10:06 12/10/2017

Phải thông tin minh bạch các khoản thu đầu năm học

Sau bài “Lạm thu đầu năm học, tại ai?”, phóng viên đã có trao đổi với nhà quản lý, các chuyên gia giáo dục về vấn nạn lạm thu, để có cái nhìn khách quan về vấn đề này.

Buổi học vi tính tại phòng thiết bị tin học, Trường THCS Lê Ngọc Hân (TP Mỹ Tho). Ảnh minh họa: Minh Trí/TTXVN

Ông Phạm Ngọc Anh, trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: Ngay từ đầu năm học, quận Cầu Giấy đã có công văn 1045/UBND-GDĐT-TCKH về hướng dẫn tăng cường quản lý thu chi trong các trường học công lập trên địa bàn năm học 2017-2018. Trong đó có quy định rõ nội dung các khoản thu như nước uống, tiền ăn, chăm sóc bán trú...


Khi bước vào năm học 2017-2018, phòng GD - ĐT đã triệu tập hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, THCS công lập trên địa bàn đến quán triệt về các khoản thu đầu năm, trong đó yêu cầu phải lập dự kiến chi để từ đó xác định mức đóng. Đơn cử như tiền điện, các trường không được phép thu áng tiền điện hàng tháng mà khi có hóa đơn tiền điện mới xác định mức thu…


Quận Cầu Giấy cũng yêu cầu các trường ký cam kết về khoản thu đầu năm và hiệu trưởng phải ký xác nhận và chịu trách nhiệm nếu phát hiện sai phạm. Để kiểm soát, quận Cầu Giấy cũng đã thành lập 3 đoàn kiểm tra việc thu tại các trường trường mầm non, tiểu học, THCS công lập trên địa bàn; đồng thời lập đường dây nóng nghe phản ánh từ phụ huynh và cơ quan truyền thông.


Thực tế qua kiểm tra, phòng GD ĐT Cầu Giấy phát hiện một số trường thu không đúng, nhất là các khoản xã hội hóa. Phòng đã yêu cầu trường phải trả lại và thu theo đúng quy định.


Còn TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý học Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho biết: Để xảy ra tình trạng lạm thu gây bức xúc dư luận thời điểm đầu năm học, lỗi là do hiệu trưởng, chứ không phải Ban đại diện cha mẹ học sinh.


Các trường lạm thu những khoản mà ngân sách nhà nước chưa thể đáp ứng hết cho giáo dục. Khi ấy, cũng cần đến sự chung tay của phụ huynh để tạo môi trường giáo dục tốt nhất. Nhưng việc thu gì, chi gì phải được đưa ra bàn bạc, thống nhất với phụ huynh, minh bạch và được giám sát một cách chặt chẽ, không được để xảy ra tình trạng hiệu trưởng có cơ hội lạm quyền.


Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, thực tế hiện nay nhiều trường đang núp dưới danh nghĩa tự nguyện của Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu khoản sai quy định. Thực chất, họ không có chức năng quản lý thu chi những khoản đầu năm. Những trường xảy ra tình trạng lạm thu thì cần quy trách nhiệm cho hiệu trưởng. Hiệu trưởng là địa chỉ duy nhất để xử lý. Chính quyền địa phương phải có trách nhiệm giám sát, xử lý hiệu trưởng nếu để xảy ra tình trạng lạm thu. Ban đại diện cha mẹ học sinh phải nêu rõ hơn nữa vai trò của mình, thực sự vì quyền lợi của học sinh chứ không phải vì quyền lợi của hiệu trưởng.


Trong khi đó, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD - ĐT đánh giá: "Về nguyên tắc, Nhà nước cùng người dân hợp sức để thúc đẩy quá trình phát triển giáo dục nhưng phải luôn có vai trò quản lý của Nhà nước. Những khoản nào ngân sách không thể đáp ứng đủ cho hoạt động giáo dục thì cho phép các trường thu dưới dạng xã hội hóa, nhưng hơn hết phải đảm bảo yếu tố minh bạch trong thu chi. Mọi khoản đều phải rõ ràng, tùy theo từng vùng miền, nông thôn đóng bao nhiêu, miền núi đóng bao nhiêu, thành phố bao nhiêu phải nêu rõ. Các địa phương cần có những quy định chung, cụ thể để tránh việc các trường thu chi tùy tiện".


Đối với vấn đề lạm thu, lỗi không phải ở cha mẹ học sinh mà do quản lý Nhà nước còn lỏng lẻo, chưa có các quy định rõ ràng. Ban đại diện cha mẹ học sinh là cần thiết, nhưng nếu hoạt động chưa đúng chức năng thì phải chấn chỉnh. Chức năng Ban đại diện phụ huynh không phải là cánh tay nối dài cho hiệu trưởng, cũng không phụ trách việc thu chi của nhà trường. Đối với những trường xảy ra lạm thu thì phải xử lý kỷ luật, thậm chí cách chức hiệu trưởng nếu để xảy ra những sai phạm tài chính nghiêm trọng.


PV/Báo Tin Tức