05:12 17/05/2016

PCA có ngăn được Trung Quốc ở Biển Đông?

Trong bối cảnh phán quyết về "đường lưỡi bò" của Trung Quốc sắp được đưa ra, Bắc Kinh và Washington đua nhau tìm hậu thuẫn. Hầu hết các dự đoán đều cho rằng Bắc Kinh có khả năng thua.

Một trong những đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp xây dựng trái phép thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Liên quan tới tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, ngày 13/5, tờ Le Temps đăng bài viết nhan đề: “Liệu La Haye có ngăn được Trung Quốc tiếp tục bành trướng?” khi nhận định về vụ kiện của Philippines tại Tòa trọng tài thường trực (PCA) chống lại Trung Quốc.

Bài báo cho rằng trong thời gian qua, Trung Quốc đã không ngừng bành trướng lãnh thổ. Quân đội nước này đã “đẽo gọt” các hòn đảo, lấp biển, xây dựng cảng, nhà ở trên vùng biển đang có tranh chấp với các nước khác. Biển Đông là trung tâm của vùng biển nhộn nhịp nhất thế giới và việc Trung Quốc ngăn cản các nước tiếp cận khu vực này có thể sẽ gây ra cuộc xung đột giữa Washington và Bắc Kinh. Trung Quốc tuyên bố các nước cần phải tôn trọng chủ quyền của mình, Mỹ thì nhấn mạnh cần đảm bảo quyền tự do hàng hải của tàu thuyền Mỹ và đồng minh. 

Viện dẫn một tấm bản đồ xuất bản năm 1947, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông theo đường đứt khúc 9 đoạn, thực tế là ôm trọn vùng biển này. Để đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc, năm 2013, Philippines đã đệ đơn lên PCA để tìm kiếm sự công nhận đối với chủ quyền vùng biển mà Manila gọi là Biển Tây Philippines. Quyết định sẽ được đưa ra trong năm nay và theo nhiều chuyên gia phán quyết sẽ có lợi cho Philippines và chống lại Trung Quốc.

Mặc dù đã ký Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, Trung Quốc từ lâu tuyên bố sẽ không tuân thủ quyết định của PCA. Và đây sẽ là một thử thách với Washington khi trật tự quốc tế mà nước này lãnh đạo phải đối mặt với thách thức đến từ trật tự mới của Trung Quốc. Trong những ngày này, Bắc Kinh đặc biệt căng thẳng. Ngay trước khi PCA chuẩn bị ra phán quyết, căng thẳng đã leo thang khi Trung Quốc gia tăng hoạt động xây dựng, cải tạo đảo. Ở phía bên kia, Mỹ đã đẩy mạnh hơn các hoạt động quân sự trong khu vực thông qua việc cử các tàu chiến áp sát các đảo Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Hiện nay, tại khu vực này có không ít hơn 3 tàu sân bay của Mỹ đang hoạt động. 

Bên cạnh đó, tình hình chính trường Philippines đã có sự thay đổi. Chiến thắng của ứng viên Tổng thống theo chủ nghĩa dân túy Rodrigo Duterte hồi đầu tuần này khiến căng thẳng trên Biển Đông trở nên khó dự báo. Ông Duterte sẽ đối mặt với Trung Quốc thế nào? Tiếp tục xu hướng quốc gia chủ nghĩa như người tiền nhiệm hay đón nhận đầu tư để từ bỏ tiến trình pháp lý tại La Haye (The Hague). Đây sẽ là vấn đề đối ngoại đầu tiên mà ông Duterte phải xử lý khi nhậm chức Tổng thống Philippines mà khả năng là sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc. Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông này từng tuyên bố sẽ tới một trong những hòn đảo mà Trung Quốc đang chiếm đóng. Còn Trung Quốc vẫn không ngừng chiến dịch chia rẽ các nước ASEAN và nhấn mạnh cần giải quyết tranh chấp bằng con đường song phương. 

Sau hai năm xem xét, quyết định cuối cùng sẽ được PCA đưa ra trong vài tuần tới, với nhiều khả năng sẽ khiến Trung Quốc tức giận. Nhưng liệu như vậy câu chuyện có chấm dứt? Bài báo nhận định phán quyết sẽ khiến tình hình tại vùng biển này thêm phức tạp.

