01:23 24/01/2011

Otto Skorzeny - Kẻ nguy hiểm nhất châu Âu - Kỳ 1: Con đường trở thành chỉ huy lực lượng biệt kích

Otto Skorzeny, kẻ đứng đầu lực lượng biệt kích của phát xít Đức trong Chiến tranh Thế giới lần thứ II, lần đầu tiên được thế giới biết đến khi vào tháng 9/1943 các chương trình trên đài phát thanh của Đức đặt cho hắn biệt danh “kẻ nguy hiểm nhất châu Âu”.

Otto Skorzeny, kẻ đứng đầu lực lượng biệt kích của phát xít Đức trong Chiến tranh Thế giới lần thứ II, lần đầu tiên được thế giới biết đến khi vào tháng 9/1943 các chương trình trên đài phát thanh của Đức đặt cho hắn biệt danh “kẻ nguy hiểm nhất châu Âu”. Sở dĩ Skorzeny có biệt danh này là do vai trò chỉ huy chính của hắn trong cuộc đột kích đường không táo bạo nhằm giải cứu cho nhà độc tài Italia, Benito Mussolini.

Kỳ 1: Con đường trở thành chỉ huy lực lượng biệt kích

   Otto Skorzeny

Là con trai của một kỹ sư công trình người Áo, cho đến khi xảy ra Chiến tranh Thế giới lần thứ II, Skorzeny vẫn sinh sống và làm việc ở thủ đô Viên của Áo. Năm 1931, Skorzeny tham gia Đảng phát xít ở Áo và từ đó luôn là một thành viên trung thành của đảng này.

Có ba chi tiết có vẻ như không quan trọng trong quãng đời trước khi tham gia quân đội của Skorzeny mà sau này lại trở nên quan trọng: Năm 1934, Skorzeny và vợ có một kỳ nghỉ trăng mật ở Italia; Ngày 12/3/1938, Đức chiếm được Áo, Skorzeny đã chứng tỏ được khả năng lãnh đạo và sự quyết đoán lạnh lùng của mình thông qua việc cứu Tổng thống Áo Wilhelm Miklas thoát khỏi việc bị chính những phần tử thuộc Đảng phát xít Áo sát hại; Ernst Kaltenbrunner, lúc đó là kẻ đứng đầu lực lượng SS của phát xít Đức ở Áo, biết đến việc Skorzeny cứu Miklas.

Khi Thế Chiến II bùng nổ vào năm 1939, Skorzeny ngay lập tức tham gia quân đội, nhưng trong 3 năm rưỡi đầu tiên của cuộc chiến tranh, con đường binh nghiệp của hắn không hề có dấu hiệu gì cho thấy hắn sẽ trở thành kẻ đứng đầu lực lượng biệt kích trong 2 năm sau đó.

Lúc đầu, Skorzeny được cử đi học lớp đào tạo nhân viên kỹ thuật của Không quân. Sau đó, hắn qua được các kỳ thi tuyển vào Lực lượng vũ trang SS tinh nhuệ, một đội quân riêng của đảng phát xít và được cử tham gia lớp huấn luyện cơ bản của lực lượng này về chuyên ngành kỹ thuật.

Trong suốt cuộc chiến tranh xâm lược Pháp diễn ra vào tháng 5/1940, Skorzeny chủ yếu “đuổi theo chiến sự”, trên cương vị của một sĩ quan kỹ thuật thuộc biên chế của đơn vị pháo binh hạng nặng của Sư đoàn vũ trang SS số 1, theo sau các đơn vị đang tiến quân như vũ bão của quân Đức. Một năm sau, Skorzeny tham gia cuộc chiến tranh xâm lược Liên Xô do phát xít Đức phát động, trong vai trò của một sĩ quan kỹ thuật thuộc Sư đoàn vũ trang SS số 2 của phát xít Đức.

