08:10 23/08/2011

Phải làm cái khó ló cái khôn

Thông tin từ PV TTXVN tại Điện Biên cho biết, ở địa phương này, nhãn đang bị ế dài; từ thành phố cho đến nông thôn, đâu đâu cũng thấy bày bán nhãn, giá thấp đến giật mình, chỉ 5.000-6.000 đồng/kg. Còn ở các vườn, nhãn chín rụng đầy gốc, chẳng ai buồn hái.

Thông tin từ PV TTXVN tại Điện Biên cho biết, ở địa phương này, nhãn đang bị ế dài; từ thành phố cho đến nông thôn, đâu đâu cũng thấy bày bán nhãn, giá thấp đến giật mình, chỉ 5.000-6.000 đồng/kg. Còn ở các vườn, nhãn chín rụng đầy gốc, chẳng ai buồn hái. Cây nhãn, “bén duyên” đất này đã già nửa thế kỷ nay, hầu như có mặt ở mọi nhà (có nhà có đến vài trăm gốc), năm nay không được người Điện Biên mặn mà vì được mùa nhưng không được giá.

Nghe tin này, các bà nội trợ ở Hà Nội cứ xuýt xoa rằng bỏ nhãn như thế thật là phí, bởi dù đã hạ so với đầu mùa, giá nhãn ở các chợ vẫn đang là 30.000- 35.000 đồng/kg, gấp 5- 6 lần ở Điện Biên. Oái ăm thay, chỗ ăn không hết, chỗ lần không ra!

Vì sao nhãn Điện Biên ế ẩm? Chắc chắn không phải do chất lượng quả nhãn kém. Những người từng thưởng thức đều khen nhãn ở đất này cùi dày, mùi thơm nhẹ, vị ngọt thanh, hợp vị những thực khách ăn thanh. Có ý kiến cho rằng, tại nhãn Điện Biên năm nay chín muộn nên không thuận cho việc làm long nhãn. Tuy nhiên, những người am hiểu ở đất này bảo, đó chỉ là chuyện phụ, vấn đề nằm ở khâu tổ chức lưu thông phân phối. Lâu nay, nhiều người Điện Biên vẫn tự cho rằng, tỉnh nhà cách xa các thị trường lớn nên khó tiêu thụ nông sản. Hệ quả là, trên thị trường Điện Biên sản phẩm nông nghiệp chủ yếu phục vụ nhu cầu tại chỗ (chỉ có gạo Điện Biên, do bảo quản được lâu nên mới vươn ra được thị trường ngoại tỉnh, nhưng số lượng cũng chưa nhiều).
Thực ra, điều kiện tự nhiên ở Điện Biên, tuy khó khăn nhưng đâu đến nỗi nông sản không thể vượt khỏi ranh giới của tỉnh, nhất là khi giao thông ngày càng được cải thiện nhờ sự quan tâm của Nhà nước và có nhiều biện pháp khoa học giúp kéo dài tuổi thọ của hoa quả. Khi mà quả vải Bắc Giang, Hải Dương, vốn rất khó bảo quản, vẫn có thể vượt hàng ngàn km vào với người dân phía Nam và ngược lại, nhiều loại trái cây (trong đó có cả nhãn) miền Nam vẫn ùn ùn ngược ra Bắc, bất chấp khoảng cách địa lý vời vợi, thì nhãn Điện Biên hoàn toàn có khả năng “chạy” dăm trăm cây số (ô tô đi khoảng nửa ngày) để về Hà Nội. Làm được như vậy, nông dân Điện Biên sẽ có nguồn thu không nhỏ, kinh tế Điện Biên có thêm hướng phát triển mà người tiêu dùng Thủ đô cũng được lợi vì có thêm nguồn cung nông phẩm.

Ở một tỉnh mà nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế như Điện Biên mà lại chưa có một tổ chức nhà nước hay đơn vị tư nhân lớn nào lo “đầu ra” cho nông sản ở thị trường ngoài tỉnh (như phản ánh của PV thường trú địa phương) thì cái nghèo là khó tránh khỏi. Thực tế cho thấy, lâu nay, cả các ngành chức năng lẫn người dân Điện Biên đã gần như bó tay trước cái khó; nay cần thay đổi tư duy, tính đến các biện pháp xúc tiến thương mại, tìm “đầu ra” cho sản phẩm nông nghiệp.

Nếu tích cực học hỏi, chủ động tìm tòi giải pháp thì trong cái khó sẽ ló cái khôn. Đó là câu chuyện kinh tế không riêng với Điện Biên.

Hà Nguyễn