11:06 14/11/2016

Ông Trump đắc cử, lợi hay hại cho kinh tế Trung Quốc?

Trong con mắt của Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là “kẻ xấu xa”. Suốt chiến dịch tranh cử, ông nhiều lần đe dọa sẽ trừng phạt Trung Quốc bằng cách tăng thuế đánh vào hàng hóa của quốc gia này để trả đũa cho việc khiến nhiều người Mỹ bị mất cơ hội việc làm. Tuy nhiên, giới phân tích lại nhìn nhận rằng chính chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch có thể tạo ra các cơ hội cho Trung Quốc.

Trong nhiều tháng qua, ông Trump đã liên tục lên án các hoạt động thương mại của Trung Quốc, cho rằng quốc gia này đã cố tình hạ giá đồng nội tệ để thúc đẩy xuất khẩu, và kết quả là nhiều người đã mất việc trong ngành chế tạo của Mỹ. Ông đe dọa sẽ áp mức thuế 45% đối với tất cả các mặt hàng sản xuất tại Trung Quốc.

Ông Trump còn chỉ trích Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TTP) mà Chính quyền Tổng thống Obama thúc đẩy cùng các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, trừ Trung Quốc, với giá trị chiếm tới gần 40% GDP toàn cầu.

Một người Trung Quốc đọc tờ báo với trang nhất đăng tin ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ.

Trước cuộc bầu cử, hai trong số các cố vấn của ông Trump đã viết trên tạp chí “Foreign Policy” rằng ông sẽ “không bao giờ hy sinh nền kinh tế Mỹ cho chính sách ngoại giao thêm một lần nào nữa, chẳng hạn như tham gia các thỏa thuận thương mại như Hiệp định Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), cho phép Trung Quốc tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và chấp nhận TPP”. Giới chuyên gia nhận định rằng, việc kết thúc của thỏa thuận vốn có mục tiêu là tăng cường ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thể đem tới cho Bắc Kinh cơ hội để thúc đẩy thỏa thuận thương mại của riêng mình mà trong đó không có Mỹ. 

Trung Quốc vốn đã bắt đầu đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), nhằm thiết lập một khu vực thương mại tự do bao trùm từ khối ASEAN ở Đông Nam Á, cho tới các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, rồi đến Australia và New Zealand.

Như một hình mẫu thu nhỏ của TPP, RCEP bao gồm 6 trong số 12 nước tham gia TPP, nhưng không có Mỹ. Nếu thành công, RCEP sẽ bao trùm khu vực dân cư gồm khoảng hơn 3 tỷ người nữa và Ngoại trưởng Australia Julie Bishop hôm 10/11 đã nói với giới truyền thông rằng "nếu TPP thất bại, hiệp định có khả năng lấp đầy khoảng trống mà nó để lại nhất chính là RCEP”. 

Việc Mỹ rút khỏi bất cứ hiệp định thương mại nào cũng đều có thể đẩy các đối tác của họ rơi vào vòng tay của Trung Quốc, nước thường xuyên chào mời các quốc gia này những gói cho vay hấp dẫn để thúc đẩy các thỏa thuận, đồng thời hối thúc các công ty của Trung Quốc mở rộng phạm vi hoạt động ở ngoài nước và cạnh tranh trực tiếp với các công ty nước ngoài. 

Lời đe dọa áp thuế 45% lên tất cả các mặt hàng sản xuất tại Trung Quốc của ông Donald Trump có thể khơi mào cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Trung Quốc sẽ là bên chịu tác động đầu tiên, bởi họ từ lâu đã duy trì mức thặng dư thương mại khổng lồ với Mỹ. Nhà phân tích Kevin Lai thuộc hãng nghiên cứu Daiwa Capital Markets trong một bài viết đã nói rằng mức thuế 45% sẽ khiến khối lượng xuất khẩu của Trung Quốc sang nền kinh tế lớn nhất thế giới tụt giảm tới 87%, tương đương với thiệt hại khoảng 420 tỷ USD. Theo hãng tin Bloombeg News, ngay cả trong trường hợp mức thuế này là 15% thì khối lượng nhập khẩu từ Trung Quốc cũng sẽ giảm tới 31%, thiệt hại một khoản tương tương 1,75% GDP. 

Tuy nhiên, ông Christopher Balding, từ Trường Thương mại thuộc Đại học Bắc Kinh cho rằng các tập đoàn kinh doanh và giới lập pháp Mỹ nhiều khả năng sẽ vận động nhằm phản đối các quyết định có nguy cơ làm gián đoạn dòng chảy thương mại của ông Trump. Ông nói: “Tôi không nghĩ việc đó là khả thi nếu xét về mặt chính trị và pháp lý… dù với Donald Trump thì dường như không có điều gì là không thể”. 

Bình luận về lời đe dọa của ông Trump, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng hôm 10/11 trao đổi với báo giới rằng kim ngạch thương mại song phương tăng gấp 200 lần trong nhiều thập kỷ gần đây đã đem lại lợi ích cho cả hai bên. Ông nói: “Bất cứ nhà lãnh đạo Mỹ nào nghĩ đến lợi ích của người dân và đất nước mình đều sẽ đưa ra lựa chọn đúng đắn nhất”.

TTXVN/Tin Tức