09:21 04/09/2020

PGs.Ts Bùi Hoài Sơn: Cần thay đổi thói quen đến thăm người ốm tại bệnh viện

"Việc đến thăm người ốm trong bệnh viện khiến dịch bệnh dễ lây lan vì thế cần phải thay đổi hành vi này để mỗi cá nhân và toàn xã hội trở nên an toàn hơn".

Mới đây, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhất là khi các ổ dịch đã được xác định tại các bệnh viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Bệnh viện Đà Nẵng (thành phố Đà Nẵng) khiến nhiều bệnh nhân, người nhà, nhân viên y tế nhiễm bệnh, Bộ Y tế đã yêu cầu tất cả các bệnh viện không cho người nhà chăm sóc bệnh nhân tại 3 khoa đặc biệt, yêu cầu người dân ngừng thăm bệnh nhân để tránh COVID-19.

Trao đổi với phóng viên TTXVN về văn hóa thăm người ốm của người Việt trong bối cảnh dịch COVID-19, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn – Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã khẳng định: "Việc đến thăm người ốm trong bệnh viện khiến dịch bệnh dễ lây lan vì thế cần phải thay đổi hành vi này để mỗi cá nhân và toàn xã hội trở nên an toàn hơn".  

Chú thích ảnh
Bệnh viện Đà Nẵng trong thời gian thực hiện cách ly y tế toàn bệnh viện. Ảnh minh họa: Trần Lê Lâm/TTXVN

*Thưa ông, việc thăm nom người quen, thân khi họ đau ốm, bệnh tật có phải là nét văn hóa truyền thống của dân tộc ta hay không?

Việc thăm người ốm vừa là nét văn hoá truyền thống, vừa là cách ứng xử hiện đại của người Việt. Người Việt thường quan tâm đến nhau theo kiểu gia đình. Cách xưng hô trong xã hội là một biểu hiện của đặc điểm đó. Vì thế, khi có một ai đó ốm đau, không kể là người thân trong gia đình, điều trị ở nhà hay trong bệnh viện, những người quen biết cũng đều mong muốn đến động viên người bị bệnh. 

Bên cạnh đó, bệnh viện của chúng ta trước kia cũng khá thoải mái trong việc để người nhà, người quen đến thăm bệnh nhân vì liên quan đến chuyện tình nghĩa, hay do điều kiện các bệnh viện cũng gặp khó khăn, cần có sự giúp sức từ người nhà bệnh nhân trong việc chăm sóc người ốm, nên việc thăm nom người ốm trở thành chuyện bình thường, ai cũng biết, ai cũng hiểu. Lâu dần, chuyện này trở thành thói quen xã hội. Đó là lý do tại sao, chúng ta thấy có rất nhiều người đến thăm người bị ốm trong các bệnh viện. Điều chúng ta ít thấy ở các quốc gia khác.

* Việc thăm nom này thể hiện được điều gì trong văn hóa người Việt Nam từ xưa đến nay, thưa ông?

Điều này bắt nguồn từ đặc điểm văn hoá của người Việt là tính cộng đồng, tình làng, nghĩa xóm, cách thức họ hàng ngày sống quây quần với nhau trong một đơn vị tụ cư cụ thể, thường đó là làng. Mọi người coi nhau như anh em, người cùng một nhà nên mỗi khi gặp khó khăn hay đau ốm, mọi người thường đến thăm nhau như một hình thức động viên, chia sẻ đối với gia đình và bản thân người bị bệnh. 

Chúng ta thấy có nhiều câu ca dao, tục ngữ thể hiện sự chia sẻ này như: lá lành đùm lá rách, thương người như thể thương thân, bầu ơi thương lấy bí cùng,... như là những ví dụ cụ thể cho thấy chăm sóc nhau được xem là một hành vi đẹp, nghĩa vụ đạo đức của mọi người dân. 

