11:23 30/11/2011

PGS.TS Bùi Đức Dương, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS-“Nỗ lực để có đủ thuốc điều trị HIV khi các nguồn tài trợ rút đi”

Hiện nay, khi các nguồn kinh phí từ các tổ chức quốc tế vẫn được duy trì,thì thuốc ARV mới chỉ đến được với khoảng 1/3 số bệnh nhân HIV có nhu cầu được điều trị bằng ARV.

Hiện nay, khi các nguồn kinh phí từ các tổ chức quốc tế vẫn được duy trì,thì thuốc ARV mới chỉ đến được với khoảng 1/3 số bệnh nhân HIV có nhu cầu được điều trị bằng ARV.

Vậy, làm thế nào để mục tiêu “Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV” mà ngành y tế đặt ra trong Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2011 không chỉ là khẩu hiệu?

PGS.TS Bùi Đức Dương - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế, trao đổi với Tin Tức xung quanh vấn đề này.

Chỉ khi nào mọi người dân đều đều biết cách phòng tránh và chủ động áp dụng các biện pháp tránh lây nhiễm HIV thì khi đó mới không có người nhiễm HIV mới. Nhưng để đạt được mục tiêu này là điều vô cùng khó, vậy đâu là căn cứ để ngành y tế chọn chủ đề của Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2011 là “Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV”, thưa ông?

Vào tháng 6/2011, tại Hội nghị cấp cao của Đại Hội đồng Liên hợp quốc, Chương trình Phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đã chính thức chọn chủ đề chung cho các Chiến dịch phòng, chống AIDS toàn cầu trong giai đoạn 2011-2015 là“Hướng tới mục tiêu ba không: Không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS”.

Liên hợp quốc khuyến cáo, hàng năm các quốc gia, tùy theo tình hình dịch HIV/AIDS và thực tế công tác phòng, chống HIV/AIDS có thể lựa chọn các ưu tiên khác nhau để hướng tới mục tiêu “Ba không” nói trên. Trên cơ sở đó, Việt Nam đã chính thức chọn chủ đề cho Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2011 là: “Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV”.

Bên cạnh đó, một số minh chứng cho thấy đến giai đoạn này có thể thanh toán và loại trừ dần HIV ra khỏi cộng đồng dân cư. Thứ nhất, các nghiên cứu về điều trị đã rút ra kết luận, nếu người nhiễm HIV được điều trị ARV sớm thì sẽ giảm tới 96% khả năng lây nhiễm sang những người xung quanh khi không có các phương tiện bảo vệ. Thứ 2, nếu điều trị sớm ở bệnh nhân lao nhiễm HIV thì cũng giảm khả năng lây nhiễm xuống 46%. Với phụ nữ mang thai nhiễm HIV, việc điều trị sớm và tích cực có thể giảm khả năng lây nhiễm sang thai nhi xuống còn 1- 2% (tỷ lệ lây nhiễm không điều trị là 30- 40%).

Sau khi có các kết quả nghiên cứu này, chiến lược phòng, chống HIV của thế giới đã thay đổi, coi “điều trị là dự phòng”. Vì vậy, làm cách nào để phát hiện sớm và có thêm nhiều người được điều trị sớm là một vấn đề rất quan trọng, cần được đặc biệt ưu tiên đầu tư.

Để làm tốt công tác điều trị đòi hỏi phải phát hiện sớm bệnh nhân và quản lý họ thật tốt nhằm tránh tình trạng không tuân thủ điều trị, gia tăng tỷ lệ kháng thuốc. Tuy nhiên, đến nay mạng lưới phòng, chống HIV chưa đủ mạnh để triển khai hiệu quả công tác này. Thời gian tới, có biện pháp nào hữu hiệu hơn không, thưa ông?

Hiện nay, ước tính tại Việt Nam có khoảng 190.000 người nhiễm HIV còn sống, trong đó khoảng 150.000 bệnh nhân cần được tiếp cận điều trị thuốc ARV. Tuy nhiên do nguồn lực có hạn nên hiện chỉ có 54.637 người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV( 96,7% bệnh nhân đang được điều trị bằng ARV phác đồ bậc 1 và 3,3% bệnh nhân đang điều trị phác đồ bậc 2). Dự báo năm 2015, Việt Nam sẽ có khoảng 300.000 người nhiễm HIV, trong đó có 140.000 người cần được điều trị bằng thuốc ARV.

Quả thực, trong thời gian qua, việc phát hiện bệnh nhân HIV ở giai đoạn muộn có tỷ lệ rất cao. Sau đó, vì kinh phí có hạn, không có đủ thuốc nên có tình trạng không quản lý được số bệnh nhân HIV.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ chú trọng hơn trong khâu quản lý nguồn lây. Trước đây, quan điểm là xét nghiệm cho người nhiễm xong thì giấu tên, không thông báo nên họ đi đâu thì mình cũng không quản lý được. Nhưng chủ trương tới đây là cố gắng quản lý tất cả những người đã được chẩn đoán là dương tính.

Như thế, nhu cầu về thuốc men, xét nghiệm… là rất cao. Đây chính là thách thức rất lớn đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian tới. Đòi hỏi phải tận dụng mạng lưới từ TƯ đến cơ sở, tăng cường xét nghiệm, nhất là đối tượng nguy cơ cao, cung cấp đủ test, thuốc điều trị…

Nhu cầu đầu tư cho công tác điều trị cho bệnh nhân HIV ngày càng cao mà nguồn lực tài chính thì ngày càng giảm mạnh. Vậy cần làm gì để đạt mục tiêu “Không còn người nhiễm HIV mới”, thưa ông?

Trước mắt, việc duy trì cấp thuốc miễn phí cho bệnh nhân HIV đã được cam kết đến hết năm 2012. Tuy nhiên kinh phí để duy trì nguồn thuốc cho bệnh nhân HIV sau khoảng thời gian này đang là vấn đề đau đầu đối với những người làm công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Tuy nhiên, các bạn nhiễm HIV cũng không nên quá lo lắng vì Đảng, Nhà nước và những người làm công tác phòng, chống HIV/AIDS đang nỗ lực để có thể đảm bảo nguồn thuốc điều trị khi các nguồn tài trợ rút đi.

Tới đây, chương trình phòng, chống HIV/AIDS có lẽ sẽ chính thức được trở thành chương trình riêng biệt, có thể kinh phí cao hơn trước đây một chút. Và hy vọng Chính phủ cũng sẽ có sự đầu tư mạnh hơn cho công tác này. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn tiếp tục kêu gọi các nhà tài trợ, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế. Đồng thời, tăng cường đầu tư sản xuất thuốc ARV trong nước, tiến tới tự sản xuất, cung cấp thuốc ARV trong nước. Đặc biệt về lâu dài, sẽ tiến đến cung cấp thuốc ARV qua hệ thống bảo hiểm y tế và xã hội hóa việc điều trị bằng thuốc ARV với người bệnh có khả năng tự chi trả.

Xin cảm ơn ông!