10:06 03/10/2014

Phải thể chế hóa dự toán thu chi ngân sách

Sau 10 ngày làm việc, sáng 2/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc phiên họp thứ 31.

Sau 10 ngày làm việc, sáng 2/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc phiên họp thứ 31.


Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung cho ý kiến về 14 dự án luật trong đó có 9 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII và 5 dự án luật trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến vào các báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2014; cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế; cho ý kiến về Tờ trình Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.


Cũng tại phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành một ngày để chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình.


Trong phiên làm việc bế mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi). Nhiều ý kiến cho rằng, yêu cầu quan trọng nhất của việc sửa đổi Luật là phải bảo đảm thể chế hóa các nguyên tắc cơ bản trong Hiến pháp liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân sách.


Dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) sửa đổi một số nội dung về: phạm vi ngân sách, bội chi ngân sách, mức huy động của ngân sách cấp tỉnh, phân cấp nguồn thu, quản lý chi đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách Trung ương, số bổ sung từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới... Đồng thời bổ sung một số nội dung về: Kế hoạch tài chính - Ngân sách trung hạn; trách nhiệm báo cáo, giải trình; việc đánh giá kết quả, hiệu quả chi ngân sách gắn với công tác quyết toán ngân sách; thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan Kiểm toán Nhà nước.


Báo cáo thẩm tra dự án Luật NSNN (sửa đổi) của Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cũng nêu rõ, Hiến pháp năm 2013 đã tạo căn cứ quan trọng cho đổi mới, nâng cao hiệu quả điều hành Ngân sách Nhà nước, là nền tảng pháp lý quan trọng cho sửa đổi Luật lần này. Tuy nhiên, một số định hướng quan trọng trong Hiến pháp chưa được cụ thể hóa trong dự án Luật. “Vì vậy, cần tiếp tục rà soát, bổ sung các quy định, làm rõ NSNN là thống nhất, có phân cấp quản lý và bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương; tăng cường các quy định về nâng cao kỷ luật chi, công khai, minh bạch trách nhiệm giải trình trong quản lý, sử dụng ngân sách”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.


Theo Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Phan Trung Lý, việc sửa đổi luật này phải khắc phục được tồn tại hiện nay trong việc lập, quản lý và sử dụng ngân sách theo đúng tinh thần Hiến pháp. Ông Lý cho rằng, nên đưa quy định Điều 55 của Hiến pháp thành nguyên tắc ở trong luật. Cụ thể, Điều 55 của Hiến pháp quy định, các khoản thu, chi NSNN phải được dự toán và do luật định, vì thế cần rà soát xem luật này đã quy định các khoản thu, chi chưa và thẩm quyền của các cơ quan quản lý nhà nước hiện nay như thế nào.


Đồng tình với quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, dự thảo luật đang định hướng chủ yếu quy định các khoản thu NSNN, còn các khoản chi NSNN không nói ở trong luật mà hoặc giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc giao Chính phủ quy định và như thế thì chưa đúng với quy định tại điều 55 của Hiến pháp. “Chỗ này rất khó, nhưng chúng ta cần phải quy định ở trong luật. Như vậy thì mới đúng tinh thần Hiến pháp”, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu khẳng định.


Về thẩm quyền quyết định ngân sách, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, Hiến pháp mới quy định các vấn đề quyết định dự toán NSNN, phân bổ ngân sách Trung ương, quyết toán NSNN là thẩm quyền của Quốc hội. Còn những vấn đề về điều hành ngân sách là thuộc thẩm quyền của Chính phủ, cơ quan hành pháp, chứ không nên quy định trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng nhấn mạnh: “Dự thảo cần làm rõ thẩm quyền quyết định ngân sách là của Quốc hội. Giám sát việc thực thi ngân sách là của Quốc hội. Quốc hội cũng có thẩm quyền giám sát việc thực thi ngân sách. Tổ chức thực hiện ngân sách là Chính phủ”.


Thu Phương