Trong bối cảnh xã hội trước kia, khi điều kiện sống còn khó khăn, tính cộng đồng cao, việc chia sẻ này có ý nghĩa tích cực trong việc tạo ra sự đoàn kết, giúp mỗi cá nhân và các gia đình vượt qua khó khăn, từ đó, hình thành nên sự ổn định cho xã hội.

* Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay cho thấy, việc thăm người ốm tại bệnh viện là hành vi tiềm ẩn sự nguy hiểm, tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Bộ Y tế cũng đã có khuyến cáo hạn chế người dân chăm bệnh, thăm bệnh tại bệnh viện. Theo ông, đây có phải là cơ hội để thay đổi thói quen này hay không và vì sao cần phải thay đổi?

Bối cảnh xã hội hiện nay đã khác trước, vì vậy, có những thói quen cũ trước đây rất tốt, nay chưa thực sự phù hợp, và cần có sự thay đổi. Những trường hợp ổ dịch như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đà Nẵng cho chúng ta thấy nguy cơ lây nhiễm từ những thói quen đến thăm người ốm. 

Bệnh viện thực tế là nơi đặc biệt để chữa trị cho người bị bệnh. Đây là nơi rất dễ xảy ra các lây nhiễm, và việc lây nhiễm này sẽ nghiêm trọng nếu nguồn lây bệnh được phát tán ra bên ngoài từ những người thăm nom bệnh nhân.

Chính vì thế, Bộ Y tế đã có khuyến cáo hạn chế người dân thăm người bệnh tại bệnh viện. Đấy là lý do chúng ta cần phải thay đổi thói quen đến thăm bệnh nhân. 

Đây cũng là cơ hội để chúng ta thay đổi thói quen, hình thành nên cách ứng xử văn minh trong bối cảnh xã hội mới.

Ở đây tôi muốn nhắc đến tác phẩm Đời sống mới, ở đó Bác Hồ đã từng viết: "Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ… Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý… Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm… Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm". Vì vậy, chúng ta cần phải thay đổi thói quen để phù hợp hơn với đời sống mới, hoàn cảnh sống hiện tại. Tuy nhiên, sự thay đổi thói quen là vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự nỗ lực của mỗi cá nhân và toàn xã hội, phải được thực hiện bền bỉ, liên tục.

* Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, nếu muốn thể hiện sự quan tâm với người đau ốm, cộng đồng nên làm cách nào để đảm bảo an toàn cho người ốm lẫn bản thân, thưa ông?

Việc đến thăm người ốm trong bệnh viện khiến dịch bệnh dễ lây lan vì thế cần phải thay đổi hành vi này để mỗi cá nhân và toàn xã hội trở nên an toàn hơn. 

Để làm được điều đó, chúng ta cần hiểu rằng, thể hiện sự quan tâm chăm sóc đối với người khác là một hành động tốt, mang tính đạo lý. Tuy nhiên, điều đó cũng không có nghĩa là chúng ta nhất định phải đến thăm tại bệnh viện, hay kể cả đến nhà riêng. 

Có nhiều cách để bảo đảm an toàn sức khoẻ cho người ốm và bản thân như: Trước hết, mỗi người phải ý thức về việc giữ gìn sức khoẻ của chính mình. Không bị ốm và không truyền bệnh sang người khác cũng là một việc tốt lành. Khi chúng ta có ý thức tốt về vấn đề này, chúng ta sẽ có cách ứng xử phù hợp trong việc đến thăm bệnh nhân. 

Thứ hai, các bệnh viện nên có những quy định cụ thể hơn nữa trong việc chăm sóc, thăm nom người ốm. Những quy định này, sau khi được thực hiện nghiêm túc trong một khoảng thời gian nhất định, sẽ tạo thành thói quen mới cho người nhà và người quen của bệnh nhân. 

Thứ ba, các phương tiện truyền thông như mạng xã hội, điện thoại di động có thể xem là những hình thức liên lạc mới, giúp chúng ta vừa có thể có hình thức quan tâm đến người bệnh, vừa bảo đảm sự cách ly với nguồn gây bệnh.

*Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Giang/TTXVN (thực hiện)