11:08 26/11/2012

Phá đền cổ để... đổ đền “bê tông”

Đền Đại Hội, xã Đại Nghĩa, huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) là ngôi đền cổ thờ Thượng đẳng thần Cao Sơn, vị thần có công với dân làng. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, ngôi đền vẫn giữ được gần như nguyên vẹn giá trị văn hóa.

Đền Đại Hội, xã Đại Nghĩa, huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) là ngôi đền cổ thờ Thượng đẳng thần Cao Sơn, vị thần có công với dân làng. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, ngôi đền vẫn giữ được gần như nguyên vẹn giá trị văn hóa. Thế nhưng mới đây, ngôi đền cổ linh thiêng này đã bị chính quyền xã Đại Nghĩa tự ý phá bỏ, xây dựng mới một ngôi đền khác bằng… “bê tông hóa”, làm sai lệch hoàn toàn di tích lịch sử văn hóa này.

 

"Một mình một luật”


Đền Đại Hội được UBND tỉnh Vĩnh Phú (cũ) công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh từ năm 1994; là nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh của nhân dân xã Đại Nghĩa và nhiều xã quanh khu vực.


 

Toàn bộ quá giang, đòn tay... đã được bê tông hóa và sơn giả vân gỗ.

 

Tháng 7/2012, xã Đại Nghĩa đã quyết định đập đền cũ để xây đền mới hoàn toàn bằng bê tông: Lối vào lát gạch với chiếc cổng đền bằng sắt, lư hương được đặt nằm trên lưng những con rùa bê tông; toàn bộ hệ thống cột, quá giang đã được thay thế bằng bê tông sơn giả vân gỗ; ban thờ xây bằng gạch, lát gạch men và những cửa sổ được bổ ô, song cửa làm bằng thanh bê tông đặt ngang... khác hoàn toàn ngôi đền trước đây.


Ông Vũ Nhường - Thủ từ của đền cho biết: "Trước đây, toàn bộ hệ thống bên trong ngôi đền được làm bằng gỗ với những chiếc cột to chắc và được giằng nhau với những chiếc xa ngang, đòn tay… sơn màu vàng nhạt trông đẹp và uy nghi, cổ kính lắm. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, ai cho phép mà ngôi đền cổ uy nghi nằm bên bờ sông Lô này lại được giao cho Công ty cổ phần kim loại mầu Bắc Hà dỡ ra, xây mới lại theo mô hình... cung tiến xây dựng".


Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Quân - Chủ tịch UBND xã Đại Nghĩa cho biết: Ngôi đền đã quá xuống cấp, nhiều lần Ban quản lý đền, chính quyền xã kiến nghị lên cấp trên nhưng không có ý kiến phản hồi. Vì vậy, ngay khi Công ty cổ phần kim loại mầu Bắc Hà (do bà Hà Thị Thông làm chủ tịch HĐQT) đang tham gia khai thác cát sỏi trên sông Lô thuộc địa bàn xã, đặt vấn đề cung tiến làm lại với Ban quản lý và xã, chính quyền đã... “gật đầu”.


Theo điều 34 của Luật Di sản văn hóa năm 2001 được sửa đổi bổ sung năm 2009, việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải đảm bảo các yêu cầu: giữ gìn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích; lập quy hoạch, dự án trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, trừ trường hợp sửa chữa nhỏ, không ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích. Đối với di tích cấp tỉnh, phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch cấp tỉnh…


Chính quyền xã Đại Nghĩa đã tự ý “một mình một luật” khi cho đập ngôi đền cũ để xây đền mới bằng bê tông mà chưa được bất cứ một cơ quan cấp có thẩm quyền nào cho phép.

 

Cần xử lý nghiêm những hành vi cố tình làm trái


Liên quan đến vụ việc trên, ngày 12/10, Sở VH-TT&DL tỉnh Phú Thọ đã có công văn gửi lãnh đạo huyện Đoan Hùng nêu rõ: “Hiện nay, UBND xã Đại Nghĩa đã đầu tư tu bổ đền Đại Hội song chưa có hồ sơ thủ tục gửi huyện Đoan Hùng, Sở Văn hóa, UBND tỉnh để xin phép tu bổ, tôn tạo”. Việc tự ý tôn tạo đền Đại Hội là trái với Luật Di sản văn hóa và các văn bản pháp luật hiện hành về quản lý di tích đã xếp hạng quốc gia và cấp tỉnh.


Sau khi kiểm tra, ngày 17/10, UBND huyện Đoan Hùng có thông báo thừa nhận: UBND xã Đại Nghĩa đã không thực hiện đúng công tác quản lý nhà nước về quản lý văn hóa nhất là trong lĩnh vực sửa chữa và tôn tạo lại di tích; khi di tích xuống cấp đã không kịp thời báo cáo UBND huyện, chưa tích cực đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt cho phép sửa chữa đền Đại Hội để Ban quản lý đền tự ý sửa chữa làm sai lệch kích thước ban đầu, kết cấu vật liệu xây dựng bằng bê tông cốt thép không đúng chủng loại.


Ông Phạm Bá Khiêm, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: Sở VH-TT&DL đã kiểm tra tình tình thực tế, chỉ đạo chính quyền địa phương giữ nguyên hiện trường những kiến trúc của ngôi đền để thanh, kiểm tra lại, từ đó đề xuất phương án xử lý.


Đền Đại Hội cũ bị phá dỡ, thay vào đó là đền được xây dựng bằng bê tông cốt thép đã khiến không ít người dân xã Đại Nghĩa bức xúc vì đã đánh mất sự uy nghi và linh thiêng của ngôi đền. Người dân trong xã mong muốn các cấp chính quyền tỉnh Phú Thọ cần sớm điều ra làm rõ những hành vi cố tình làm trái Luật Di sản văn hóa để xử lý, tránh những sự việc đáng tiếc tương tự xảy ra.



Bài và ảnh: Tạ Văn Toàn