10:08 25/10/2014

Phá ổ nhóm kinh doanh trái phép các mã kích hoạt phần mềm có bản quyền

Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (PC50) Công an thành phố Hà Nội cho biết đã phát hiện, triệt phá một ổ nhóm tội phạm có hành vi “kinh doanh trái phép” các mã kích hoạt phần mềm có bản quyền trên mạng Internet tại hai trang www.keybanquyen.info và keybanquyen.org.

Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (PC50) Công an thành phố Hà Nội cho biết đã phát hiện, triệt phá một ổ nhóm tội phạm có hành vi “kinh doanh trái phép” các mã kích hoạt phần mềm có bản quyền trên mạng Internet tại hai trang www.keybanquyen.info và keybanquyen.org.

Các đối tượng tại cơ quan công an. Ảnh: Soha


Cơ quan công an đã xác định được 4 nghi phạm trong ổ nhóm này là Vũ Minh Quân, sinh năm 1988, ở Lạc Đạo, Văn Lâm, Hưng Yên; Vũ Tuấn Anh, sinh năm 1986, ở Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội; Nguyễn Tiến Dũng, sinh năm 1987, ở Hà Cầu, Hà Đông, Hà Nội và Trần Tích Huy, sinh năm 1990, ở Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội.

Theo điều tra của cơ quan công an, tháng 6/2013, đối tượng Vũ Minh Quân tạo lập và quản trị web keybanquyen.org để rao bán, kinh doanh các key phần mềm với xác nhận “phần mềm có bản quyền”. Tháng 3/2013, đối tượng Vũ Tuấn Anh đã tạo lập và quản trị website keybanquyen.info để rao bán, kinh doanh các mã kích hoạt phần mềm có bản quyền. Nguồn gốc số key bản quyền trên, Minh Quân và Tuấn Anh lấy từ hai đối tượng khác là Nguyễn Tiến Dũng và Trần Tích Huy. Khi khách hàng có nhu cầu, Quân và Tuấn Anh liên lạc với đối tượng trên để lấy key bản quyền. Tổng doanh thu do các đối tượng kinh doanh là hơn 567 triệu đồng.

Theo Trung tá Ngô Minh Quang, Đội trưởng Đội Thương mại điện tử (Đội 4) Phòng PC 50, qua xác minh tại Công ty Microsoft Việt Nam, hầu hết số key nêu trên được cung cấp miễn phí cho các dự án phi lợi nhuận của nước ngoài. Đồng thời, mỗi key phải đi kèm với một chứng nhận bản quyền. Người kinh doanh có số key này mà không cung cấp chứng nhận bản quyền là vi phạm quyền kinh doanh của Microsoft. Toàn bộ số key bản quyền là do Microssoft sản xuất, phân phối sử dụng. “Cho đến nay, Microsoft Việt Nam cung cấp về tổng giá trị thực tế của các mã key mà 4 đối tượng đã bán là xấp xỉ 10 tỷ đồng”, Trung tá Quang cho biết. Vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ.

Hạnh Quỳnh