03:14 26/03/2015

Parma phá sản, vì sao thế?

Tòa án Italy đã chấp nhận đơn xin phá sản của CLB lừng danh một thời của bóng đá đất nước hình chiếc ủng.

Tòa án Italy đã chấp nhận đơn xin phá sản của CLB lừng danh một thời của bóng đá đất nước hình chiếc ủng.

Tuyên bố ngậm ngùi


Hồi giữa tuần trước, Parma đã nộp đơn xin phá sản lên tòa án Italy. Chỉ 10 phút sau, tòa án Italy đã quyết định “giải thoát” cho CLB này khi chấp nhận đơn xin phá sản của Ducali (biệt danh của Parma).

Parma khi còn hoàng kim.



CLB đã không thể gánh được số nợ khổng lồ lên tới 100 triệu euro, dù cho đã liên tục đổi chủ nhằm cứu vãn tình thế. Đầu mùa này, đội bóng vùng Emilia vừa bị cấm dự Europa League vì không đảm bảo được yêu cầu về tài chính.

Dội thêm một gáo nước lạnh vào khủng hoảng tài chính của họ, chủ sở hữu hiện tại của Parma, ông Giampietro Manenti vừa bị bắt với tội danh “rửa tiền” chỉ vài ngày trước khi đơn xin phá sản được đưa ra. Manenti là chủ sở hữu thứ 3 của Parma mùa giải này, sau nhiều thương vụ bán mua CLB thất bát.

Các cầu thủ và nhân viên của CLB Parma trong suốt nhiều tháng qua đã không được trả lương. Các cầu thủ phải tự lái xe buýt của đội bóng, các trận đấu bị hoãn lại bởi CLB không thể trả công cho người phục vụ hay dịch vụ cảnh sát sân đấu của Liên đoàn bóng đá Italy. Kể từ giữa tháng hai, các cầu thủ của CLB đã từ chối thi đấu sau hàng loạt hứa hẹn sẽ trả lương đầy đủ không được thực hiện.

Để “nuôi sống” đội bóng cho tới trọn vẹn mùa giải này, Ban tổ chức Serie A đã quyết định rót 5 triệu euro, trích ra từ quỹ phạt của các CLB để hỗ trợ cho Parma. Sau đó, đội bóng này sẽ giải thể và có thể sẽ chính thức bị xóa sổ khỏi bản đồ bóng đá Italy nếu những người lãnh đạo của họ không muốn làm lại bằng việc việc thi đấu ở giải hạng nghiệp dư ở Italy.

Vì sao thế Parma?

Nhà vô địch Cúp UEFA các năm 1995 và 1999 từng bước thất thoát tài khoản sau nhiều đời chủ nhân. Đáng chú ý là khoảng thời gian cựu Chủ tịch Tomasso Ghirardi mua lại CLB từ tháng 1/2007 với giá 30 triệu euro. Trước Ghirardi, Parma chưa bao giờ tham dự vào thị trường chuyển nhượng với khối chi phí lớn, nhưng Ghirardi lại có kế hoạch khác khi đầu tư khoản lớn cho các cầu thủ còn tiềm năng. Đó là cách theo ông là để giúp Parma tăng sức cạnh tranh cùng các đội bóng lớn. Quả nhiên, qua 3 mùa bóng liên tiếp, đội bóng này lọt vào top 10 của Serie A trong đó có vị trí thứ 6 của mùa giải năm ngoái. Chỉ tính trong mùa hè 2013, Ghirardi đã bán và mua toàn bộ 260 cầu thủ, trong đó phần lớn là các cầu thủ trẻ.

Bán mua thua lỗ khiến Parma gặp khó khăn về tài chính trong năm vừa qua và bị cấm thi đấu tại Europa League do nợ thuế. Các cầu thủ không được nhận lương. Câu chuyện trở thành vụ bê bối tầm quốc gia.

Trốn tránh thất bại, Ghirardi bán CLB cho tập đoàn Dastraso Holdings với giá 1 triệu euro hồi tháng 12/2014. Chủ tịch mới là Rezart Taci. Nhưng tình hình không thay đổi. Taci và cộng sự Emir Kodra bán CLB cho Giampiero Manenti ngay trong tháng 2/2015 cũng với giá là 1 triệu euro. Nhưng Manenti cũng không phải là một người đáng tin cậy bởi ông này từng thất bại với đội bóng Brescia hồi đầu năm 2014.

Thiếu dòng tiền, CLB dần không thể trả nổi các hóa đơn điện nước chứ đừng nói đến lương cầu thủ. Các ngôi sao như Antonio Cassano với mức lương “khủng” nhất của CLB là 1,5 triệu euro/năm cũng lần lượt ra đi. Sau Cassano là hậu vệ của đội tuyển Italy Gabriele Palletta gia nhập vào CLB Milan, giá trị của bản hợp đồng này không được tiết lộ, Nicola Pozzi được bán cho Chievo với giá 1.000 euro.

Parma vẫn sẽ hoàn thành nốt mùa giải này, nhưng nhiều khả năng CLB một thời của những cầu thủ Italy sáng giá như Juan Sebastian Veron, Hernan Crespo, Fabio Cannavaro, Gigi Buffon, Faustino Asprilla và Lillian Thuram sẽ sớm biến mất trên bản đồ bóng đá thế giới.

Minh Đăng