03:22 15/03/2015

Ông Trần Văn Tớp không vi phạm quyền tác giả

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kết luận việc tố cáo ông Trần Văn Tớp xâm phạm quyền tác giả quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 là chưa đủ cơ sở pháp lý để chấp nhận.

Ngày 2/3/2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Văn bản số 99/KL - BGDĐT công bố Kết luận nội dung tố cáo đối với ông Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (ĐHBK) Hà Nội về hành vi sao chép nhiều nội dung tài liệu “Một số vấn đề kỹ thuật điện áp cao ở siêu cao áp và cực cao áp” năm 1993 của GS.TS Võ Viết Đạn trong giáo trình “Kỹ thuật điện cao áp” xuất bản năm 2007. 

Sau khi tiến hành xác minh, dựa trên các tài liệu, chứng cứ có liên quan, đối chiếu với các quy định của pháp luật, ý kiến của các bộ, ngành liên quan, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kết luận: Việc tố cáo ông Trần Văn Tớp xâm phạm quyền tác giả quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 là chưa đủ cơ sở pháp lý để chấp nhận. Văn bản giải trình của ông Trần Văn Tớp phù hợp với ý kiến của các nhà khoa học đã tham gia sự việc này (thời điểm năm 2007), phù hợp với ý kiến chính thức của Trường ĐHBK Hà Nội và ý kiến của Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)... 

Việc ông Trần Văn Tớp sử dụng một số nội dung trong tập bài giảng năm 1993 của GS.TS Võ Viết Đạn là “ngay tình”, là thực hiện nhiệm vụ của bộ môn giao và không cố ý che giấu nguồn gốc tài liệu được sử dụng. Vì vậy, cũng không đủ căn cứ cho rằng, ông Tớp có dấu hiệu gian dối, vi phạm đạo đức nhà giáo và không trung thực. 

Giáo trình là sách phục vụ đào tạo gồm một lượng tri thức, kiến thức nhất định được biên soạn, tổng hợp trên các tư liệu, tài liệu, bài giảng theo đề cương cụ thể. Các tập bài giảng, giáo trình được Trường ĐHBK Hà Nội giao nhiệm vụ, xét duyệt, trả nhuận bút, thù lao đều thuộc quyền sở hữu của Trường ĐHBK Hà Nội. Cục Bản quyền tác giả - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã khẳng định tài liệu “Một số vấn đề kỹ thuật điện áp cao ở siêu cao áp và cực cao áp” năm 1993, GS.TS Võ Viết Đạn là tác giả, Trường ĐHBK Hà Nội là chủ sở hữu quyền tác giả. 

Khi biên soạn Giáo trình “Kỹ thuật điện cao áp” năm 2007, ông Trần Văn Tớp đã thực hiện theo đúng nhiệm vụ được giao, tuân thủ đúng các quy định về công tác biên soạn giáo trình của Trường ĐHBK Hà Nội vào thời điểm đó, giáo trình này được Trường ĐHBK Hà Nội thẩm định, xuất bản và xác nhận là tài liệu học tập. Ông Tớp đã trung thực, không che giấu tài liệu tham khảo, đặc biệt là tài liệu của GS.TS Võ Viết Đạn được nêu rõ trong Lời nói đầu và tài liệu tham khảo. Trong Lời nói đầu của Giáo trình năm 2007, ông Tớp đã dẫn chiếu tên tác giả và tên tác phẩm được sử dụng biên soạn. Cụ thể: “Tài liệu này được biên soạn dựa trên kinh nghiệm giảng dạy môn học Kỹ thuật điện cao áp và tài liệu “Một số vấn đề kỹ thuật điện áp ở siêu cao áp và cực cao áp” do GS.TS Võ Viết Đạn biên soạn...”. 

Thực tế giáo trình này đã được sử dụng phục vụ công tác đào tạo của Trường ĐHBK Hà Nội từ năm 2007 đến nay và đã đóng góp hoàn thiện hệ thống giáo trình của nhà trường, góp phần vào nâng cao chất lượng đào tạo của trường.

Hội đồng chức danh giáo sư liên ngành Điện - Điện tử - Tự động hóa, thuộc Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước cũng khẳng định, ông Trần Văn Tớp có sử dụng một số nội dung từ tập bài giảng của GS.TS Võ Viết Đạn nhưng việc sử dụng này không được xem là hành vi sao chép vì giáo trình là sách biên soạn phục vụ đào tạo, kế thừa các kiến thức nền tảng cơ bản và phải cập nhật được kiến thức mới, đáp ứng được yêu cầu đào tạo theo đề cương đã được nhóm chuyên môn, bộ môn thông qua và được hội đồng thẩm định theo đề cương đã duyệt.

Bộ Giáo dục và Đào tạo căn cứ trên những ý kiến đánh giá của Cục Bản quyền - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Hội đồng chức danh Giáo sư liên ngành Điện - Điện tử - Tự động hóa, ý kiến của các tập thể, cá nhân có liên quan, kết luận ông Trần Văn Tớp không vi phạm quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật; không vi phạm đạo đức nhà giáo.

Văn bản Kết luận của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nói rõ, mặc dù không che giấu nguồn gốc tài liệu của GS.TS Võ Viết Đạn, nhưng ông Tớp có thiếu sót về dẫn chiếu cụ thể nội dung đã sử dụng từ tập bài giảng năm 1993. Điều này có nguyên nhân khách quan vì đây không phải là công trình nghiên cứu, luận văn, luận án, mà là giáo trình và tại thời điểm năm 2007 không có hướng dẫn chi tiết rõ ràng về việc trích dẫn trong khi biên soạn giáo trình. 

Hơn nữa, tại thời điểm đó, sở hữu trí tuệ còn là một lĩnh vực mới, chưa có các quy định chi tiết, rõ ràng nên các chủ thể có liên quan khó áp dụng một cách triệt để. Vì vậy, trong văn bản kết luận, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu ông Tớp phải kiểm điểm trách nhiệm cá nhân về sai sót tên, năm và dẫn chiếu về tập bài giảng của GS.TS Võ Viết Đạn và có biện pháp đính chính, khắc phục những sai sót đã nêu.


PV