05:08 26/05/2021

Palestine nhận hơn 100.000 liều vaccine ngừa COVID-19 qua cơ chế COVAX

Ngày 25/5, Chính quyền Palestine (PA) thông báo đã nhận được 102.960 liều vaccine Pfizer/BioNTech ngừa COVID-19 do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) viện trợ thông qua cơ chế COVAX của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Nguồn vaccine mới này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Palestine đang thiếu trầm trọng vaccine phục vụ chương trình tiêm chủng ở cả Bờ Tây và Dải Gaza.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Rafah, Palestine, ngày 3/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, hãng thông tấn WAFA dẫn lời Bộ trưởng Y tế Palestine Mai al-Kaila cho hay trong số vaccine trên, 56.160 liều được phân bổ cho Bờ Tây và 46.800 liều cho Gaza.

Đến nay, Palestine đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho hơn 290.500 người, trong đó hơn 203.000 người đã tiêm đủ 2 liều. Dải Gaza có tỷ lệ tiêm vaccine thấp hơn nhiều so với Bờ Tây, với chỉ khoảng 2% trong tổng số 2 triệu người dân Palestine đã được tiêm. Nguyên nhân của tình trạng này, theo các quan chức y tế, là do nguồn cung hạn chế, tâm lý lo ngại vaccine và nhiều người đã bị lây nhiễm.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành hãng dược phẩm quốc doanh Bio Farma của Indonesia, ông Honesti Basyir, cho biết kế hoạch tiếp nhận vaccine ngừa COVID-19 của Novavax (Mỹ) có thể bị chậm lại 1-2 tháng so với kế hoạch ban đầu vào tháng 7.

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, trong phiên điều trần trước Hạ viện, ông Honesti cho hay do số ca mắc COVID-19 cao bất thường tại Ấn Độ, việc bàn giao vaccine Novavax có thể sẽ bị trì hoãn đến tháng 8 hoặc tháng ”.

Trước đó, Indonesia đã ký thỏa thuận mua 50 triệu liều vaccine Novavax được sản xuất tại Ấn Độ. Thỏa thuận này do công ty con của Bio Farma là Indofarma ký kết với nhà sản xuất vaccine Novavax.

Giám đốc Honesti cho biết thêm rằng giấy phép sử dụng khẩn cấp (EUA) đối với vaccine của Novavax đã được trình lên Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Indonesia. Loại vaccine này được bảo quản ở nhiệt độ từ 2-8 độ C và có thời hạn sử dụng khoảng 6 tháng.

Tuy nhiên, ông Honesti đảm bảo rằng việc chậm giao hàng sẽ không ảnh hưởng đến mục tiêu của chương trình tiêm chủng quốc gia dự kiến kết thúc vào năm tới. Theo đó, Bio Farma sẽ đẩy nhanh việc sản xuất và mua các loại vaccine ngừa COVID-19 khác như Sinovac và AstraZeneca.

Cùng ngày,  Hungary quyết định không tham gia chương trình mua vaccine giai đoạn tiếp theo của của Liên minh châu Âu (EU),  vì vậy sẽ không nhận được thêm vaccine Pfizer/BioNTech. Theo thông báo của chính phủ, Hungary có đủ vaccine ngay cả khi không mua sắm mới, vì vậy việc bổ sung thêm vaccine Pfizer/BioNTech là không cần thiết. 

Hungary hiện là quốc gia duy nhất trong EU đã quyết định không tham gia vào một thỏa thuận mà liên minh này đã ký với Pfizer/BioNTech về việc cung cấp 1,8 tỷ liều vaccine  ngừa COVID-19.

Giải thích về quyết định trên, Thủ tướng Hungary Viktor Orbán khẳng định nước này đã có đủ vaccine cho đến nửa cuối năm sau. Trong khi đó, Hungary cũng sẵn sàng sản xuất một loại vaccine vào nửa cuối năm 2022 tại một nhà máy hiện đang được xây dựng ở Debrecen. Ông nhấn mạnh với việc chủ động sản xuất trong nước, Hungary có thể đảm bảo an toàn của tất cả người dân  trong nhiều thập kỷ.

Hữu Chiến - Quang Minh - Hồng Kỳ (TTXVN)