06:14 01/06/2015

Pakistan chống khủng bố trên ‘mặt trận truyện tranh’

Truyện tranh là một món ăn tinh thần khoái khẩu của nhiều nhiều thế hệ trẻ em trên toàn thế giới. Và giờ đây, nó còn trở thành một công cụ để bảo vệ tâm hồn trẻ thơ trước chủ nghĩa cực đoan bạo lực.

Không nhớ từ bao giờ, truyện tranh đã trở thành một món ăn tinh thần khoái khẩu của nhiều nhiều thế hệ trẻ em trên toàn thế giới. Và giờ đây, tại đất nước Pakistan, truyện tranh còn trở thành một công cụ để những người nghệ sĩ có tài, có tâm bảo vệ tâm hồn của trẻ thơ trước những cám dỗ của chủ nghĩa cực đoan bạo lực.

Thiết kế truyện tranh "Guardians". Ảnh: AFP


Sau sự kiện các tay súng Taliban tấn công vào một trường học ở tây bắc nước này hồi tháng 12 năm ngoái, cướp đi sinh mạng của 150 người, phần lớn trong đó là trẻ em, những người làm truyện tranh như anh Mustafa Hasnain, Gauhar Aftab và Yahya Ehsan quyết định đã đến lúc phải hành động.

Trên cơ sở được đào tạo về đồ họa vi tính tại Anh, và sở hữu một công ty riêng quy tụ những nam nữ thanh niên là những nghệ sĩ, lập trình viên và nhà văn, ông chủ trẻ Hasnain cùng hai cộng sự quyết định làm một điều gì đó thiết thực, không chỉ dừng lại với việc thắp những ngọn nến trong đêm và tham gia những buổi cầu nguyện.

“Đó là một khoảnh khắc biến cố với chúng tôi. Tôi đã gặp Gauhar và tôi nói ‘thật sự chúng ta phải làm điều gì đó’ ”, Hasnain nhớ lại. Và đó là bối cảnh ra đời của “Guardians” (Những vị thần hộ mệnh), một serie truyện tranh ba phần tập trung vào vấn đề chủ nghĩa cực đoan bạo lực.

Truyện kể về một nhóm bạn thân ở một trường đại học. Vấn đề nảy sinh khi một người trong nhóm bỏ học, tham gia một nhóm sinh viên tôn giáo. Tuy nhiên, những người bạn còn lại lo ngại tổ chức tôn giáo dưới lớp vỏ bọc thực hiện các hoạt động từ thiện có những mục đích đen tối riêng.

Theo kế hoạch, từ ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, 15.000 cuốn truyện tranh “Guardians” được phát tặng miễn phí tại các trường học ở các thành phố Lahore, Multan và Lodhran. Trong khi đó, số khác sẽ được bày bán tại các cửa hàng sách. Ngoài ra, “Guardians” phiên bản điện tử cũng sẽ được phân phối thông qua một ứng dựng được công ty phát triển cho những chiếc điện thoại của Apple cũng như điện thoại thông minh sử dụng hệ điều hành Android.

Phòng làm việc của đội ngũ sáng tạo trẻ.


Theo biên kịch tiếng Anh Aftab, những cám dỗ gia nhập các tổ chức cực đoan để lao vào con đường chiến đấu chống lại cái gọi là những kẻ thù của đạo Hồi không chỉ là những câu chuyện xa xôi trên báo đài. Khi còn ở độ tuổi 13, chính bản thân anh đã trải qua khi bị một giáo viên thuyết phục bỏ học, bỏ cả gia đình để cầm súng chiến đấu. Nhưng may mắn thay, Aftab đã bừng tỉnh vào phút cuối nhờ sự can thiệp của gia đình. Và đó cũng là điều mà Aftab muốn làm, giúp trẻ em thức tỉnh thông qua câu chuyện của một nhân vật cũng trải qua những tình huống tương tự.

Aftab mong muốn độc giả trẻ sẽ tìm được sự đồng cảm, thấy được chính bản thân và bạn bè mình với những gì đang diễn ra trong cuộc sống hàng ngày trong “Guardians”, để từ đó có trang bị tốt hơn, tránh được số phận của một phiến quân cực đoan cầm súng.

Để bảo đảm tác phẩm đến được với một lượng đông đảo độc giả, biên kịch gia nổi tiếng Amjad Islam Amjad đảm nhận thực hiện bản dịch bằng tiếng Urdu. Khác với những cuốn truyện tranh truyền thống ở Mỹ thường kể về những nhân vật anh hùng với sức mạnh phi thường như siêu nhân, những người sáng tạo ra “Guardians” tập trung xây dựng hình ảnh những anh hùng áo vải dễ chạm vào trái tim của độc giả Pakistan.

Theo giám đốc sáng tạo Yahya Ehsan, phần hình ảnh được lấy cảm hứng từ những tác phẩm của họa sĩ người Séc Alphonse Mucha và họa sĩ người Pakistan Abdur Rahman Chughtai. Trong khi đó, diễn biến của bộ truyện mang hơi hướng của truyện tranh phương Tây và manga Nhật Bản.

Theo kỳ vọng của của những người sáng tạo ra “Guardians”, đứa con tinh thần của họ, sau nguồn quỹ hiện đang được tài trợ, sẽ tạo ra một nguồn thu nhập ổn định nhờ vào ứng dụng số giúp độc giả dễ dàng tiếp cận các trang truyện đồ họa bằng những chiếc điện thoại thông minh.

Ứng dụng này được thiết kế để hoạt động được trên các điện thoại thông minh rẻ tiền có mức giá khoảng 70 USD (khoảng 1,5 triệu đồng) vốn tràn ngập thị trường Pakistan kể từ sự kiện ra mắt mạng kết nối dữ liệu 3G vào năm ngoái tại Pakistan. Theo một số thống kê, mức độ phủ sóng của điện thoại thông minh chiếm khoảng 20% ở quốc gia ước tính có 80 triệu người sử dụng thiết bị di động này.


Anh Tiếu (Theo AFP)