ 15/1/2019.

Dự thảo sửa đổi Luật Cán bộ, công chức không quy định là công chức đối với chức danh lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập, trừ các đơn vị phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ quản lý nhà nước; bỏ quy định áp luật Luật Cán bộ, công chức đối với người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước.

Cùng với đó, hoàn thiện quy định về vị trí việc làm theo hướng quy định rõ việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đánh giá công chức được thực hiện trên cơ sở vị trí việc làm. Đổi mới công tác tuyển dụng công chức; giao Chính phủ quy định tuyển dụng công chức theo chế độ hợp đồng làm việc phù hợp với vị trí việc làm trong bộ máy công vụ. Thu hút nhân tài vào làm việc trong bộ máy của hệ thống chính trị.

Dự thảo Luật cũng quy định phân cấp tổ chức thi nâng ngạch cho các cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức; bổ sung quy định xét nâng ngạch đối với công chức, đẩy mạnh cơ chế thi tuyển lãnh đạo. Đổi mới công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức theo hướng định lượng, xuyên suốt, đa chiều; quy định cụ thể thẩm quyền đánh giá cán bộ, công chức, viên chức của người đứng đầu cơ quan. Sửa đổi quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật; bổ sung quy định xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công viên chức đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác nhưng có hành vi vi phạm trong thời gian công tác. Thực hiện liên thông, bình đẳng, nhất quán giữa đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trong hệ thống chính trị.

Gợi ý một số nội dung thảo luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, Luật Cán bộ, công chức chủ trương tiếp tục tách bạch giữa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Việc không quy định đội ngũ lãnh đạo, quản lý trong các đơn vị sự nghiệp công lập (trừ các đơn vị phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ quản lý nhà nước) là công chức và không quy định áp dụng Luật Cán bộ, công chức đối với người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp là nội dung lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến số lượng rất lớn những người đang công tác trong đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước. Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh chủ trương này đã được nêu rất rõ trong nghị quyết của Đảng, và đề nghị Hội nghị tập trung làm rõ cơ chế pháp lý để Đảng, Nhà nước thực hiện công tác cán bộ đối với đội ngũ trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo Bộ trưởng, việc phân cấp, phân quyền như xây dựng vị trí việc làm, công tác tuyển dụng công chức, nâng ngạch công chức, đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức… thực hiện còn nhiều bất cập. Chủ trương của Đảng đã nêu rất rõ, Bộ Nội vụ đã quán triệt và thực hiện chủ trương phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương trong một số công việc liên quan đến tuyền dụng, bổ nhiệm, thi nâng ngạch. Để tiếp tục đẩy mạnh chủ trương này, cần phải sửa đổi các quy định trong luật để phân cấp, phân quyền cho bộ, ngành, địa phương, phân định rõ quyền, trách nhiệm của các cơ quan trong công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức.

Tuy nhiên, nội dung phân quyền, phân cấp, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, trách nhiệm của cơ quan được giao quản lý nhà nước về công chức, viên chức cần được làm rõ, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh.

Về công tác kỷ luật cán bộ, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng, cùng với chủ trương siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, quan điểm của Đảng rất rõ là phải xử lý nghiêm, đúng người, đúng việc kể cả đối với những người có vi phạm trong thời gian công tác nhưng đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác ra khỏi khu vực nhà nước hoặc khu vực sự nghiệp công lập. Những trường hợp này về xử lý kỷ luật đảng đã được thực hiện. Tuy nhiên, để bảo đảm tính đồng bộ trong công tác xử lý kỷ luật, cần phải bổ sung quy định trong luật để tạo cơ sở pháp lý rõ hơn, đồng thời cũng thể chế quan điểm mạnh mẽ của Đảng trong công tác cán bộ. “Chủ trương, đường lối đã rõ, tuy nhiên về cách thức thực hiện, cách thức quy định, hậu quả pháp lý, phạm vi đối tượng áp dụng cần cho ý kiến”, Bộ trưởng Nội vụ nói.

Phó Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức (Bộ Nội vụ) Nguyễn Tư Long cho biết, qua tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành, địa phương nổi lên một số tồn tại, vướng mắc trong triển khai, thi hành Luật Cán bộ, công chức như: Luật vẫn quy định công chức bao gồm cả những người làm việc trong bộ máy lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập nên phát sinh một số vướng mắc, không thống nhất trong thực hiện chế độ, chính sách và áp dụng cơ chế quản lý. Việc luật quy định cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước cũng không phù hợp với thực tiễn và cơ chế hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là các quy định về quy hoạch, bổ nhiệm lại, đánh giá, thôi việc, kỷ luật đối với những người này.

Vướng mắc trong công tác tuyển dụng công chức hiện nay được nêu ra là: Luật hiện hành đã phân cấp cho cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức trong công tác tuyển dụng, các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm tổ chức tuyển dụng công chức thuộc phạm vi quản lý, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện và chịu sự kiểm tra giám sát của cơ quan có thẩm quyền. Song, việc chấp hành các quy định về tuyển dụng công chức tại một số nơi chưa nghiêm, còn để xảy ra sai phạm, chưa thật sự tuyển dụng được người đáp ứng yêu cầu; chưa gắn thẩm quyền của người trực tiếp sử dụng công chức với thẩm quyền quyết định tuyển dụng. Việc quy định tuyển dụng theo quy trình thi tuyển hoặc xét tuyển hiện nay cũng bộc lộ một số hạn chế, chưa có độ mở cần thiết để có thể tuyển dụng đúng người phù hợp, đặc biệt là trong tuyển dụng, thu hút nhân tài.

Để thực hiện chủ trương liên thông giữa nguồn lực ở khu vực công và khu vực tư, có cơ chế cạnh tranh vị trí việc làm để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và tiến tới bỏ chế độ biên chế suốt đời, theo ông, cần nghiên cứu bổ sung quy định về tuyển dụng công chức theo chế độ hợp đồng làm việc trong bộ máy công vụ.

Chu Thanh Vân (TTXVN)