11:00 07/11/2011

Phải giữ 3,8 triệu ha đất lúa

Phát biểu kết luận Hội nghị Trung ương 3 khóa XI của Đảng mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa khẳng định vị thế quan trọng của nông nghiệp trong nền kinh tế; đồng thời thể hiện rõ quan điểm phải kiên quyết giữ 3,8 triệu ha đất trồng lúa.

Phát biểu kết luận Hội nghị Trung ương 3 khóa XI của Đảng mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa khẳng định vị thế quan trọng của nông nghiệp trong nền kinh tế; đồng thời thể hiện rõ quan điểm phải kiên quyết giữ 3,8 triệu ha đất trồng lúa.

Vấn đề trên cũng được khẳng định tại kỳ họp thứ hai khi Quốc hội (khóa XIII) thảo luận về Kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2011-2015 và Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020. Quan điểm trên thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược của Đảng về an ninh lương thực – vấn đề không còn bó hẹp trong phạm vi quốc gia, mà trở thành mối quan tâm toàn cầu.

Theo đề xuất của Bộ NN-PTNT, đến năm 2020, đất sản xuất lúa nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia là 3,81 triệu ha, trong đó đất lúa 2 vụ chiếm 3,22 triệu ha. Tuy nhiên, thống kê cho thấy, trong 10 năm trở lại đây (2001- 2010), chúng ta đã mất khoảng 400.000 ha đất chuyên canh lúa, trong đó chủ yếu là "bờ xôi ruộng mật” đã được đầu tư đáng kể về thủy lợi... để nhường chỗ cho các khu đô thị, khu công nghiệp, sân golf...

Tình trạng chạy đua trải thảm đỏ mời gọi đầu tư, đổ xô xây dựng khu công nghiệp đã xảy ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước. Các khu công nghiệp, khu đô thị dễ dàng mọc lên ở bất kỳ địa điểm nào, đặc biệt ở những vùng đất ven các trục đường lớn, bất chấp đó là đất trồng lúa màu mỡ. Nhưng chỉ có trên 30% đất dự án lấy từ đất nông nghiệp hoạt động có hiệu quả; trong số 72.000 ha đất cho các khu công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy chưa đến 45% và theo tính toán, để lấp đầy các khu công nghiệp thì phải mất nửa thế kỷ nữa. Nguy hại ở chỗ, đất nông nghiệp khi đã chuyển đổi thành đất công nghiệp thì không thể quay lại sản xuất lúa được nữa.

Việt Nam là nước nông nghiệp, vì vậy đất trồng lúa trở nên vô giá và trở thành vấn đề sống còn đối với người nông dân. Người bị thu hồi đất cảm thấy xót xa khi hàng trăm nghìn ha đất lúa bị chuyển đổi. Xót xa hơn khi diện tích đất ấy bị sử dụng hoang phí, rồi biến thành những dự án “treo”, trong khi nông dân lại mất đất cấy trồng, dẫn đến thất nghiệp.

Nhìn sang Thái Lan, họ có 66 triệu dân nhưng có đến 10 triệu ha đất trồng lúa. Ở nhiều nước châu Âu, dù diện tích đất rộng, nhưng họ vẫn có kế hoạch bảo vệ đất nông nghiệp chặt chẽ. Chẳng hạn, doanh nghiệp muốn lấy đất nông nghiệp thì phải có trách nhiệm cải tạo một diện tích tương đương, thậm chí gấp 2 lần diện tích thu hồi để bù đắp. Còn ở nước ta, việc lấy đất nông nghiệp quá dễ dàng.

An ninh lương thực đang trở thành vấn đề cấp bách trong bối cảnh dân số tăng nhanh, chưa kể Việt Nam là một trong năm nước sẽ chịu ảnh hưởng nặng nhất của biến đổi khí hậu, mà vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp là vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long. Thực tế trong nhiều năm trở lại đây, nhiều địa phương luôn phải gánh chịu hậu quả nặng nề của những đợt rét đậm rét hại kéo dài, mưa lũ thất thường; rồi xa hơn là nước biển dâng, nhiễm mặn. Vậy mà đất lúa cứ ngày bị thu hẹp thì an ninh lương thực có đảm bảo?

Nghị quyết của Đảng ta đã kết luận, Chính phủ cũng có những nghị quyết nhằm bảo vệ đất lúa. Tuy nhiên, việc giữ đất lúa không phải dễ khi đang thiếu một quy hoạch cụ thể về đất nông nghiệp ở từng vùng, từng địa phương. Chính vì không có cái khung cụ thể, mang tính chất pháp lý, nên chính quyền một số địa phương vì lợi ích cục bộ mà coi nhẹ lợi ích quốc gia, tùy tiện xà xẻo đất lúa, miễn là tăng được nguồn thu. Do vậy, muốn giữ 3,8 triệu ha đất lúa như mục tiêu đề ra, đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc của toàn bộ hệ thống chính trị; đồng thời cần khoanh định rạch ròi diện tích đất trồng lúa nhằm bảo vệ nghiêm ngặt, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả; đồng thời phải xử lý nghiêm người đứng đầu các địa phương để “chảy máu” đất lúa.

Yến Nhi