05:20 19/05/2015

Phá đường dây 'doanh nghiệp ma'

Công an thành phố Hà Nội vừa điều tra, làm rõ đường dây thành lập doanh nghiệp ma, mua bán hóa đơn giá trị gia tăng trái phép.

Chiều 19/5, Công an thành phố Hà Nội cho biết, vừa điều tra, làm rõ đường dây thành lập doanh nghiệp ma, mua bán hóa đơn giá trị gia tăng trái phép, nâng khống giá trị hàng hóa để chiếm đoạt tiền của Nhà nước với số lượng lớn và có dấu hiệu tham nhũng.

Hai đối tượng La (trái) và Dậu trong hồ sơ cảnh sát. Ảnh: vnexpress.net


Thực hiện lệnh bắt khẩn cấp hai đối tượng là Lê Văn La (sinh năm 1963), nhân viên kinh doanh phòng xuất nhập khẩu Công ty cổ phần Mỏ Việt Bắc (có 20% vốn nhà nước, trước đây là Chi nhánh Tổng công ty Cổ phần Mỏ Việt Bắc) tại số 65 An Trạch, Đống Đa, Hà Nội và Nguyễn Thị Dậu (sinh năm 1967) trú tại Lô 34, Đầm Hồng, Thanh Xuân, Hà Nội.

Lê Văn La là đối tượng cầm đầu đường dây này. Từ năm 2010 đến nay, Lê Văn La có nhiệm vụ lập phương án kinh doanh mua bán các vật tư, thiết bị thay thế cho máy móc, phương tiện đang sử dụng bị hư hỏng của các công ty khai thác than tại tỉnh Quảng Ninh.

Nhưng thực tế, La mua các vật tư thiết bị trôi nổi trên thị trường. Để hợp thức các vật tư, thiết bị này, đối tượng đã bàn bạc thống nhất với Nguyễn Thị Dậu để Dậu thành lập doanh nghiệp bán hóa đơn giá trị gia tăng hợp thức hàng hóa đầu vào cho La.

Nguồn hàng do La mua là vật tư cũ trôi nổi trên thị trường. Sau đó, bộ đôi này tạo dựng hợp đồng khống về hàng hóa mua trôi nổi trên thành các hàng hóa có nguồn gốc mới 100% nhập khẩu từ Nhật, Mỹ, Đức.

Lê Văn La cung cấp các thông tin về số lượng hàng hóa, giá cả để Nguyễn Thị Dậu viết vào các hóa đơn giá trị gia tăng (liên 2) cung cấp cho La. Sau đó, La chuyển tiền vào tài khoản của các công ty “ma” do Dậu thành lập.

Dậu ra ngân hàng rút tiền, giữ lại cho bản thân 10% giá trị hàng hóa ghi trên hóa đơn, số tiền còn lại 90% Dậu chuyển vào tài khoản cá nhân của La. Từ năm 2010 đến năm 2014, Lê Văn La đã chuyển cho Nguyễn Thị Dậu tổng số tiền khoảng 140 tỷ đồng.

Ngày 13/5, Công ty cổ phần Mỏ Việt Bắc đã chuyển vào tài khoản của Công ty Xuất nhập khẩu đầu tư Lâm Nguyên do Dậu thành lập tại Ngân hàng Vietcombank số tiền 4,68 tỷ đồng. Tiếp đó, Dậu đã đến một phòng giao dịch của Ngân hàng này rút séc tiền mặt số tiền trên.

Ngay sau khi rút tiền, Dậu đã chuyển gần 4,32 tỷ đồng vào tài khoản đứng tên Lê Văn La tại Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Quảng Ninh. Số tiền 4,68 tỷ đồng là số tiền giao dịch về việc mua bán hóa đơn giá trị gia tăng giữa bộ đôi này. Trong đó, hơn 360 triệu đồng là hoa hồng phần trăm mà Dậu được hưởng, phần tiền còn lại Dậu chuyển lại vào tài khoản của Lê Văn La.

Cùng ngày, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội ra Lệnh khám xét khẩn cấp nơi ở của Dậu, chỗ ở và nơi làm việc của La và chỗ ở, nơi làm việc của các đối tượng liên quan.

Kết quả, đã phát hiện thu giữ 5 con dấu của 5 doanh nghiệp (Công ty 232, Công ty 279, Công ty Nguyên Đại, Công ty Lâm Nguyên, Công ty Lợi Xuyên), hóa đơn và các chứng từ tài liệu khác có liên quan đến việc mua bán hóa đơn của các đối tượng này, tạm giữ nhiều vật tư thiết bị hàng hóa trong kho của Lê Văn La tại Quảng Ninh.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Viện, Trưởng phòng Tham mưu (PV11) Công an thành phố Hà Nội: Từ năm 2010, Công an thành phố, trực tiếp là lực lượng cảnh sát kinh tế (PC46) đã phát hiện những dấu hiệu vi phạm và có những tài liệu trinh sát nhưng đến ngày 13/5 mới ấn định thời điểm phá án là do liên quan đến án kinh tế, đặc biệt mua bán hóa đơn giá trị gia tăng mất nhiều thời gian.

Cơ quan công an phải sử dụng các biện pháp nghiệp vụ trong thời gian dài do yêu cầu phải đảm bảo được vật chứng vì những đối tượng này có hiểu biết về kinh tế.

Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được ban đầu, cơ quan điều tra Công an thành phố Hà Nội xác định Lê Văn La đã bàn bạc với Nguyễn Thị Dậu lập 8 công ty “ma” để bán hóa đơn, hợp thức các hàng hóa do La mua trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc, nâng khống giá trị hàng hóa để rút tiền của Nhà nước.

Đây là vụ án có tổ chức, các đối tượng hoạt động chuyên nghiệp, khép kín. Các đối tượng thành lập doanh nghiệp “ma”, mua, bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng, thu lợi bất chính với số lượng lớn và có dấu hiệu tham nhũng.

"Trước mắt cơ quan công an sẽ khởi tố hành vi in, mua bán trái phép hóa đơn tại điều 164A-Bộ luật hình sự và có dấu hiệu của tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản", Đại tá Viện cho biết.

Hiện, Công an thành phố Hà Nội tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.


Hạnh Quỳnh (TTXVN)