Ở Liên Xô, Skorzeny trực tiếp tham gia một số trận đánh. Sau đó, hắn được giao một công việc không liên quan đến chiến đấu ở một kho quân nhu của Lực lượng vũ trang SS ở Béclin. Đây là một công việc nhàn hạ nên hắn đã có nhiều thời gian rảnh rỗi để đọc sách và làm quen với nhiều đồng nghiệp khác thuộc Lực lượng vũ trang SS. Skorzeny dành thời gian này để đọc tất cả các tài liệu nói về chiến tranh biệt kích.

Cho đến tận năm 1943, quân đội Đức vẫn chưa nghĩ đến việc phải thành lập các đơn vị tác chiến đặc biệt hoạt động sau lưng đối phương. Phát xít Đức có một quân đội hùng mạnh, có lẽ là đội quân mạnh nhất thế giới vào thời điểm bấy giờ. Đội quân này cũng không bị câu thúc bởi những vấn đề chính trị, ngoại giao, hoặc đạo đức. Trong những năm đó, Adolf Hitler không bao giờ phải tính đến các kế hoạch cử những đơn vị lính biệt kích thâm nhập các nước xung quanh. Hắn đơn giản chỉ cần phái quân đội đi xâm lược và chiếm đóng các lãnh thổ này.

Để tiến hành các hoạt động quân sự ở phía sau chiến tuyến của đối phương, hai kiểu đơn vị đã được áp dụng, với mục đích chủ yếu là chiếm giữ các mục tiêu quan trọng bằng các đòn tấn công bất ngờ, và sau đó giữ tạm thời cho đến khi lực lượng tiến công chủ yếu của quân đội Đức đánh đến. Những đơn vị này là các đơn vị lính dù và trung đoàn Brandenburg của tình báo quân sự Đức. Những đơn vị này sử dụng những lính Đức thạo ngoại ngữ, giả trang thành đối phương, rồi bất ngờ tấn công.

Lính dù của tình báo quân sự Đức chuyên tiến hành các nhiệm vụ đặc biệt.


Nhưng như Skorzeny khẳng định, các đơn vị này không còn phù hợp với tình hình của nước Đức nữa. Cuộc chiến tranh đang ngày càng diễn biến theo hướng không phù hợp với cách đánh này, và Đức không còn có thể nhanh chóng chiếm đóng được lãnh thổ của nước khác. Tình thế này đòi hỏi phải thành lập một đơn vị quân đội có khả năng hoạt động sâu phía sau chiến tuyến của đối phương. Dựa trên những kinh nghiệm của bản thân trên chiến trường Nga, quan điểm chính của Skorzeny là quân đội Đức cần phải thành lập các đơn vị tác chiến đặc biệt. Các đơn vị này sẽ hoạt động phía sau chiến tuyến của đối phương, giả trang thành quân của đối phương, tiến hành các cuộc tấn công phá hoại...

Tất cả những ý tưởng này sau đó đã có cơ hội biến thành hiện thực khi mà vào tháng 4/1943, Skorzeny được mời đến trụ sở của Lực lượng vũ trang SS. Người ta nói với hắn rằng, lực lượng này đang tìm kiếm một sĩ quan được đào tạo về kỹ thuật để tiến hành các nhiệm vụ đặc biệt. Skorzeny ngay lập tức nhận lời, và được phong quân hàm Đại uý. Hắn được giao nhiệm vụ chỉ huy một đơn vị vũ trang SS mới được thành lập có tên là Đơn vị SS đặc biệt Friedenthal, tên của địa danh Friedenthal (gần Béclin) là nơi đóng quân của đơn vị này. Đơn vị mới của Skorzeny thuộc nhánh quân sự của SS, và có nhiệm vụ hỗ trợ các hoạt động phá hoại và tấn công trên quy mô quân sự cho nhánh phản gián của SS.

Skorzeny hiển nhiên đã được Ernst Kaltenbrunner - lúc đó đang đứng đầu Cơ quan an ninh của Đức quốc xã - tiến cử. Lý do là Kaltenbrunner đánh giá cao vai trò của Skorzeny trong lần cứu Tổng thống Áo năm 1938.

Khánh Chi (Tổng hợp)

Đón đọc kỳ 2: Cuộc triệu tập đến “Hang sói”