01:18 29/01/2014

Peru bắt đầu vẽ lại biên giới biển với Chile

Chính phủ Peru thông báo bắt đầu tiến hành vẽ lại bản đồ vùng biển của nước này, chỉ một ngày sau khi Tòa án công lý quốc tế (ICJ) có trụ sở tại La Hay (the Hague, Hà Lan) ra phán quyết về tranh chấp chủ quyền biển giữa Peru và Chile...

Ngày 28/1, Chính phủ Peru thông báo bắt đầu tiến hành vẽ lại bản đồ vùng biển của nước này, chỉ một ngày sau khi Tòa án công lý quốc tế (ICJ) có trụ sở tại La Hay (the Hague, Hà Lan) ra phán quyết về tranh chấp chủ quyền biển giữa Peru và Chile, theo đó Lima giành được một vùng biển rộng lớn do Santiago kiểm soát.

Ranh giới biển giữa Peru và Chile sau phán quyết của ICJ. Ảnh minh họa. Nguồn: TVN


Chánh văn phòng nội các Peru Cesar Villanueva cho biết Hải quân nước này đã bắt tay vào công việc vẽ bản đồ ngay sau phán quyết của ICJ về việc phân định ranh giới biển với Chile. Liên quan đến quy trình tiến hành, theo ông Villanueva, các đơn vị chức năng Peru phải thực hiện nhiều hoạt động kiểm tra và hợp tác, tuy nhiên không cần thiết phải đàm phán hay lập ủy ban chung với Chile. Quan chức này cho biết có kế hoạch đưa các tàu nghiên cứu tới khu vực và tiến hành các hoạt động cùng với Bộ Sản xuất và Viện Hải Dương.

Các bước đi trên diễn ra trong bối cảnh Thượng viện Chile tổ chức một cuộc họp đặc biệt ngay sau phán quyết của ICJ trong đó nhận định quyết định trên là "tùy tiện" và thiếu "nền tảng pháp lý". Chile cho rằng phán quyết trên còn có nghĩa rằng yêu sách của Peru về giới hạn lãnh hải 200 hải lý là không còn giá trị, và Peru phải sửa đổi luật của họ cho thích hợp.

Trước đó, hôm 27/1, ICJ đã ra phán quyết cuối cùng cho vụ tranh chấp chủ quyền trên biển giữa Peru và Chile, theo đó, Lima giành được một vùng biển rộng lớn, tới 50.000 km2 - chiếm hơn 70% diện tích biển mà nước này kiện đòi Chile, trong khi Santiago vẫn giữ được một khu vực gần bờ - nơi có nguồn hải sản phong phú hơn. Hầu hết các nhà phân tích đều đánh giá đây là một phán quyết mang tính thỏa hiệp. Đồng thời, theo họ, việc thực thi cũng sẽ rất khó khăn nếu hai nước không tự nguyện và tôn trọng phán quyết, do quyết định trên không bao gồm cơ chế bắt buộc tuân thủ.

Tuy nhiên cho đến nay, cả hai chính phủ đều công khai bày tỏ sự sẵn sàng tuân thủ quyết định của La Hay.

Vụ kiện trên được Peru và Chile chính thức đưa ra ICJ hồi tháng 1/2008 sau khi không giải quyết được tranh cãi qua đàm phán song phương. Chile và Peru đã ký hai thỏa thuận phân chia vùng biển vào các năm 1952 và 1954, tuy nhiên Peru cho rằng hai hiệp ước đó chỉ là xác định khu vực đánh cá, và cho đến nay giữa hai nước vẫn chưa có một hiệp ước phân định hải giới.


TTXVN/ Tin tức