01:11 13/01/2017

Paris Dakar 2017: Những người hùng cô độc trên đường đua hoang dã

Hàng năm, cứ vào tháng 1, các tay đua hàng đầu thế giới lại lao vào sa mạc, thử thách lòng dũng cảm trên những cung đường xa xôi, khắc nghiệt và khó khăn bậc nhất hành tinh. Chỉ những quyết đoán sống còn mới đưa con người ra khỏi những đường đua hoang dã mà ngay cả người dân bản địa cũng còn khó tìm lối ra.

Đội đua chỉ là nhân vật phụ

Trong những bức ảnh mà người ta ấn tượng nhất về Paris Dakar đều là những cỗ xe lăn trên những đồi cát, lao tung bùn những dòng suối hay lội sình lầy. Dấu ấn con người không có nhiều trong chặng đua khắc nghiệt nhất hành tinh bởi lẽ họ bị những cỗ xe địa hình cồng kềnh, cát và gió biến họ trở thành những nhân vật phụ. Con người chứng tỏ sự nhỏ bé của mình giữa thiên nhiên rộng lớn.

Cung đường tuyệt đẹp từ Bolivia đến Argentina khiến những chiếc xe cồng kềnh cũng trở nên bé nhỏ. Ảnh: Reuters

Hiếm có cuộc đua nào như Paris Dakar, thay vì để ý đến tay đua nào về nhất, có lẽ người hâm mộ quan tâm hơn đến danh sách các tay đua bỏ cuộc mỗi ngày một dài thêm. Xe hỏng thiếu đồ đồng bộ thay thế, lạc đường và bị bỏ quá xa hay vấn đề thể lực.

Chỉ có một mình tay đua vật lộn cứu chiếc xe bị sa lầy. Ảnh: Dakar


Ngay từ Dakar Rally lần đầu tiên được tổ chức năm 1978 chỉ chưa đầy một nửa trong số 182 xe đua xuất phát từ Paris, là có thể vượt qua đường đua sa mạc kéo dài gần 10.000 km về thủ đô Dakar của Senegal.

Tại giải đua 2017, một loạt các tay đua nổi tiếng phải ngậm ngùi ra về. Ngay từ chặng 3 tại Argentina, tay đua từng 2 lần vô địch Paris Dakar là Nasser Al-Attiyah đội Toyota đã phải rút lui khỏi giải vì xe hỏng quá nặng vì sụt hố cát. Nasser Al-Attiyah là nhà vô địch các năm 2011 và 2015 đã phải mất hơn 2 giờ để sửa xe tại vòng 3 nhưng cũng không thể khắc phục được.

Chặng đua thứ 4 cũng được xem là chặng đua khắc nghiệt nhất tại giải, diễn ra trên đất Bolivia. Chặng đua này khiến một lượng lớn tay đua phải bỏ cuộc trong đó có đương kim vô địch nội dung đua mô tô Toby Price. Sau một tai nạn, tay đua người Australia đã bị gẫy chân và buộc phải rời khỏi cuộc đua. Ở nội dung đua ô tô, tay đua từng vô địch năm 2010 Carlos Sainz cũng phải rút lui tại chặng đua này sau nỗi khiếp sợ xe hỏng và phải qua đêm giữa vùng hoang vu Tupiza cùng chiếc xe bị hỏng không thể khắc phục.

Sau một ngày dài mệt nhọc, chiếc xe được "tắm" cho sáng bóng trước cả khi các tay đua lo cho bản thân mình. Ảnh: Dakar

Bước vào chặng đua, các tay đua phải đối mặt với những 2 tuần ăn ở tạm bợ, những cơn khát, cái nóng hay sự vất vả đốn ngã chính mình. Tính đến chặng đua thứ 10 đầy cam go đã có 64 (trong tổng số 248) tay đua khuất phục trước Paris Dakar 2017 khi phải chia tay giải vì nhiều lý do.

Nghỉ ngơi bên một giáo đường nhỏ dọc đường. Ảnh: Dakar


Những chiếc xe và con đường là tâm điểm

Năm nay, giải đua xe thể thao địa hình Dakar Rally lần thứ 39 kéo dài từ ngày 3 - 15/1. Có tất cả 12 chặng đua. Chặng kết thúc có đích đến tại thủ đô Buenos Aires (Argentina). Dù là đường đua khắc nghiệt nhưng con số xe tham dự ngày càng tăng lên.

Những chiếc xe ngầu bụi mang lại vẻ đẹp cho Paris Dakar. Ảnh: AFP

Tất cả các đội đua đều có xe được sản xuất dành riêng cho đường đua Dakar Rally. Trước khi chính thức đi vào khởi tranh, các xe đều phải vượt qua các công đoạn kiểm tra kỹ thuật kéo dài trong 3 ngày.

Vẻ đẹp của hẻn núi vùng San Salvador de Jujuy, Argentina. Ảnh: Reuters


Cung đường đua năm nay kéo dài suốt 2 tuần lễ và trải qua 12 chặng, 9.000 km với những địa hình vô cùng hiểm trở khắc nghiệt ở 3 quốc gia là Paraguay, Bolivia và Argentina. Lần đầu tiên, Paris Dakar đi qua cả Paraguay. Có tất cả 248 xe đua bắt đầu ở điểm xuất phát ở cả 5 nội dung (xe máy, xe quad, ô tô, ô tô địa hình UTV, xe tải).

Hơn cả chiến thắng, từ công nghệ đến thiết kế phải được phô diễn cho một mùa giải thật thành công. Mỗi một đội xe đua là có cả một chiếc xe hỗ trợ với đầy đủ phụ kiện lỉnh kỉnh. Tại Paris Dakar người ta chứng kiến cả những chiếc xe hỗ trợ ấy cũng bị hư hỏng, bị dòng nước cuốn lật nghiêng trong cơn lũ quét.

Dakar Rally nổi tiếng về độ khó. Cung đường kéo quá dài tới 9.000 km liên miên. Tính ra mỗi chặng đua phải kéo dài 800 - 900 km. Khi là lạc đường, khi là tai nạn từ những vùng sỏi đá gồ ghề, tới các sa mạc cát trùng điệp đã lấy đi cả tính mạng của các tay đua. Vì thế, không cần phải những hư hỏng nặng mới khiến các tay đua chùn bước. Bỏng nắng cũng đã khiến nhiều tay đua phải kiểm tra y tế và điều trị nếu muốn quay lại với đường đua.

Lũ lụt khiến một xe tải lật nghiêng dọc đường. Ảnh: AFP


Thời tiết năm nay tại Nam Mỹ không thật ủng hộ các đội đua. Các diễn biến thời tiết bất thường như mưa lớn, lũ quét đã khiến cuộc đua phải tạm hoãn 2 chặng đua là chặng 6 và chặng 9.

Paris Dakar là đam mê

Dakar Rally nay được đổi tên là Paris Dakar là giải đua mở màn trong năm của bộ môn đua xe tốc độ. Nhưng thay vì cạnh tranh về tốc độ đơn thuần, Paris Dakar nặng nhất trong các môn đua xe địa hình khi luôn đặt ra những thử thách khó khăn ở những vùng hoang mạc xa xôi, thử thách sức mạnh của con người.

Cô đơn trên đường đua đầy ẩn họa. Ảnh: AFP

Năm 2008, giải đua bị hủy trước những lo ngại về an ninh tại nước Mauritania, Nam Phi và do liên tục xảy ra sự cố như các tay đua bị lạc đường hoặc bị các nhóm khủng bố bắt cóc. Cuộc đua danh tiếng và khốc liệt bậc nhất thế giới này buộc phải chuyển sang thi đấu ở khu vực Nam Mỹ từ năm 2009 .

Những con đường sình lầy. Ảnh: The Guardian

Tính đến vòng đua thứ 9, Sebastien Loeb hiện đang dẫn đầu ở nội dung đua xe ô tô, vượt qua tay đua cùng đội Peugeot là Stephane Peterhansel. Sebastien Loeb là tay đua giàu thành tích với 9 lần vô địch giải.

Người hâm mộ, động lực của mọi cuộc đua. Ảnh: AFP

Nội dung đua được quan tâm thứ 2 sau ô tô là xe mô tô. Tay đua người Anh Sam Sunderland đang tạm dẫn trên bảng xếp hạng tổng.

Chia sẻ về chặng đua hơn 100km cuối chặng 8 trong tình trạng không phanh sau, chàng trai người Anh cho thấy chỉ có đam mê mới đưa người ta đến với một chặng đua nguy hiểm đến vậy, đặc biệt cho các tay đua mô tô: “Đây thực sự là một chặng đua quá khó khăn vất vả. Trời mưa rất to, đường trơn khiến tôi phải khó khăn mới qua được nhiều đoạn. Tôi cũng phải dừng xe nhiều lần để thay kính, găng tay và những  thứ ngớ ngẩn khác. Chúng lấy đi của tôi nhiều thời gian. Tôi cũng chẳng còn nhìn thấy bản đồ, chẳng biết mình đi về đâu trong một ngày lầy lội và khó khăn như thế này”.

Minh Tuệ