01:14 05/01/2012

Paragoay ban bố tình trạng khẩn cấp vì dịch lở mồm long móng

Chính quyền Paragoay ngày 4/1 đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại một tỉnh phía Bắc nước này nhằm đối phó với dịch bệnh lở mồm long móng ở gia súc.

Chính quyền Paragoay ngày 4/1 đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại một tỉnh phía Bắc nước này nhằm đối phó với dịch bệnh lở mồm long móng ở gia súc.

Sau khi Tổng thống Fernado Lugo ban bố tình trạng khẩn cấp, các nhà máy đóng gói thịt động vật tại khu vực bị ảnh hưởng đã phải đóng cửa.


Ảnh minh họa. Nguồn: Internet


Ông Daniel Rojas, Giám đốc trung tâm Dịch vụ chất lượng và Y tế động vật của Paragoay cho rằng dịch bệnh lở mồm long móng bùng phát trở lại chủ yếu do các cơ quan chức năng của bang và các chủ trang trại đã lơ là quản lý việc chủng ngừa đàn gia súc theo định kỳ.

Trước đó hôm 3/1, nhà chức trách Paragoay đã ra lệnh tiêu hủy 150 gia súc bị nhiễm bệnh tại nông trại Amistad thuộc bang San Pedro. Địa điểm phát hiện các ổ dịch mới cách ổ dịch hồi tháng 9/2011 khoảng 30 km.

Các nước láng giềng của Paragoay cũng đã đẩy mạnh các biện pháp kiểm soát dịch bệnh tại khu vực biên giới. Urugoay đã ban hành lệnh cấm buôn bán vận chuyển vật nuôi, các sản phẩm từ động vật và các loại hàng hóa nhất định từ Paragoay qua biên giới. Bộ Nông Nghiệp nước này cũng đã cử cán bộ đến các trạm biên giới để tiến hành tẩy uế các phương tiện giao thông đã lưu thông qua Paragoay. Trong khi đó, Braxin - quốc gia xuất khẩu thịt bò lớn nhất thế giới- cũng phát động cảnh báo y tế tại các bang dọc biên giới, đồng thời cử quân đội đến hỗ trợ công tác kiểm soát y tế động vật tại khu vực này. Ngoài ra, nước này cũng cử một đội kĩ thuật đến thủ đô Asuncion của Paragoay để giám sát quá trình xuất khẩu thịt từ nước này sang Braxin.

Paragoay là một trong 10 nước xuất khẩu thịt bò lớn nhất thế giới. Tháng 9/2011, chính phủ nước này đã phải tạm ngừng hoạt động xuất khẩu thịt bò và ra lệnh thiêu hủy 1.000 gia súc khi dịch lở mồm long móng bùng phát. Dịch bệnh này đã khiến kim ngạch xuất khẩu thịt bò của Paragoay giảm từ 900 triệu USD trong năm 2010 xuống còn 700 triệu USD trong năm 2011.

TTXVN/ Tin Tức