Trong bối cảnh phán quyết về "đường lưỡi bò" của Trung Quốc sắp được đưa ra, Bắc Kinh và Washington đua nhau tìm hậu thuẫn. Hầu hết các dự đoán đều cho rằng Bắc Kinh có khả năng thua. Như để dự phòng khả năng đó, trong thời gian gần đây, Bắc Kinh đã mở cả một mặt trận ngoại giao nhằm chiêu mộ các nước ủng hộ quan điểm Biển Đông của Trung Quốc. Cùng lúc đó, Mỹ cũng tăng tốc vận động quốc tế hậu thuẫn cho phán quyết sắp được đưa ra.

Hãng tin Mỹ Bloomberg ngày 13/5 cho biết trong những ngày qua, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã liên tiếp thuyết phục các nước lớn nhỏ, từ Nga, Ba Lan ở châu Âu, cho đến Gambia ở châu Phi, để các nước này ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh, theo đó PCA không có thẩm quyền phán xử về Biển Đông, các tranh chấp tại đó nên được giải quyết song phương giữa các nước có liên quan. Hãng tin Mỹ còn ghi nhận là thậm chí Bắc Kinh còn bỏ công "ve vãn" cả một đảo quốc tí hon ở miền Nam Thái Bình Dương là Fiji để nước này ủng hộ lập trường của Trung Quốc. Các đại sứ Trung Quốc ở các nước đã được lệnh “đăng đàn thuyết pháp” về quan điểm Biển Đông của nước này, đồng thời yêu cầu các nước không nên “xía” vào vấn đề này.

Các nước ASEAN là một trọng tâm thuyết phục. Ngoại trưởng Trung Quốc vừa ghé Brunei, Lào và Campuchia xong, thì Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc phụ trách ngoại giao đã lên đường thăm Malaysia và Indonesia. Dĩ nhiên là Bắc Kinh không ngần ngại khoe khoang thành công của mình, như đã đơn phương loan báo là đã có ít nhất ba nước ASEAN là Lào, Campuchia và Brunei “đồng thuận” với chính sách Biển Đông của Trung Quốc, điều chưa thấy các nước này xác nhận công khai, thậm chí Campuchia còn lên tiếng cải chính.

Theo các nhà quan sát, nếu lập trường của Trung Quốc về phán quyết của PCA được nhiều nước ủng hộ, Bắc Kinh sẽ tránh được tai tiếng là kẻ coi thường luật quốc tế khi bác bỏ phán quyết bất lợi của PCA. Điểm đáng chú ý là Mỹ, nước không có bất kỳ tranh chấp lãnh thổ nào ở Biển Đông, cũng không ngừng vận động các nước khác thể hiện rõ quan điểm ủng hộ phán quyết sắp tới của PCA, đồng thời lên tiếng yêu cầu Trung Quốc phải tôn trọng phán quyết này.

Ngay từ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- ASEAN hồi đầu năm, chính Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cố gắng thuyết phục các đối tác Đông Nam Á về nhu cầu có lập trường thống nhất, công khai ủng hộ phán quyết của PCA. Tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 sắp diễn ra tại Nhật Bản, chắc chắn ông Obama cũng sẽ tìm kiếm hậu thuẫn của các cường quốc công nghiệp phát triển trong vấn đề này. Ở cấp thấp hơn, ông Daniel Russel, trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, cũng vừa hoàn tất một vòng công du mới tại Lào, Việt Nam và Malaysia, nơi vấn đề tôn trọng phán quyết của PCA cũng được gợi lên.

Ngoài nhóm G7, Liên minh châu Âu cũng đã lên tiếng nhấn mạnh đến nhu cầu tôn trọng phán quyết của tòa quốc tế về Biển Đông. Nhìn chung, trong cuộc đua tìm hậu thuẫn, Mỹ đang thắng vì được sự ủng hộ của rất nhiều nước, chủ yếu là các nước lớn. Vấn đề là cho đến nay, trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc vẫn có dấu hiệu xem thường dư luận quốc tế.
TTXVN/Tin Tức