Với việc thí điểm kinh doanh xăng sinh học E10 từ ngày 1/8 tới đây tại các cửa hàng xăng dầu Petrolimex thuộc Thành phố Hồ Chí Minh (trước sáp nhập), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong của doanh nghiệp nhà nước trong xây dựng hệ sinh thái năng lượng sạch.
Lợi ích “kép” của xăng sinh học
Petrolimex thí điểm kinh doanh xăng sinh học E10 từ ngày 1/8/2025. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
Bộ Công Thương đang tham mưu để trình Chính phủ ban hành lộ trình sử dụng xăng E10, dự kiến thực hiện từ ngày 1/1/2026, nhằm giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện cam kết của Chính phủ đưa phát thải ròng về 0 (Net Zero) vào năm 2050.
Theo quy định tại QCVN 01:2022/BKHCN về xăng, nhiên liệu điêzen và nhiên liệu sinh học, xăng E10 là xăng thành phẩm được pha chế từ xăng khoáng với cồn sinh học theo tỷ lệ 9 – 10% thể tích.
Không chỉ góp phần giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, xăng E10 còn có những ưu điểm vượt trội trong vận hành động cơ và bảo vệ môi trường.
Theo các nghiên cứu trong nước và quốc tế, cồn sinh học Ethanol có hàm lượng oxy cao, giúp cải thiện quá trình đốt cháy của hỗn hợp nhiên liệu. Vì vậy, xăng E10 có thể giúp giảm 20% lượng khí thải CO và HC so với xăng khoáng truyền thống, đồng nghĩa với việc giảm nguy cơ gây ô nhiễm không khí và hiệu ứng nhà kính - một trong những nguyên nhân chính gây biến đổi khí hậu toàn cầu.
Thêm vào đó, xăng E10 còn được đánh giá là nhiên liệu thân thiện với động cơ. Ethanol có trị số Octan cao (trên 100), khi pha trộn với xăng khoáng sẽ giúp nâng cao trị số Octan của xăng E10, nhờ vậy tạo điều kiện cho quá trình cháy trong buồng đốt diễn ra đồng đều, triệt để và ổn định hơn, tăng hiệu suất sinh công và hạn chế hiện tượng kích nổ sớm - một nguyên nhân gây hại cho động cơ.
Các kết quả nghiên cứu của đề tài cấp Nhà nước và Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu (ACEA) đều khẳng định xăng E10 tương thích với các loại động cơ xăng hiện nay, kể cả động cơ thế hệ cũ.
Trên thế giới đã có hơn 60 quốc gia sử dụng phổ biến xăng E10; nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, như Mỹ, Châu Âu đã ban hành luật bắt buộc sử dụng các nhiên liệu phối trộn giữa xăng với nhiên liệu sinh học nguyên chất. Từ năm 2018, nhiều nước trong khu vực như Trung Quốc, Phillipines đã chuyển hoàn toàn sang sử dụng xăng sinh học E10 trong khi xăng khoáng chỉ được sử dụng để pha chế, còn lại bị cấm bán lẻ tại cửa hàng xăng dầu.
Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng về tình hình cung ứng xăng dầu cho thị trường và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025 mới đây, Bộ Công Thương đã chỉ đạo quyết liệt việc tăng cường sử dụng xăng sinh học, đặc biệt là xăng E10, thay thế dần xăng khoáng. Việc chuyển đổi sang sử dụng xăng E10 là bước đi quan trọng trong lộ trình thực hiện phát thải theo cam kết của Chính phủ.
Đồng bộ về chính sách chuyển đổi xanh
Theo mục tiêu chiến lược đến năm 2035, Petrolimex phấn đấu trở thành Tập đoàn năng lượng đứng đầu Việt Nam về những sản phẩm năng lượng xanh, sạch, chất lượng cao, thân thiện với môi trường dựa trên nền tảng công nghệ 4.0 và chuyển đổi số toàn diện. Vì vậy, việc kinh doanh xăng sinh học là một phần quan trọng trong định hướng chuyển đổi năng lượng của Petrolimex. Hiện Petrolimex đang thực hiện nâng cấp cơ sở hạ tầng bán lẻ và mở rộng mạng lưới phối trộn Ethanol nhiên liệu, đồng thời tăng cường phối hợp với các đơn vị sản xuất Ethanol trong và ngoài nước nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định, phục vụ hoạt động kinh doanh nhiên liệu sinh học bền vững.
Cùng với kinh doanh xăng sinh học, Petrolimex đang nghiên cứu các giải pháp năng lượng mới như hydrogen và một số loại nhiên liệu tái tạo, phù hợp với xu hướng chuyển dịch năng lượng và yêu cầu giảm phát thải. Trong khuôn khổ hợp tác chiến lược với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Tập đoàn đã đặt mục tiêu xây dựng lộ trình chuyển đổi năng lượng thực hiện phát thải theo cam kết của Chính phủ.
Ông Trần Ngọc Năm – Thành viên Hội đồng quản trị, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex cho biết, Petrolimex dự kiến sẽ thí điểm kinh doanh xăng sinh học E10 từ ngày 1/8 tới đây tại các cửa hàng xăng dầu trong hệ thống Petrolimex tại Thành phố Hồ Chí Minh trước sáp nhập. Mục tiêu để đánh giá phản ứng thị trường, hành vi của người tiêu dùng và mức độ đáp ứng kỹ thuật của hệ thống phân phối, từ đó giúp Petrolimex triển khai thành công trong toàn hệ thống.
Ông Trần Ngọc Năm cũng cho biết, việc kinh doanh xăng E10 đòi hỏi sự chuẩn bị nghiêm túc về hạ tầng, công nghệ, bồn chứa chuyên dụng cho cồn nhiên liệu và sự phối hợp chặt chẽ từ các nhà máy lọc dầu. Vì vậy, Petrolimex đề xuất Bộ Công Thương sớm có chỉ đạo về tiến độ triển khai, để các thương nhân đầu mối chủ động đầu tư và chuyển đổi hệ thống kỹ thuật đồng thời kiến nghị điều chỉnh một số tiêu chuẩn kỹ thuật hiện tại phù hợp với nguồn xăng khoáng trên thị trường quốc tế và tương đồng với yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật trong khu vực.
Theo ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, việc triển khai sử dụng nhiên liệu sinh học áp dụng đồng bộ cả nước cần phải có lộ trình cụ thể với thời gian chuẩn bị tối thiểu là 6 tháng để doanh nghiệp thực hiện. Bên cạnh đó, cần sớm công bố dự thảo quyết định thay thế Quyết định 53 của Thủ tướng để lấy ý kiến công khai, tập trung sửa đổi một số quy định bất cập liên quan đến thị trường xăng dầu và chất lượng sản phẩm, về quản lý kinh doanh xăng dầu, quy chuẩn đối với xăng E10...
Để triển khai có hiệu quả lộ trình phối trộn và sử dụng xăng E10 như kế hoạch, Bộ Công Thương đã yêu cầu các đơn vị liên quan xây dựng các nhóm giải pháp đồng bộ như: Hỗ trợ giá Ethanol nội địa để ổn định nguồn cung và giảm giá thành xăng E5/E10; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho xăng E10; tăng cường truyền thông cộng đồng; khuyến khích doanh nghiệp mở rộng hệ thống phân phối nhiên liệu sinh học, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo…
Trước đó, ngày 5/7, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 6246/VPCP-CN thông báo Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đồng ý với Tờ trình số 4594/TTr-BCT của Bộ Công Thương về việc xây dựng quyết định thay thế Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg ngày 22/11/2012 về việc ban hành lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống.